Phép lạ Thánh Thể

PHÉP LẠ TẠI AMSTERDAM, NƯỚC HÒA LAN

Phép lạ Thánh Thể tại Amsterdam xảy ra vào ngày 15 tháng 3 năm 1345, tại một ngôi
nhà trên đường Kalver, nơi có một người đàn ông tên Ysbrant Dommer lâm bệnh
nguy tử và được cha sở đưa Của Ăn Đàng. Ngay khi vị linh mục vừa rời khỏi ngôi nhà,
bệnh nhân đau đớn kịch liệt, và thổ ra tất cả những gì trong bao tử. Người đàn bà túc
trực đã dọn tất cả những thứ ấy vào một cái chậu và đổ vào ngọn lửa cháy phừng
phừng trong lò sưởi.
Sáng hôm sau, khi đến lò sưởi để khơi lửa lên, người đàn bà này sửng sốt khi nhìn
thấy Mình Thánh, còn nguyên vẹn và sáng láng, nằm ở giữa những cục than hừng
hừng. Bà tức khắc lấy Bánh Thánh ra khỏi lửa, cẩn thận đặt trong một tấm vải sạch và
cất vào một chiếc rương.
Vị linh mục liền được mời đến, ngài đặt Bánh Thánh vào một chiếc hộp và rửa miếng
vải đã bọc Bánh Thánh. Sau đó, ngài đưa Mình Thánh về nhà thờ giáo xứ thánh
Nicholas (hiện nay là tài sản của một người ngoại giáo).
Sáng hôm sau, vị linh mục thấy chiếc hộp rỗng không, nhưng Mình Thánh lại được
người đàn bà kia phát hiện khi mở rương để lấy một số khăn vải. Một lần nữa, vị linh
mục lại được mời đến để đưa Bánh Thánh về nhà thờ. Sau đó, Bánh Thánh lại biến
mất và lại được tìm thấy, vị linh mục liền hội họp các giáo sĩ khác để tham vấn. Mọi
người đều đồng ý những sự kiện tái diễn kia là chứng cứ trực tiếp của quyền năng
Thiên Chúa, và rõ ràng là một dấu chỉ muốn phép lạ ấy phải được tôn kính công khai.
Bánh Thánh phép lạ sau đó đã được cung nghinh long trọng về nhà thờ giáo xứ.
Một cuộc điều tra chính thức đã được ngài thị trưởng cùng hội đồng thành phố xúc
tiến, mọi người đều chấp nhận về tính cách xác thực của các chứng nhân. Họ xác nhận
sự kiện và chuẩn nhận phép lạ ấy trong các văn kiện chính thức. Về phía giáo quyền,
đứng đầu là đức giám mục Utrecht, cũng xúc tiến một cuộc điều tra rộng rãi trước khi
cho các giáo sĩ phổ biến thông tin về sự kiện.
Ngôi nhà nơi phép lạ xảy ra chẳng mấy chốc đã biến thành ngôi nhà nguyện được gọi
là Nieuwe Zijds, tức là Nơi Thánh – không những vì phép lạ đã xảy ra, mà Bánh Thánh
phép lạ còn được lưu giữ trên bàn thờ tại đây. Lò sưởi nơi phép lạ xảy ra đã được bảo
quản.
Khoảng 100 năm sau, vào năm 1452, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hầu hết
thành phố Amsterdam và đe dọa nguyện đường Nơi Thánh. Vì cố gắng cứu Bánh
Thánh phép lạ – người ta đã mời những người thợ làm khóa đến để mở cửa nhà tạm –
nhưng các nỗ lực đều thất bại khi những dụng cụ đều gãy hỏng, đồng thời ngọn lửa

cùng sức nóng buộc họ phải thối lui. Khi ngọn lửa bị dập tắt, người ta lại thấy một
phép lạ khác: nằm giữa đống hoang tàn nghi ngút khói là chiếc bình đựng Bánh Thánh
phép lạ còn nguyên vẹn, kể cả tấm khăn đậy bằng lụa.
Một bảng liệt kê rất dài các ơn đặc biệt người ta đã được lãnh nhận trước ngày cuộc
hỏa hoạn xảy ra đã được dựng lên khi ngôi nguyện đường được tái thiết. Những đám
đông tuốn đến và tham dự cuộc cung nghinh hằng năm kỷ niệm ngày phép lạ xảy ra.
Đến thời điểm này trong lịch sử của phép lạ, chúng ta hãy hướng sự chú ý về các nữ
tu dòng thánh Begga, vị thánh đã từ bỏ một ngôi làng nhỏ gần Amsterdam để thiết lập
một cộng đoàn gần nơi xảy ra phép lạ. Cộng đoàn này về sau được gọi là Beguines, tức
là các phụ nữ giáo dân sống chung trong một cộng đoàn phức hợp và tuyên giữ các lời
khấn tạm về đức vâng phục và đức khiết tịnh, nhưng không tuyên lời khấn khó nghèo,
vì họ được phép sở hữu và sử dụng tài sản riêng tùy ý. Họ tập họp nhau dâng thánh lễ
và cầu kinh, nhưng được phép đến hay đi tùy ý. Nhiều thành viên dấn thân trong các
công cuộc giáo dục và từ thiện. Môi trường của họ cũng khác thường vì mỗi phần tử
sống trong một ngôi nhà nhỏ riêng biệt, thông với ngôi nhà của các phần tử khác.
Những ngôi nhà này xếp thành hình vuông, ở giữa là một khoảng sân. Một trong
những ngôi nhà ấy được dùng làm nhà nguyện và được nới rộng thêm theo năm
tháng. Toàn bộ khu vực ấy được gọi là Begijnhof.
Vào thời kỳ Cải Cách Tin Lành, khi ngôi nhà nguyện bị giới chức thành phố tịch thu,
Bánh Thánh phép lạ được trao cho các bà Beguines gìn giữ. Lòng sùng kính và các
việc đạo đức đã thành truyền thống trước kia vẫn tiếp tục được thực hiện. Nhưng vào
năm 1607, nơi nương ẩn cuối cùng này cũng bị đóng cửa, mặc dù tại tòa nhà nhỏ nối
với nhà nguyện của các bà Beguines, các việc đạo đức tư vẫn được duy trì. Dần dần,
hoàn cảnh cho phép, tòa nhà tại Begijhof được nới rộng; nhưng mãi đến năm 1845,
nhân dịp kỷ niệm 500 năm phép lạ, một cuộc biểu dương công khai vĩ đại mới được
tổ chức. Từ đó, hằng năm đều tổ chức dịp kỷ niệm phép lạ.
Ngoài những hoạt động hằng năm, các cuộc rước mang tính cách cá nhân quanh năm
vẫn diễn ra suốt từ thời kỳ phép lạ, và vẫn tiếp tục trong thời kỳ cuộc Cải Cách Tin
Lành. Những cuộc rước ấy được gọi là “những cuộc rước âm thầm,” bởi vì các tín hữu
thầm lặng đi trên Con Đường Thánh như một hành vi đạo đức tư. Các cuộc rước cá
nhân hiện vẫn diễn ra, nhưng vào ngày vọng trước dịp kỷ niệm phép lạ hằng năm,
nhất là trong đêm ấy và từng giờ trong chính ngày kỷ niệm, dường như có đông đảo
tín hữu tham gia hơn.
Ngôi nhà nguyện nhỏ nơi phép lạ xảy ra đã bị phá hủy vào năm 1908 vì các cuộc phản
kháng của cả Công Giáo lẫn Tin Lành. Tuy nhiên, ngôi nguyện đường nhỏ bé ấy không
đi vào quên lãng, vì hình ảnh của nó đã được giữ lại trên khung cửa sổ kính màu trong
nhà nguyện của dòng Begijnhof. Hơn nữa, phía sau bàn thờ chính có một cửa sổ kính
màu diễn tả phép lạ; và trên những bức tường hai bên đều có những họa phẩm vẽ lại
các cuộc cung nghinh thời trung cổ.

Để ghi nhớ phép lạ, Thánh Thể hằng ngày đều được đặt chầu trong ngôi nhà nguyện
này. Như thế, Amsterdam đã trở thành một địa điểm hành hương cho toàn thể đất
nước Hòa Lan.

 Nguồn: (Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 18, Regina xb, USA, 2002)

Bài viết liên quan

Back to top button