Giáo lý Thánh Thể

TẠI SAO CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG GỌI BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ “PHỤNG VỤ THÁNH”?

TẠI SAO CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG GỌI BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ “PHỤNG VỤ THÁNH”?

Như chúng ta đã biết, Hiến chế Lumen Gentium nói, có thể xem Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu” (số 11), tuy nhiên Hiến chế Sacrosanctum Concilium lại xem chính phụng vụ mới là “chóp đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội” (số 10). Thật ra, thuật ngữ Thánh Thể và phụng vụ thường được thay đổi, sử dụng qua lại, nhưng riêng đối với Giáo hội Đông Phương, thì phụng vụ mang một ý nghĩa rộng hơn, nhắm đến hành động của toàn thể cộng đoàn tham dự vào phụng vụ. Theo nguyên nghĩa Hy Lạp, chữ phụng vụ ban đầu mang nghĩa thế tục dùng để chỉ hành động của một công dân hoặc người dân tham gia vào công việc của thành phố nơi họ cư ngụ. Trong bản dịch Kinh Thánh Hy Lạp (bản Bảy Mươi), từ này được vay mượn để nói đến hành động thờ phượng của dân Chúa trong Đền Thờ (sách Dân Số), và sau này, Tân Ước cũng dùng từ đó để nói đến việc cử hành Thánh Thể (Cv 13,2).

Giáo hội Tây phương hiện nay dùng chữ phụng vụ ám chỉ công trình hòa giải chúng ta với Thiên Chúa khi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá, điều được hiện tại hóa nơi quyền năng của các bí tích, thường là nơi thánh lễ, và trong một số cách thức khác như Phụng Vụ Các Giờ Kinh, chu kỳ năm phụng vụ, các nghi thức và phép lành của Hội Thánh. Khi Tây phương nói đến Thánh Thể là ám chỉ đến thánh lễ và Mình Thánh được lưu giữ trong nhà tạm, còn các Giáo hội bên Đông phương đề cập đến Thánh Thể là nói đến việc cử hành Phụng Vụ Thánh, bởi vì như Sách Giáo lý khẳng định: “tất cả phụng vụ của Hội Thánh có trung tâm và cách diễn tả cô đọng nhất trong việc cử hành bí tích này; cũng theo nghĩa đó, bí tích Thánh Thể còn được gọi là Bí Tích Cực Thánh” (GLHTCG số 1330).

 

 

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button