Đức Phanxicô lên án mạng lưới các sản phẩm khiêu dâm và nạn sinh đẻ thuê
By phanxicovn
Đức Phanxicô tiếp các đại diện của Liên đoàn các Gia đình Công giáo Châu Âu nhân kỷ niệm 25 năm thành lập “Gia đình là trường học của hòa bình”
Thách thức với các gia đình và với toàn thể cộng đồng nhân loại là rất lớn, vì tất cả đều kết nối với nhau. Trong buổi gặp một số đại diện của Liên đoàn các Hiệp hội Gia đình Công giáo ở Châu Âu, Fafce, Đức Phanxicô đưa ra từng thách thức một: hòa bình, thời buổi căng thẳng và chia rẽ; cô đơn do đại dịch gây ra; chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy nghĩ cho rằng có trẻ em là “thiếu trách nhiệm với môi sinh”; suy giảm dân số đã làm cho Âu châu “già đi”. Và cùng với tất cả những thách thức này còn có nạn khiêu dâm: “Tệ nạn tấn công thường trực vào phẩm giá của đàn ông và phụ nữ”.
Một lần nữa ngài nhấn mạnh đến việc phải đảo ngược xu hướng giảm nhân khẩu học: “Mùa đông nhân khẩu học này rất nghiêm trọng, xin anh chị em hãy cẩn thận, nó rất nghiêm trọng ở Âu châu và đặc biệt ở Ý”.
Đức Phanxicô lên tiếng: “Một châu Âu già cỗi không mang tính phát triển là một châu Âu không đủ khả năng để nói về tính bền vững và ngày càng khó thể hiện sự đoàn kết. Vì lý do này, chính sách gia đình không nên bị cho là công cụ quyền lực của các Quốc gia, nhưng được thành lập chủ yếu vì lợi ích của chính các gia đình. Các quốc gia có nhiệm vụ loại bỏ những trở ngại cho nguồn gốc gia đình và công nhận gia đình là lợi ích cần được cổ động với những hậu quả tích cực tự nhiên cho mọi người”.
Ngài quan tâm đến “tình trạng thiếu sinh đẻ ở châu Âu và đặc biệt là ở Ý”, ngài xác định: “Có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa sự nghèo nàn chung này với ý thức về vẻ đẹp của gia đình, bằng chứng về phẩm giá xã hội của hôn nhân sẽ trở nên thuyết phục hơn theo cách này, con đường chứng từ sẽ là con đường thu hút”. Cũng trong bài phát biểu, ngài lên tiếng chỉ trích nạn đẻ thuê ngày càng phổ biến, thường thường các phụ nữ ở trong tình trạng nghèo bị bóc lột và trẻ em bị xem như hàng hóa”.
Ngài nói thêm: “Hơn nữa, như một nghị quyết gần đây anh chị em đã viết, có con không bao giờ được xem là thiếu trách nhiệm với tạo dựng hay tài nguyên thiên nhiên của tạo dựng. Không thể áp dụng khái niệm “dấu ấn sinh thái cho trẻ em, vì trẻ em là nguồn lực không thể thiếu cho tương lai. Thay vào đó, phải giải quyết chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân, và gia đình là ví dụ điển hình nhất cho việc tối ưu hóa nguồn lực”.
Sau đó Đức Phanxicô đề cập đến các sản phẩm có nội dung khiêu dâm giờ đây lan truyền khắp nơi qua mạng, nó phải bị lên án là một tấn công thường trực vào phẩm giá của đàn ông cũng như phụ nữ. Vấn đề không chỉ là bảo vệ trẻ em – một nhiệm vụ cấp bách của nhà chức trách và của tất cả chúng ta – mà còn phải tuyên bố nội dung khiêu dâm là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Sẽ là một ảo tưởng nghiêm trọng nếu nghĩ rằng một xã hội tiêu dùng sản phẩm khiêu dâm tràn lan trên mạng của người lớn, lại cho rằng mình có thể bảo vệ trẻ vị thành niên cách hiệu quả”.
Đức Phanxicô giải thích: “Gia đình hợp tác với trường học, với cộng đồng địa phương là điều cần thiết để ngăn chặn và chống lại tai họa, chữa lành tổn thương cho những người đang trong cơn lốc nghiện ngập”.
Cuối cùng, ngài nhắc lại một “đại dịch” mà đại dịch Covid đã đưa ra ánh sáng nhưng vẫn còn “ẩn”: Đại dịch của cô đơn, ngài nói: “Nếu gia đình đã được xem là Giáo hội tại gia, nhưng cũng có nhiều gia đình sống cảnh cô đơn, và mối quan hệ của họ với các bí tích thường là ảo. Mạng lưới gia đình là liều thuốc giải độc cho sự cô đơn. Tự bản chất, gia đình không bỏ mặc ai, luôn hiệp thông với mục tử và các Giáo hội địa phương”.
Đức Phanxicô ghi nhận: “Vì thế gia đình dựa trên hôn nhân là trọng tâm, Đó là tế bào đầu tiên của cộng đồng chúng ta và phải được công nhận như vậy, về chức năng chung của nó, là duy nhất và không thể thiếu được. Không phải vì nó là lý tưởng và hoàn hảo, không phải vì nó là mô hình tư tưởng, nhưng vì nó đại diện cho vị trí tự nhiên của những quan hệ và thế hệ đầu tiên”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch