Suy niệmTin tức

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật VII Phục Sinh

Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng.

Phúc Âm: Lc 24, 46-53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen. Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm

THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU

 

Trong phép lần hạt mùa mừng, ngắm thứ hai dạy: Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Vậy, Trời là nơi nào mà Chúa Giêsu phải lên? Và, tại sao chúng ta phải xin cho được yêu mến những sự trên đó?

Thuở bé chúng ta được dạy cho biết rằng: Trời hay Thiên Đàng không phải là một nơi chốn cụ thể, nhưng là một tình trạng; tình trạng hạnh phúc nhất, bởi vì ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa. Kể từ khi sống lại, Chúa Giêsu nhiều lần hiện ra với các tông đồ, và lần hiện ra cuối cùng này của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây (x. Cv 1, 9). Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo nói: “Thiên Đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các Thiên thần và các thánh. Thiên Đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn”.[1]

Như thế, biến cố lên trời vừa có tính lịch sử, đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia. Quả vậy, việc Chúa Giêsu lên trời không phải là một cuộc du hành vào không gian. Ngài từ Trời, từ Chúa Cha mà đến và nay hoàn tất sứ vụ Ngài trở về nơi Ngài xuất phát. Chúng ta cũng có thể hiểu thêm là, khi mặc lấy bản tính con người, Chúa Giêsu đã sống và hoàn thành tuyệt hảo cuộc sống làm người, và nay Ngài được Chúa Cha ân thưởng.

Phải chăng Chúa Giêsu lên trời rồi Ngài bỏ rơi con người? Ngài không bỏ rơi nhưng Ngài hiện diện theo một cách thức và những phương thế khác nhau như lời Ngài đã hứa “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến ngày tận thế” (Mt 28,16-20 ). Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm tắt những cách hiện diện cụ thể của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta”. Đối với Hội thánh, Ngài hiện diện dưới nhiều hình thức: trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội thánh, trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày; trong các bí tích do Ngài thiết lập; trong hi tế thánh lễ và nơi thừa tác viên; “nhất là Ngài hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể.”[2] Như vậy, mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ, chúng ta đã ăn Thịt và uống Máu của Ngài. Ngài hiện diện sống động trong tâm hồn và cuộc sống từng người chúng ta. Nếu nói lên Thiên Đàng là “được ở với Đức Kitô” (x. Ga 14, 3; Pl 1, 23) thì ăn Thịt và uống Máu Chúa là chúng ta đang được ở trên Thiên Đàng rồi; Thiên Đàng ngay tại trần thế này! Điều này được thánh Ambrôxiô diễn tả như sau: “Vì sống là được ở với Đức Kitô; và ở đâu có Đức Kitô, nơi đó có sự sống, nơi đó là Nước Trời”[3]

Cử hành lễ Chúa Giêsu về trời là mừng Đấng Phục Sinh bước vào vinh quang viên mãn và mãi mãi. Đó là một hành vi đức tin như trong bài đọc hai, trích thư Do Thái mời gọi “chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn…” (x. Dt  9, 22). Đó là niềm hi vọng cho sự sống mai hậu. Là đích đến của mỗi người Kitô hữu. Để diễn tả lòng khao khát được về Trời, chúng ta phải không ngừng nỗ lực xin Chúa gia tăng đức tin, lòng cậy trông và lòng yêu mến những sự trên Trời ngay cuộc sống hiện tại này. Vì chưng, chúng ta không thể sở đắc thứ mà chúng ta không muốn, không mong, không chờ. Và, vì yêu, chúng ta sẽ cố gắng bằng mọi cách để mong chiếm được.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm nghĩ rằng: Nước Trời hay Thiên Đàng không ở đâu xa xôi, cũng không phải chờ tới lúc chết đi rồi chúng con mới được nếm cảm. Nhưng con tin, bí tích Thánh Thể chính là Thiên Đàng của chúng con, mỗi khi chúng con đến lãnh nhận; và mỗi lúc chúng con đến với Chúa trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn chúng con cũng đang sống trong tình trạng Thiên Đàng, vì Chúa hứa “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 20). Xin cho chúng con luôn giữ mình sạch tội và sống trong tình trạng ân sủng của Chúa, như thế chúng con đã sống cuộc sống Thiên Đàng ngay giây phút hiện tại. Amen.

 

Nt. Cúc Trắng

[1] GLHTCG, số 1024

[2] GLHTCG, số 1373

[3] X. Ambrôxiô, chú giả TM-Lc 10, 121, số 1025 1011

Bài viết liên quan

Back to top button