Ngày Đức Gioan-Phaolô II ra lệnh cho những người cộng sản xây lại nhà thờ La Vang
Hình ảnh: Hoàng Đình Nam | AFP
Ngày 19 tháng 6 năm 1988, tại Quảng trường Thánh Phêrô Đức Gioan-Phaolô II phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam là một buổi lễ chưa từng có. Chưa bao giờ nhiều thánh tử đạo được phong thánh trong cùng một ngày như vậy. Thêm vào đó, ngày hôm đó như có một phép lạ đã xảy ra.
Từ sáng sớm ngày 19 tháng 6 – 1988, hàng nhóm giáo dân đến Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời ngập nắng. Không phải là đám mây trên bầu trời Rôma nhưng sáng hôm nay là một buổi sáng đẹp trời hứa hẹn cho một sự kiện lịch sử: trước sự hiện diện của hàng ngàn người Việt đang sống lưu vong trên khắp thế giới, Đức Gioan-Phaolô II sắp phong thánh cho 117 thánh tử đạo Việt Nam trong một buổi lễ long trọng. Một sự kiện chưa từng có: chưa bao giờ có nhiều thánh được phong trong cùng một ngày như vậy. Từ lâu, giáo hoàng Ba Lan đã muốn bày tỏ lòng tôn kính cách nổi bật nhất có thể trước lòng trung thành với Chúa Kitô của bảy triệu tín hữu Giáo hội Việt Nam vào thời điểm đó.
Nhưng quyết tâm của ngài làm cho chính quyền cộng sản Việt Nam không hài lòng, đến mức các đại sứ của họ cố gắng đe dọa người công giáo Việt Nam đang sống khắp nơi trên thế giới không nên về Rôma dự lễ. Ông Stefan Wilkanowicz, một trí thức công giáo Ba Lan thân cận với Đức Gioan-Phaolô II, lúc đó ông là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, ông nhớ rõ lời đe dọa gần như không giấu giếm của dịch vụ sứ quán Việt Nam tại Ba Lan với người vợ Việt của ông, bà Thérèse. Bà được mời về Rôma dự lễ: “Vài tuần trước lễ ngày phong thánh, trong đó có tổ tiên của bà Thérèse, sứ quán nhiều lần gọi cho bà, họ cho biết, nếu bà đi Rôma dự lễ, gia đình bà ở Việt Nam sẽ bị trả thù. Chúng tôi biết rõ điều này, có nghĩa là gia đình sẽ bị các biện pháp có thể khủng khiếp… Cuối cùng, tôi đi Rôma một mình. Câu chuyện này ông Stefan Wilkanowicz giải thích với trang Aleteia cho thấy sự căng thẳng giữa Vatican và nhà cầm quyền cộng sản xảy ra qua việc công bố lễ phong thánh này.”
Chế độ cộng sản nói, “đây là tấn công vào sự thống nhất dân tộc”, họ xem ba thế kỷ Giáo hội công giáo hiện diện ở Việt Nam là “300 năm cộng tác với chủ nghĩa thực dân”. Không có gì ngạc nhiên khi không có giáo dân nào từ Việt Nam được phép đi Rôma dự lễ.
Căng thẳng cao độ trong việc phong thánh
Tuy nhiên, trước những đe dọa này, Đức Gioan-Phaolô II còn quyết tâm tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam hơn. Trong số các thánh tử đạo có các tu sĩ và giáo dân Việt Nam (37 linh mục, 14 giáo viên, một chủng sinh và 44 giáo dân), các nhà truyền giáo người Pháp (2 giám mục và 8 linh mục của Dòng Thừa Sai Paris) và người Tây Ban Nha (6 giám mục và 5 linh mục Dòng Đa Minh. ). Tất cả đều bị bắt bớ, tra tấn và chết vì đức tin từ năm 1745 đến năm 1862.
Là nhà chiến lược, đã quen đương đầu giữa Giáo hội và chế độ độc tài toàn trị mà ngài đã sống ở Ba Lan, ngày hôm đó, Đức Gioan Phaolô II quyết định gián tiếp ám chỉ những lời chỉ trích của nhà cầm quyền Việt Nam. Ngài khẳng định, các thánh tử đạo, trong khi trung thành với đức tin, họ vẫn trung thành với đất nước. Ngài nhấn mạnh Giáo hội Việt Nam đã nhiều lần tỏ ra muốn “hội nhập và chân thành đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương.” Và ngài còn đi xa hơn, ngài lặp lại và quay ngược lại lập luận về sự thống nhất mà Hà Nội dùng.
Thật vậy, ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Gioan-Phaolô II nhắc lại ký ức La Vang, thánh địa Đức Mẹ lớn nhất Việt Nam, ngài kiên quyết yêu cầu tái thiết “trong bầu khí tự do và hòa bình, lòng biết ơn với Đấng mà mọi thế hệ đều được chúc phúc. Vì vậy, nơi tôn nghiêm này có thể thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc và sự tiến bộ văn minh và đạo đức cho đất nước”. Yêu cầu này giáo hoàng biết rõ là để nhắm vào trọng tâm kitô giáo ở Việt Nam.
Đền Đức Mẹ La Vang và sự thống nhất của đất nước
Câu chuyện bắt đầu năm 1798. Để tránh bị ngược đãi, giáo dân phải chạy trốn vào rừng sâu, cách Huế 60 cây số, thủ đô nằm ở miền Trung. Sau đó, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần: Đức Mẹ an ủi họ, giải thích cho họ làm thế nào để chữa vết thương bằng cây cỏ trong rừng. Và đó là truyền thống miệng, người này nói cho người kia biết, các cuộc hành hương bắt đầu đến địa điểm này và liên tục không gián đoạn trong hai thế kỷ.
Đền thánh Đức Mẹ La-Vang, tháng 9 năm 1967.
Năm 1886, bắt đầu xây một nhà nguyện nhỏ, 4 năm sau, một nhà thờ được dựng lên và được thánh hiến trước sự chứng kiến của 12.000 giáo dân hành hương. Nhân dịp này, Đức Mẹ La Vang được tuyên bố là Mẹ bảo vệ người công giáo Việt Nam. Năm 1962, Đức Gioan XXIII nâng nhà thờ lên hàng tiểu vương cung thánh đường. Nhưng đền thánh bị phá hủy trong những năm 1972-1975 vì chiến tranh.
Tượng Đức Mẹ La Vang.
Phép lạ của các thánh tử đạo được phong thánh
Biết được lòng sùng kính mạnh mẽ của người Việt với Đức Mẹ La Vang và sức mạnh của ngày phong thánh này rất quan trọng cho Giáo hội Việt Nam, Đức Gioan Phaolô II quyết định nói với nhà cầm quyền cộng sản yêu cầu xây dựng lại thánh địa. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, người cộng sản chấp nhận!
Như vậy, ngày 15 tháng 8 năm 1998, mười năm sau ngày phong thánh cho 117 thánh tử đạo, nhân kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra, đã có khoảng 70.000 tín hữu họp nhau cầu nguyện ở La Vang. Kể từ đó, nhiều người Việt đã đến viếng đền thờ Đức Mẹ ít nhất một lần trong đời, đặc biệt là vào ngày 15 tháng 8, ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Một phép lạ thực sự, được thực hiện bởi các thánh tử đạo được phong thánh và các tín hữu quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 19 tháng 6 năm 1988…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch