Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi
Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.
Phúc Âm: Ga 16, 12-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Suy Niệm
Mầu Nhiệm Ba Ngôi Trong Đời Sống Người Kitô Hữu
Có lẽ mầu nhiệm Ba Ngôi là một mầu nhiệm khó hiểu nhất trong đạo Công giáo. Chính vì nó khó hiểu nên cũng khó diễn tả. Đôi khi càng diễn tả lại càng khó hiểu. Tuy nhiên, từ khoảng giữa thế kỷ III, đã có tác phẩm viết về Ba Ngôi của Novatianô. Tiếp theo là công trình của Hilariô, nhất là của Augustinô, với tác phẩm nổi tiếng “De Trinitate” được soạn thảo trong khoảng thời gian từ năm 400 đến năm 416. Thực ra, Augustinô suy nghĩ về Ba Ngôi không chỉ ở tác phẩm trên đây, mà còn rải rác trong các tác phẩm khác. Chính trong De Trinitate mà Giám mục Hippon diễn tả những suy nghĩ sâu sắc nhất của mình về mầu nhiệm nền tảng này.
Lần theo dấu vết Kinh thánh, dựa theo những mạc khải cho chúng ta biết rằng, nơi Thiên Chúa có một nguyên lý hoạt động duy nhất, nhưng lại có ba nguyên lý hay chủ thể hành động, tách biệt nhau. Nói khác đi, có một bản tính và ba Ngôi Vị. Hai khía cạnh trên đây chỉ là một nơi Thiên Chúa, nhưng khi suy tư và trình bày, người ta có thể khởi đi hay nhấn mạnh khía cạnh này hoặc khía cạnh kia.
Tân Ước thường nói về Ba Ngôi tách biệt nhau hơn là nói về sự duy nhất của Thiên Chúa. Các Giáo Phụ Đông phương cũng như các bản tuyên tín đầu tiên cũng theo khuynh hướng này. Ngược lại, các Giáo Phụ Tây phương, trong đó có Augustinô, lại khởi đi từ sự duy nhất. Quan điểm này chi phối tất cả tác phẩm De Trinitate. Sự duy nhất của Thiên Chúa, hữu thể hay bản tính của Thiên Chúa luôn đi đầu và được nhấn mạnh. Chỉ có một Thiên Chúa, một bản tính duy nhất chung cho cả Ba Ngôi. [1]
Từ những suy tư của thánh Augustinô chúng ta có thể hiểu hơn rằng; mầu nhiệm một Chúa mà Ba Ngôi là hiện thực, mặc dầu với lý trí hạn hẹp thuần túy của con người, chúng ta không thể nào hiểu đúng, hiểu hết được những sự cao sâu nhiệm mầu cũng như bản chất của Ba Ngôi. Dầu vậy, chúng ta vẫn có thể diễn tả niềm tin ấy cách cụ thể trong đời sống đức tin hằng ngày của mình. Cụ thể nhất là việc chúng ta làm dấu thánh giá; khi làm dấu thánh giá với sự kính cẩn, chúng ta muốn tuyên xưng và nói với người khác rằng: chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần.
Mừng trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi, như một lần nữa Mẹ Hội Thánh kêu mời con cái mình thêm xác tín hơn vào sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống đạo của mình. Đồng thời, nhắc nhở chúng ta hãy mạnh dạn tuyên xưng cũng như làm chứng cho sự hiện diện ấy bằng những việc làm cụ thể như; làm dấu thánh giá cách ý thức và nhất là “can đảm” làm dấu thánh giá ở những nơi công cộng như một cách truyền giáo phổ thông nhất cho mọi người chưa nhận biết Chúa. Một cách khác nữa, để tuyên xưng và vinh danh một Chúa Ba Ngôi chính là đọc kinh Sáng Danh nhiều lần trong ngày. Và, cuối cùng chính là việc chúng ta rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày khi tham dự thánh lễ. Là bởi vì, Thánh Thể là sự kết hợp độc đáo và trọn vẹn nhất của Chúa Cha, Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa! Xin Chúa Cha ngự trị, Chúa Con làm chủ, Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn con. Amen.
Nt. Cúc Trắng
[1] Trích suy tư của thánh Augustinô trong tác phẩm De Trinitate