Thần họcThánh kinh

Ơn gọi trong Kinh Thánh

by hdgmvn

                                        Môisê và bụi gai rực cháy (1610–16), Domenichino

                             Tác giả: Peter J. Judge

WGPQN (15.02.2022)  Chủ đề Chúa kêu gọi hay ơn Chúa gọi để xây dựng quan hệ với Người hay để thực hiện một nhiệm vụ cho Người xuất hiện nhiều chỗ trong Kinh thánh của Do Thái giáo và Kitô giáo. Chủ đề này khi thì bùng nổ trong một câu chuyện đầy kịch tính; khi thì thể hiện thầm lặng qua kinh nghiệm của một cá nhân cảm nhận được sự hiện diện mời gọi của Thiên Chúa. Bài viết này sẽ giúp chúng ta nhận ra chủ đề “ơn gọi” trong Kinh thánh và biết yêu quý những ơn gọi trong cuộc sống của chúng ta. 

Có thể có một khuôn mẫu chung 

Các học giả và nhà giảng thuyết Kinh thánh đã quen thuộc với cấu trúc cổ điển “những tường thuật ơn gọi” trong Kinh thánh được Giáo sư Norman Habel nói đến đầu tiên vào năm 1965. Ông có thể phân biệt sáu đặc điểm văn chương chính tạo nên nét đặc trưng cho những tường thuật này, khi một người nào đó được gọi để hành động nhân danh Chúa và thực hiện những gì Ngài hoạch định. Những đặc điểm này là: [1] tiếp cận thần linh: thường là một trải nghiệm bất ngờ, gây gián đoạn; [2] lời giới thiệu: Chúa hoặc thần sứ Chúa nói với người nào đó về Thiên Chúa là ai như một niềm tin phổ biến trong Kinh thánh; [3] ủy nhiệm: Chúa hay sứ giả của Chúa giao phó sứ mệnh cho người được gọi; [4] phản đối: người được gọi kêu ca rằng mình không đủ khả năng để chu toàn nhiệm vụ; [5] trấn an: Chúa phán sẽ ” ở cùng ” với người được gọi, việc này làm vô hiệu hóa tất cả những phản đối; và [6] dấu hiệu: một vài dấu chỉ  được đưa ra để chứng tỏ rằng chính Chúa gọi người được ủy nhiệm.

Khuôn mẫu này có thể được quan sát thấy trong bất kỳ tường thuật nào trong Kinh thánh và thường liên hệ tới các tiên tri. Giáo sư Habel đã chứng minh điều đó với một phân tích về ơn gọi của Gítôn (Tl 6,11-17). Gítôn đang làm việc thường ngày (câu 11) khi [1] “ thần sứ Chúa” hiện ra với ông [2] và nói, “Chào chiến sĩ can trường, Đức Chúa ở với ông” (câu 12) và Gítôn trả lời bằng cách hỏi tại sao dân Israel phải chịu khuất phục dân Mađian nếu Chúa thực sự ở với họ như trong cuộc giải cứu dân khỏi Ai Cập (câu 13). Đáp lại,[3] Chúa cho Gítôn sử dụng sức mạnh của Chúa để cứu Israel, Ngài dùng câu hỏi ngược “Không phải chính Ta sai ngươi sao?” – để hàm ý rằng Gítôn không chỉ là một sứ giả nhưng còn là công cụ để Chúa ra tay can thiệp (câu 14). 

Kế tiếp Gítôn đưa ra ý kiến phản đối [4]: “. . . làm thế nào tôi có thể cứu Israel? Gia đình tôi nghèo nhất ở Manasseh và tôi là kẻ tầm thường nhất trong nhà của cha” (câu 15). Theo cách suy nghĩ đời thường, ông Gítôn, giống như nhiều anh hùng trong Kinh thánh và cũng như chính thân phận của Israel, được coi là người kém cỏi nhất và ít có khả năng thành công, nhưng điều này trái ngược hẳn với thượng trí của Thiên Chúa vì Ngài ban ơn sủng và nâng dậy kẻ yếu kém người thất thế. Điều này trở nên rõ ràng khi Chúa dùng lời mộc mạc để trấn an [5], “Ta sẽ ở với ngươi,” và đó là lý do tại sao Gítôn sẽ thành công trong việc đánh bại Mađian (câu 16).

