Tin tức

Thánh Louise de Marillac và Thánh Thể

 

1. Bí Tích Thánh Thể Trong Thế Kỷ XVII

Thánh Louise de Marillac là một người phụ nữ điển hình trong thời đại của bà, cả trong kinh nghiệm thiêng liêng và đời sống đức tin của ngài. Vào thời bà sống, Huấn quyền của Giáo hội không khuyến khích Rước lễ thường xuyên như hiện nay, Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh và quay lưng lại với giáo dân và kiến thức của tín hữu về Bí tích Thánh Thể rất lờ mờ và nghèo nàn. Thậm chí, nhiều tín hữu đã lần chuỗi Mân Côi hoặc làm ‘tuần cửu nhật’ hoặc các thực hành đạo đức khác trong Thánh lễ. Việc hướng dẫn các tín hữu về sự cao quý và bản chất của Bí tích Thánh Thể rất kém, do phần lớn các giáo sĩ ít được đào tạo, cùng với sự ngu muội của những người dân chất phác.

Thánh Louise de Marillac là một phụ nữ cùng thời với những người khác trong thời đại đó, nhưng về chủ đề này, bà có sự khác biệt lớn với các tín hữu và thể hiện một kiến thức phi thường cao hơn kiến thức của nhiều giáo sĩ. Không có gì đáng ngạc nhiên, do nền văn hóa và giáo dục nhận được từ các nữ tu Đa Minh ở Poissy. Bà đã được học giáo lý về Bí tích Thánh Thể trong tu viện, cội nguồn của văn hóa và đức tin, cùng với Sơ Catalina de Marillac (Cô của thánh Louise de Marillac). Ở đó, trong sự ấm áp của lòng đạo đức vững chắc của cộng đoàn, thánh nữ đã học biết quý trọng Lectio divina và việc suy niệm Lời Chúa, vốn cống hiến cho chúng ta bởi Mẹ Giáo hội trong việc cử hành Thánh Thể hàng ngày. Khi được tiếp xúc với những phụ nữ tận hiến cho Chúa, thánh nữ học biết quý trọng sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Giêsu trong Nhà Tạm, bà thường xuyên viếng thăm Chúa Giêsu Thánh Thể và dành nhiều giờ cầu nguyện trước Nhà Tạm thánh thiêng. Và bà cũng nhận được từ những bà giáo của mình, các nữ tu dòng Đa Minh ở Poissy, tình yêu và lòng sùng kính đối với việc Rước lễ, rất quan tâm đến việc sẵn sàng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

Ngoài ra, việc tôn thờ Thánh Thể rất phát triển trong thời thơ ấu và thời thiếu nữ của bà. Dòng chảy tâm linh của chủ nghĩa nhân văn sùng đạo, được thúc đẩy bởi Thánh Francis de Sales, và phản ứng chống lại cuộc Cải cách Tin lành đã làm cho sự sùng kính này gia tăng. Trên thực tế, Louise de Marillac thực hành nó rất thường xuyên và yêu cầu các chị em của mình làm điều đó, ngay cả khi họ đang ở trên các phương tiện di chuyển công cộng[1], để xin một ân sủng quan trọng như ơn bình an[2] hoặc việc đặt Thánh Thể trong những nhà mới thành lập của cộng đoàn, nhất là nếu Bí tích này được dành cho việc phục vụ và giáo dục trẻ em.[3]

Những nhận thức về thời thơ ấu và thời thanh xuân này đã đánh dấu lòng đạo đức sâu sắc và kinh nghiệm thiêng liêng của bà, khiến tâm hồn thánh nữ trở thành một dấu ấn in sâu tính cách. Vì thế, trong suốt cuộc đời của mình, thánh nữ sống với  Bí Tích Thánh Thể, bày tỏ lòng sùng kính Bí Tích Thánh Thể một cách sâu xa và đặc biệt đối với sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bánh Thánh Thể được đặt trong Nhà Tạm, việc thường xuyên viếng Chúa Giêsu Kitô trong bí tích và quan tâm đến việc chuẩn bị bản thân để rước lễ với tâm thế tốt. Và những gì thánh nữ sống, bà đã dạy về điều ấy, và thánh nữ thể hiện trong những cuộc gặp gỡ của mình với những người phụ nữ và quý phu nhân tốt lành của Hội Bác Ái, mà bà đã kể lại trong những chuyến thăm người nghèo. Và sau này, khi trở thành vị sáng lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái, bà đã dạy lại cho các Nữ Tử Bác Ái.

Liên quan đến tập tục Rước lễ, thánh nữ gắn bó với lối suy nghĩ phong tục thời bấy giờ, chẳng hạn như Thánh Vinh Sơn đã phản ánh trong buổi Đàm Luận ngày 14 tháng 6 năm 1643, khi giải thích các tập tục thiêng liêng của Tu hội: “Đi xưng tội và Rước lễ vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ cả, và không thường xuyên hơn nếu không có phép của Cha bề trên. Tôi thực sự khuyên các chị em nên chính xác về điểm rất quan trọng này, thưa các chị em. Tôi biết rõ rằng có thể có một số người muốn tham dự thường xuyên hơn, nhưng vì tình yêu của Chúa, hãy hãm mình về phương diện này, và suy nghĩ rằng, một cuộc Rước lễ thiêng liêng được thực hiện tốt, đôi khi sẽ hiệu quả hơn một cuộc rước lễ thực sự. Tôi biết điều này là như vậy, thưa các chị em, và tôi xin phép nói thẳng với các chị em rằng, việc rước lễ quá thường xuyên là nguyên nhân của những lạm dụng nghiêm trọng – không phải vì chính việc rước lễ, mà vì những khuynh hướng xấu mà người ta thường mang đến. Vì vậy, các chị em, xin đừng rước lễ thường xuyên hơn, mà không có sự cho phép của cha bề trên.” [4] Thánh Louise đã có mặt tại buổi Đàm luận này và là người đầu tiên tuân theo những gì Thánh Vinh Sơn đã giải thích, khi nói về các quy định của Giáo hội về việc Rước lễ vào thời điểm đó.

Vào thời điểm đó, sự tuyệt hảo của bí tích được đón nhận với một sự vĩ đại và cao cả đến mức người ta sợ rằng, sẽ không được chịu lễ một cách thích hợp, nếu thực hiện việc rước lễ quá thường xuyên. Tư duy này được Giáo hội duy trì cho đến đầu thế kỷ XX, khi Đức Giáo hoàng Piô X mở cửa cho việc rước lễ thường xuyên. Đó là lý do tại sao Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise, trên hết, đã rất coi trọng việc quy định để rước lễ đúng cách .

2. Bí Tích Thánh Thể, tâm điểm cuộc đời và sứ vụ của Thánh Louise

Vấn đề này đã được nghiên cứu rất ít bởi các nhà phê bình và học giả về thánh Louise. Thật đáng giá, khi Giáo hội đã có những năm thánh dành riêng cho Bí tích Thánh Thể, chúng ta hướng cái nhìn của mình lên người phụ nữ đặc biệt này khi nói đến lòng sùng kính Thánh Thể của bà. Đối với bà, đó là trung tâm của cuộc đời và sứ mệnh của thánh nữ từ khi còn nhỏ. Bản Luật Sống tại thế của bà, được viết sau khi bà góa bụa và trước khi thành lập Tu hội Nữ Tử Bác Ái, đã diễn tả rõ ràng giá trị của bí tích này trong cuộc đời vị thánh bác ái này.

Lòng kính trọng của bà đối với Bí tích Thánh Thể được phản ánh trong những sắp xếp mà bà tham gia vào việc cử hành Thánh lễ hàng ngày : “Ngay sau khi thức dậy, tôi sẽ suy gẫm trong một giờ hoặc ít nhất ba phần tư giờ về một chủ đề được lấy từ Kinh Thánh. Phúc âm hoặc thánh thư mà tôi sẽ thêm một bài đọc từ cuộc đời của vị thánh kính ngày hôm đó, để được hướng dẫn bằng một ví dụ thực tế, từ gương mẫu của vị thánh kính ngày hôm đó.” [5]

Cầu nguyện là sự chuẩn bị ngay lập tức của bà để tham dự Thánh Lễ. Và thánh nữ thực hiện điều đó bằng cách suy niệm về những đoạn Lời Chúa mà Giáo Hội đề xuất cho chúng ta mỗi ngày. Ngoài lời cầu nguyện, thánh nữ thêm lời cầu khẩn Đức Trinh Nữ với một số lời cầu nguyện của Phụng vụ Các Giờ Kinh, xin Chúa giúp đỡ để bảo tồn những linh hứng đã nhận được và tiếng vang của Lời Chúa trong trái tim thánh nữ. Vì điều này, bà nói thêm : “Sau khi suy niệm, tôi sẽ đọc một cách chăm chú kinh Giờ Nhất (Prime) và kinh Giờ Ba (Terce) để tôn vinh Đức Mẹ, trong khi vẫn duy trì những cảm hứng mà tôi nhận được trong khi cầu nguyện. Sau đó, nếu có bất kỳ trách nhiệm nào trong việc nhà, tôi sẽ lo liệu nó trong khi chuẩn bị tu phục. Vào lúc 8 giờ 30 vào mùa hè và 9 giờ vào mùa đông, tôi sẽ đi dự Thánh lễ. Đôi khi ý định duy nhất của tôi là cầu nguyện cho và với Giáo hội. Vào những thời điểm khác, tôi sẽ sử dụng những điểm để suy ngẫm có trong Philotée hoặc trong một cuốn sách khác.”[6]

Sau khi tham dự Thánh lễ, thánh nữ viết ra cách kết thúc lời tạ ơn của mình và cách ghi nhớ trong lòng những hiệu quả và ân sủng thiêng liêng đã nhận được trong đó : “Sau Thánh lễ, tôi sẽ kết thúc bằng việc đọc Kinh Nhật Tụng kính Đức Trinh Nữ Maria, trong khi tiếp tục đọc thì suy ngẫm về tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa đã bày tỏ cho chúng ta, bằng cách thiết lập Hy lễ thánh này.”[7] Một lần nữa, lời cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria của bà xuất hiện như một tâm hồn yêu mến Thánh Thể cách đặc biệt, như  Đức  Giáo hoàng Gioan Phaolô II [8], ghi nhớ những gì bà đã thấy và nghe về Chúa Giêsu, và diễn đạt điều ấy. Trong bản nội quy của mình, thánh nữ nói rằng, bà được phép rước lễ vào các ngày thứ Bảy đầu tháng để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa-tôn Vinh Đức Maria, trước hoặc sau khi Rước lễ thiêng liêng, bà đề nghị đọc lời cầu nguyện mà bà gọi là kinh tận hiến, một lời cầu nguyện thực sự tận hiến bản thân cho Thiên Chúa. Bằng cách đơn giản này, bà diễn tả mối liên kết giữa Đức Maria và Chúa Giêsu Thánh Thể. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được Thánh Louise hiểu Thánh Thể như thế nào: đây là biểu hiện của tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho loài người .

3. Giáo lý viên về Thánh Thể

Từ năm 1633, thánh nữ Louise de Marillac trở thành người đồng sáng lập các Nữ Tử Bác Ái và lo lắng về việc đào tạo họ, bà dạy họ :

    • Coi Bí tích Thánh Thể là nguồn bác ái và trung tâm của lòng sùng kính,
    • Coi trọng việc Rước lễ như phương tiện chính yếu để kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và tham dự vào chính sự sống của Người để nhận ân sủng cứu độ mà Người ban cho chúng ta, trong hy tế thánh lễ và trong việc Rước lễ,
    • Có những chuẩn bị thích hợp để Rước lễ cách tốt đẹp và với tần suất do Giáo hội quy định,
    • Để có được những chuẩn bị cần thiết để rước lễ tốt: ước muốn mãnh liệt, tách khỏi những ràng buộc, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, hiệp nhất các hành động của chúng ta với những hành động của Chúa Giêsu, tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa trong việc đón nhận Ngài, ý định đúng đắn trong những gì chúng ta làm và quyết định và cuối cùng là hãm mình và hy sinh để kiểm soát những đam mê dẫn chúng ta đến tội lỗi .

Thánh Vinh Sơn đã biết và nhận thức được kiến thức và kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Louise vào thời điểm này. Đó là lý do tại sao tại trong buổi Đàm luận với các chị em Nữ Tử Bác Ái vào ngày 18 tháng 8 năm 1647, về việc Rước lễ, Thánh Vinh Sơn đã yêu cầu Thánh Louise đọc rõ ràng những ghi chú mà thánh nữ mang theo, để truyền đạt chúng cho các chị em. Trong đó, điều này được đọc như sau :

Điều quan trọng nữa là chúng ta dâng mình cho Chúa để rước lễ một cách xứng đáng bởi vì nếu không, chúng ta sẽ chẳng được ơn ích gì, đối với những người không hề đi rước lễ, lẫn những người rước lễ một cách không xứng đáng. Và điều đó đoi khi dẫn chúng ta đến hình phạt thay vì là ân sủng.

Lý do khác mà chúng ta cần có để dâng mình cho Thiên Chúa, và để rước lễ tốt lành là lòng biết ơn mà chúng ta phải có đối với tình yêu vĩ đại, mà Ngài bày tỏ khi hiến mình cho chúng ta khi chịu lễ; chúng ta chỉ có thể làm như vậy bằng cách bày tỏ tình yêu hỗ tương đối với Chúa của chúng ta, có thể nói như vậy, và bằng cách hết lòng mong muốn đón nhận Ngài, vì Ngài hết lòng mong muốn hiến thân cho chúng ta. Đối với tôi, tình yêu của Ngài từ thực tế dường như còn lớn hơn, vì sự Nhập Thể của Ngài đủ để Cứu Chuộc chúng ta, nên dường như Ngài hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chỉ để thánh hóa chúng ta, không chỉ bằng cách áp dụng công nghiệp của Sự Nhập Thể và sự chết của Ngài, mà còn bởi lòng nhân từ của Ngài, muốn làm cho chúng ta chia sẻ mọi hành động trong cuộc sống của Ngài và giúp chúng ta thực hành các nhân đức của Ngài, mong muốn làm cho chúng ta nên giống như Ngài bằng tình yêu của Ngài.

Về điểm thứ hai – chúng ta phải làm gì để dâng mình cho Thiên Chúa để Rước lễ tốt đẹp – tôi nghĩ chúng ta nên hết sức quý trọng việc Rước Lễ, đến nỗi điều đó khiến chúng ta lo sợ, nếu chưa có tâm trạng xứng đáng để Rước Lễ, và điều đó, vì một trong những hiệu quả của việc Rước lễ – tác động chính – là kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng hết sức để cố gắng loại bỏ những ngăn trở cho sự kết hợp này. Và thấy rằng, điều nguy hiểm nhất là quá ích kỷ, quá yêu chiều ý riêng mình, nếu muốn tham dự vào hoa trái của việc Rước lễ, điều thiết yếu là chúng ta phải dâng mình cho Chúa, để chỉ có một ý muốn với Chúa; đây là điều tôi mong muốn, sau khi đã được Chúa cho thấy rất nhiều lần, đến nỗi tôi không thể làm được điều gì tốt và hoàn toàn không xứng đáng để rước lễ.

Điều tôi cảm thấy mình nên làm là chú ý hơn đến các hành động của con chí ái của Thiên Chúa để cố gắng kết hợp hành động của ta với Ngài, với sự trợ giúp của ân điển Ngài. Và vì ta biết rằng, Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự, nên tôi nghĩ rằng chúng ta phải luôn có ý hướng ngay thẳng khi rước lễ, không pha trộn sự tôn trọng con người, nhưng bằng tình yêu, chúng ta mang lấy nhân tính thánh thiện và thần linh của Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta có thể tương ứng với nhau, trung thành với tình yêu Ngài dành cho chúng ta trong Bí Tích Cực Thánh này. Sự hiểu biết Chúa ban cho tôi về việc tôi thường lạm dụng Rước lễ trong suốt cuộc đời mình, sống một cuộc sống khiến tôi không xứng đáng với điều đó, vì sự bạo lực của những đam mê của tôi, đã thôi thúc tôi với ước muốn cố gắng hãm mình, để để không phải gánh chịu sự thịnh nộ của Thiên Chúa, thay vì tình yêu thương của Ngài, nếu tôi tiếp tục sử dụng sai của ăn thiêng liêng này.[9]

Một cách đơn giản, thánh nữ suy tư về ý nghĩa của việc Rước Lễ Vượt Qua như là một bảo chứng của sự phục sinh và sự sống đời đời : “Rước Lễ trong mùa Phục Sinh là điều duy nhất được Giáo Hội truyền dạy, qua đó cho chúng ta biết rằng con cái của Giáo Hội sẽ nhận được di sản của họ từ vị hiền thê của mình ngày hôm nay. Điều này đối với tôi dường như là một kho báu, có khả năng cung cấp cho tôi bất cứ thứ gì tôi có thể cần trong suốt cả năm. Điều này buộc chúng ta phải chọn cuộc đời của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh làm mẫu mực cho cuộc đời của chúng ta, để Sự Phục Sinh của Ngài có thể là phương tiện vinh quang cho chúng ta trong cõi đời đời.”[10]

Lòng sùng kính Thánh Thể của thánh nữ không chỉ giới hạn trong kinh nghiệm cá nhân và dạy cho các Nữ Tử Bác Ái điều bà đã tin và đã sống, mà còn vượt xa hơn thế nữa. Bà quan tâm đến việc các bé trai và bé gái tại trường học, người già trong Nhà tế bần và người bệnh trong Bệnh viện được biết rõ về Chúa Giêsu Thánh Thể, trước khi rước Chúa trong Rước Lễ Lần Đầu. Với mục đích này, bà đã để lại cho chúng ta cuốn sách Giáo lý gồm những câu hỏi và câu trả lời sau đây, như một cách hướng dẫn đơn giản và dễ dàng để hiểu những trí thông minh đơn giản nhất:

    • Hỏi: Có gì trong Mình Thánh Chúa trên bàn thờ?Thưa: đó là Mình, Máu, Linh hồn và Thiên tính của Chúa chúng ta.
    • Hỏi: Thân thể bị đóng đinh trên Thập tự giá có giống như vậy không?Thưa: Đúng là như vậy.
    • Hỏi: Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy Ngài hoặc cảm nhận được Ngài? Thưa: Vì đó là thân xác phục sinh vinh quang của Ngài.
    • Hỏi: Khi nào Mình và Máu Thánh Chúa ở trong Bánh Thánh? Thưa: là khi linh mục đọc xong các lời bí tích (truyền phép), tức là trước khi nâng Mình Thánh lên cao một chút.
    • Hỏi: Chuyện gì xảy ra sau đó? Thưa: đó là một sự thay đổi bản chất của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa chúng ta.
    • Hỏi: Nếu linh mục đọc các lời bí tích chỉ một lần trên nhiều Bánh Thánh, thì Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa chúng ta có ở trong tất cả các Bánh Thánh đó không? Thưa: Đúng là như vậy.
    • Hỏi: Chúa sẽ ở trong hình bánh, hình rượu đó đến khi nào?Thưa: Cho đến khi các bánh, rượu đó tan biến trong miệng, khi người ta rước lễ.
    • Hỏi: Và khi nào điều này xảy ra? Thưa: Khi chúng ta được chịu lễ.
    • Hỏi: Nếu khi cho rước lễ, linh mục cho bạn nhiều Mình Thánh, có phải bạn đã được rước lễ nhiều lần không? Thưa: không.
    • Hỏi: chúng ta có cần nói với linh mục về điều ấy không? Thưa: Không.
    • Hỏi: Vậy nếu vị linh mục cho bạn rước lễ dù chỉ là một miếng nhỏ, bạn có nhận được toàn bộ Chúa của chúng ta không? Thưa: Đúng như vậy.
    • Hỏi: Khi linh mục bẻ Bánh Thánh trong Thánh Lễ, Mình Thánh Chúa còn lại ở phần nào? Thưa: Trong cả ba.
    • Hỏi: linh mục uống gì từ chén thánh? Thưa: đó là Máu Chúa chúng ta.
    • Hỏi: Tại sao Máu Thánh Chúa được tách ra khỏi Mình Thánh trong Thánh Lễ? thưa: Vì sự phân rẽ tượng trưng cho Cái Chết và Cuộc Thương Khó của Ngài.
    • Hỏi: Và những gì được trao cho chúng ta trong chén sau khi rước lễ? Thưa: đó là rượu để súc miệng.
    • Hỏi: Vậy phải chăng, chúng ta không rước Máu của Chúa chúng ta sao?Thưa: Vâng, bởi vì một cơ thể đã sống lại, không thể không có máu của Ngài.
    • Hỏi: Chúng ta không nên ăn uống trước khi rước lễ từ mấy giờ? Thưa: Từ nửa đêm.
    • Hỏi: Trong Bí Tích Cực Thánh của Bàn Thờ chỉ có ngôi Thứ Hai trong Ba Ngôi Cực Thánh? Thưa: ngôi Thứ Hai ở đó cả về thể xác lẫn linh hồn; và Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đồng thời ở đó, vì ba ngôi vị là một Thiên Chúa.
    • Hỏi: Việc chuẩn bị nào luôn cần thiết để rước lễ? Thưa: Điều cần thiết là mong muốn được rước lễ và xưng tội đàng hoàng.[11]

Từ năm 1646 trở đi, Tu hội được tổ chức như một thể chế ổn định và cơ cấu đào tạo tương tự như hiện nay. Chị Juliana Loret được bổ nhiệm làm chi giám tập để đào tạo những người mới gia nhập Tu hội. Trong nội quy dành cho chị em Nhà Mẹ, thánh Louise viết rằng, thánh nữ muốn chị giám tập dạy các thanh nữ về bí tích Thánh Thể :

    • Sự cao trọng của bí tích này và của các bí tích khác,
    • Sự cần thiết phải chuẩn bị tốt bản thân để đón nhận Ngài với những tâm thế thích hợp, và
    • Những hoa trái mà linh hồn sinh ra để rước lễ cách tốt đẹp .

Thánh nữ diễn đạt điều đó như sau : “Vào lúc hai giờ, sau bài đọc của Cộng đoàn, Chị Giám tập sẽ cùng với các chị em mới đến nơi được chỉ định và sẽ hướng dẫn họ về sự tuyệt hảo của các Bí tích, dạy cho các chị em biết điều đó ân ban của Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô mà các ích lợi của các bí tích được ban cho chúng ta. Chị ấy sẽ truyền đạt cho họ về niềm hạnh phúc lớn lao mà những linh hồn lãnh nhận các bí tích tốt cảm nhận được và về nỗi bất hạnh của những người không lãnh nhận. Chị ấy sẽ yêu cầu họ giải trình về việc sử dụng buổi sáng của họ liên quan đến những lỗi đối với Quy luật của họ và đối với các chị em. Chị sẽ dạy họ những hành vi cần thiết để chuẩn bị cho việc xưng tội và rước lễ tốt.”[12]

Việc xưng tội phải được thực hiện để lãnh nhận Bí tích Thánh Thể với tâm hồn tốt và từ đó nhận được những hoa trái cần thiết để sống tốt và dấn thân trọn vẹn vào việc thực hành bác ái huynh đệ, bác ái và công lý đối với người nghèo.

Đối với cả Thánh Vinh Sơn và Thánh Louise, việc lãnh nhận các bí tích, với sự chuẩn bị thích hợp, việc sám hối của Thánh Thể tạo thành nguồn mạch mà từ đó chúng ta uống được lòng bác ái và tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta dành cho người nghèo qua các việc phục vụ khiêm nhường của mình : “Thưa các chị em, các chị em có nghĩ rằng Thiên Chúa muốn các chị em chỉ mang đến cho những người nghèo của Ngài một mẩu bánh mì, một ít thịt, một ít súp và một ít thuốc không? Ồ không, thưa chị em! đó không phải là kế hoạch của Ngài trong việc chọn chị em từ cõi đời đời, để dâng cho Ngài những công việc mà chị em làm cho Ngài trong con người của người nghèo. Ngài mong muốn chị em cung cấp cho họ những nhu cầu về tinh thần, cũng như những nhu cầu về thể xác. Họ cần Man-na thiên đàng; họ cần Thần Khí của Thiên Chúa; và chị em sẽ tìm thấy nó ở đâu để chia sẻ nó với họ? Nơi việc Hiệp lễ, thưa chị em. Cả những người quan trọng và những người bình thường đều cần điều này, thưa các chị em. Đó là lý do tại sao chị em phải đặc biệt quan tâm, để chuẩn bị thật tốt, hầu đón nhận sự dồi dào của Thần Khí.”[13]

Thánh Louise nhấn mạnh đến hoa trái của việc Rước lễ được thực hiện tốt, và đặc biệt là việc tham dự vào sự sống thần linh mà các thánh sở hữu. Như đã diễn tả trong các bút tích của bà vào khoảng năm 1632 : “Việc Rước Lễ với Mình Chúa Giêsu Kitô khiến chúng ta thực sự tham dự vào niềm vui của việc Các Thánh Thông Công trên thiên Đàng. Niềm vui này được tạo nên cho chúng ta nhờ việc Nhập Thể và cái chết của Con Thiên Chúa. Nhờ ân ban này mạnh mẽ đến mức mà sự hòa giải bản tính con người, sẽ giúp chúng ta không bao giờ có thể tách rời khỏi tình yêu của Chúa nữa. Giống như Thiên Chúa nhìn thấy chính Ngài kết hợp với con người trên thiên đàng, bằng sự kết hợp thực thể của ngôi lời nhập thể, thì Ngài cũng muốn có sự kết hợp như vậy trên trái đất, để loài người sẽ không bao giờ bị tách rời khỏi Ngài nữa. Ôi Tình Yêu Vô Biên! Tại sao Ngài lại để cho những thụ tạo mù quáng bỏ qua một điều tốt đẹp như vậy? Điều tốt lành này chỉ có thể bị mất đi bởi tội lỗi, tội lỗi ngăn cản sự kết hợp giữa lòng tốt của Chúa và nhân loại.” [14]

Trong các bài nói chuyện dành cho các chị Nữ Tử Bác Ái đầu tiên, các đấng sáng lập nói một cách mô tả về những chi tiết rất cụ thể của đời sống nói lên hoa trái của đời sống Thánh Thể của chúng ta :

    • Thưa các chị em, một dấu hiệu không thể sai lầm khác của việc rước lễ tốt là,
    • khi chúng ta sốt sắng làm việc để trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô trong cách nói chuyện và cách cư xử của mình,
    • khi chúng ta vâng lời một cách dễ dàng,
    • Khi chúng ta loại bỏ những chấp trước riêng biệt của mình,
    • khi tất cả những nơi mà sự vâng lời kêu gọi sự dửng dưng của chúng ta đối với ý riêng mình,
    • khi chúng ta chỉ xem xét việc hoàn thành Ý muốn của Thiên Chúa trong bất cứ điều gì Ngài vui lòng làm với chúng ta – cho dù chúng ta được gửi đến vùng quê, hay được đưa vào một giáo xứ, hay được giữ tại Nhà Mẹ .
    • Trong trường hợp đó, các chị em thân mến, chúng ta có thể nói sự thật rằng, một linh hồn đã cố gắng hết sức để chuẩn bị cho việc lãnh nhận Bí Tích Cực Thánh.[15]

4. Lòng quý trọng thực sự đối với sự hiện diện của Thánh Thể

Thánh Louise là một phụ nữ tông đồ và thiêng liêng với đời sống cầu nguyện sâu sắc. Những bút tích thiêng liêng của thánh nữ xung quanh kinh nghiệm của bà từ Thiên Chúa cho chúng ta thấy một tâm hồn khao khát Chúa, có trí thông minh phong phú và dành nhiều giờ cầu nguyện trước Nhà Tạm. Bà có những kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc nhất trong những lần viếng thăm Thánh Thể tại các nhà thờ khác nhau ở Paris như Los Mártires và San Nicolás de los Campos, hoặc tại các nhà nguyện ở làng quê mà bà đến thăm trong dịp Rước lễ, như ở Asnières hoặc ở Saint Cloud. [16].

Trong Quy luật của cuộc sống trên trần thế, do chính bà viết sau khi trở thành một góa phụ và đặt mình dưới sự hướng dẫn về mặt thiêng liêng của Thánh Vinh Sơn Phaolô, bà nói : “Khi thức dậy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là về Chúa. Xin cho tôi được thực hiện những hành vi tôn thờ, tạ ơn và phó thác ý muốn của tôi cho thánh ý cực thánh của Ngài. Suy ngẫm về sự thấp hèn và bất lực của mình, tôi sẽ cầu xin ân sủng của Chúa Thánh Thần, trong đó tôi sẽ hết sức tin tưởng để thực hiện ý muốn của Ngài nơi tôi, đó sẽ là ước muốn duy nhất của trái tim tôi… Vào lúc bốn giờ, ngay cả khi tôi đang ở thành phố, miễn là tôi không quá tham gia vào một số công việc từ thiện hoặc một nghĩa vụ xã hội thiết yếu nào đó, tôi sẽ đến nhà thờ gần nhất để đọc Kinh Chiều kính Đức Trinh Nữ Maria. Trong thời gian đó, tôi sẽ hồi tâm để có thể ngồi nguyện gẫm trong nửa giờ. Sau đó tôi sẽ trở về nhà và ở đó bao lâu có thể. Nếu có thời gian, tôi sẽ làm việc từ sau khi nguyện gẫm cho đến sáu giờ.”[17]

Các yêu cầu của thánh nữ để thực hành việc viếng Bí tích Thánh Thể hàng ngày rất rõ ràng, bằng cách đặt trong dự án cá nhân hoặc Quy luật sống của thánh nữ, về nơi chốn: nhà thờ gần nhất trong môi trường của thánh nữ đang sống, thời gian thánh nữ sẽ thực hiện việc đó: 4 giờ chiều hằng ngày, và như thế nào: tập trung tinh thần của thánh nữ để cầu nguyện trong nửa giờ và cầu nguyện ban đêm trước Đức Trinh Nữ. Đây là một cách để không quên nó và một cách để có được thói quen hoặc phong tục để thực hành nó. Lòng quý trọng sâu sắc của thánh nữ đối với Bí tích dẫn bà đến việc làm sáng tỏ điều này để trung thành với lòng sùng kính của mình.

Khi thánh nữ đến thăm Hiệp Hội Bác Ái và thánh nữ không thể đến Nhà thờ để viếng Bí tích Thánh, bà đã cử Thiên thần Hộ mệnh đến thay bà và dạy các chị em và các quý mệnh phụ phu nhân cũng làm như vậy. Và trong Quy tắc du hành của mình, thánh nữ đã viết rất hay đến mức trong một cuộc họp ngày 19 tháng 6 năm 1647, khi Thánh Vinh Sơn hỏi các cố vấn xem có quy định cho những chuyến đi hay không, các chị em đã tuyên bố như sau : “Bà Le Gras dạy chúng con rằng, chúng ta có thói quen kính viếng Thánh Thể trong nhà thờ ở những nơi chúng con dừng chân và thăm viếng những người bệnh, nếu có; để hướng dẫn trên đường đi cho trẻ em hoặc người nghèo, vì thế chúng con cần mang theo bên mình chuỗi tràng hạt, ảnh thánh và sách giáo lý. Khi phải ở trọ, chúng ta không bao giờ ăn bàn chung, mà về phòng riêng.”[18]

Điểm đầu tiên mà thánh nữ thiết lập trong Quy tắc du hành của mình, là khi đến một nơi nào đó thì phải đi viếng Mình Thánh Chúa, đồng thời thăm viếng và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Điều tương tự cũng thiết lập một mệnh lệnh cho các chị em : “Trong khi đi đường, họ phải nhớ tuân theo Quy tắc của họ một cách chính xác nhất có thể. Sau khi rời xe, các chị em sẽ đi viếng Mình Thánh Chúa tại nhà thờ. Chị em được gởi đến nhà trọ để mua nhu yếu phẩm sẽ cư xử dè dặt. Nếu có thời gian, họ sẽ đến bệnh viện để thăm bất kỳ người nghèo ốm yếu nào có thể ở đó, nhớ lại rằng tình yêu và sự phục vụ Chúa và người lân cận là lý do tồn tại duy nhất của họ.” [19]

Lòng sùng kính Thánh Thể đưa Thánh Louise đến chỗ sống trong tình yêu của Thiên Chúa để làm việc với niềm vui, siêng năng và sẵn sàng để tận hưởng sự dịu dàng của tình yêu thánh thiện của Ngài, và ước mong rằng tất cả các chị em đều tràn đầy lòng bác ái sâu xa. Thánh nữ xác tín rằng, chỉ những người sống một đời sống thần học sâu sắc về đức tin, đức cậy và đức ái, mới có thể hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa để phục vụ người nghèo: “Tôi mong muốn tất cả họ được tràn đầy một tình yêu lớn lao, sẽ đắm chìm họ một cách ngọt ngào trong Thiên Chúa và phục vụ người nghèo một cách bác ái, đến nỗi tâm hồn họ sẽ không còn chỗ cho quá nhiều suy nghĩ gây nguy hiểm cho sự kiên trì của họ. Can đảm lên, chị em thân mến của tôi. Chỉ tìm cách làm hài lòng Chúa, bằng cách trung thành tuân giữ các điều răn và lời khuyên phúc âm của Ngài, vì lòng nhân từ của Chúa đã quyết định kêu gọi chúng ta làm điều này. Điều này sẽ khiến chúng ta tuân thủ các Quy luật của mình một cách chính xác, nhưng cũng vui vẻ và siêng năng. Phục vụ chủ nhân của chị em với sự dịu dàng tuyệt vời. Hãy hết sức tôn trọng các người bề trên và vô cùng tôn trọng các giáo sĩ.”[20]

Cùng với Thánh Vinh Sơn, Thánh Louise thường nói rằng, nhân đức chính yếu của một Nữ Tử Bác Ái là Rước lễ cách sốt sắng và chính vì thế mà ngài cố gắng hết sức để giúp các chị em đạt được nhân đức cao cả đó : “chúng ta nên làm gì ? dâng mình cho Chúa để giao tiếp một cách xứng đáng, đối với tôi, dường như chúng ta nên rất coi trọng việc Rước lễ … và điều chính yếu, là sự kết hợp với Chúa, chúng ta nên cố gắng, trong khả năng của mình, để loại bỏ tất cả các trở ngại cho sự kết hợp này. Và vì điều nguy hiểm nhất là quá yêu bản thân và ích kỷ, qua tình yêu theo ý riêng của mình, điều cần thiết là chúng ta phải dâng mình cho Thiên Chúa để chỉ có một ý muốn với Ngài, nếu chúng ta muốn tham gia vào hoa trái của việc Rước Lễ … Đối với tôi, dường như tôi nên chú ý nhiều hơn đến các hành động của Con Thiên Chúa, để nhờ ân sủng của Ngài trợ giúp, tôi có thể kết hợp tôi với Ngài.”[21]

Bằng cách này, Thánh Louise thể hiện mình là một phụ nữ Thánh Thể thực sự và bày tỏ ý muốn của mình rằng, tất cả các Nữ Tử Bác Ái đều tham gia vào chính trải nghiệm thiêng liêng này.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM chuyển ngữ từ: Mª Ángeles Infante, “Santa Luisa de Marillac y la Eucaristía”: Anales 113 (2005) 482-491.


[1] Saint Louise de Marillac, Spiritual Writings (SW – bút tích thiêng liêng của thánh Louise de Marillac), 765-766 ( L. 134).

[2] SW, 25 8 ( L. 221) .

[3] SW, 237-238 ( L. 2 03).

[4] CED IX, 95.

[5] SW, 689 (A. 1).

[6] SW, 689 (A. 1).

[7] SW, 689 (A. 1).

[8] Ecclesia de Eucharistia, no. 53-58; Mane nobiscum Domine, no. 31.

[9] CED IX, 269 -271. Cf. SW , 7 79 -7 80 ( A. 71) .

[10] SW, 732 (A. 21b).

[11] SW, 708-709 (E. 29, n. 103).

[12] SW, 7 59 (A. 91b).

[13] CED IX, 189 .

[14] SW, 713 (A. 15).

[15] CED IX, 188-189 .

[16] SW, 6 92 (A. 15b), 1-2 (A. 2), 704-705 (A. 50).

[17] SW, 689-690 (A. 1).

[18] CED XIIIb, 273.

[19] SW, 7 66 (L. 134).

[20] SW, 75 (L. 441) .

[21] SW, 7 79-780 (A. 71).

Bài viết liên quan

Back to top button