Cuối cùng [6], Gítôn xin một dấu hiệu, ông không xin Chúa triệt hạ Mađian nhưng xin Chúa cho biết có phải chính Chúa đang nói chuyện với ông. Ông đã đi lấy một con dê con và bánh không men làm của lễ, và khi ông dâng chúng lên, thần sứ Chúa giơ đầu gậy đang cầm trong tay đụng vào của lễ, và lửa đốt cháy hết những lễ vật này. Gítôn nay đã tin, nhưng rồi ông cảm thấy sợ hãi vì ông đã nhìn thấy nhãn tiền thần sứ Chúa. Ông được Chúa trấn an: ” Bình an cho ngươi!”, vậy nên để những lời này được muôn đời vang vọng, Gítôn xây một bàn thờ đặt tên là “ Yhwh-šalôm [Yhwh là hòa bình]” (câu 17-24).

Khuôn mẫu này có thể được quan sát thấy trong một số câu chuyện quen thuộc hơn như cuộc gặp gỡ của Môi-se với “ thiên thần [sứ giả] của Chúa” từ bụi gai bốc cháy và sứ mệnh của ông đưa dân Israel thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Xh 3,1- 4,17). Môi-se đã từ chối với lý do: ông không làm được việc đó; ngay cả khi ông có cố gắng làm đi chăng nữa thì chẳng ai tin ông. Mỗi lần ông biện bạch từ chối, Chúa trả lời ông theo nhiều cách khác nhau nhưng đại ý là ” Ta sẽ ở với ngươi.” Một số người quả quyết rằng ngay cả tên của Chúa, Yhwh, có thể hiểu nôm na là ” Ta sẽ ở với / vì ngươi “(Xh 3,14)

Chúng ta có thể thấy cùng một cấu trúc được áp dụng trong tường thuật ơn gọi của các tiên tri lớn như Isaia (Is 6), Giêrêmia (Gr 1,4-10), và Êdêkien (Ed 1–3). Giáo sư Habel đã tìm thấy một tiền lệ có tính lịch sử và văn hóa cho khuôn mẫu này với những yếu tố giống nhau; tiền lệ đó là việc cử một đại sứ đi để thực hiện một sứ mệnh, chẳng hạn như trong câu chuyện Sáng thế ký 24 kể việc Áp-ra-ham gửi đầy tớ của mình trở lại.quê hương để cưới vợ cho con trai Isaac.

Những hình thức khác biệt của các câu chuyện về ơn gọi 

Mặc dù cấu trúc này thường xảy ra, nhưng nó không phải là hình thức duy nhất được sử dụng trong các tường thuật về ơn gọi trong Kinh thánh. Thật vậy không phải tất cả sáu yếu tố đều hiện diện trong các tường thuật. Khi Chúa gọi ai đó, ta thường thấy có tính chất đột ngột hoặc “ gây rối” nhưng các yếu tố khác đôi khi không hiện diện, chẳng hạn như sự từ chối hay phản đối của người được gọi hoặc một vài loại chỉ dấu nào đó. Đây là ví dụ, Áp-ra-ham đột nhiên Chúa kêu gọi “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” và ông ta ra đi mà không nghi ngờ “ như ĐỨC CHÚA đã phán với ông” (St 12, 1-4). Trong một ví dụ khác, sau khi duyệt qua bảy người con trai của Jesse, cuối cùng Samuel gặp David, người trẻ nhất, tiên tri đã xức dầu phong vuơng cho Đa vít, sự kiện này được mô tả với một hình ảnh tuyệt vời: “Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” (1 Sm 16,13).

Bản thân Samuen, khi còn là một cậu bé phục vụ dưới quyền Eli trong đền thờ ở Shiloh, đã được Chúa gọi khi cậu đang ngủ (1 Sm 3). Lúc đầu, Samuen cứ nghĩ là Eli gọi mình. Chúng ta nên để ý, Samuen có thể nhận ra tiếng Chúa gọi bởi vì thầy của cậu đã hướng dẫn cậu lắng nghe tiếng gọi đó. Chúa đã không giao nhiệm vụ cho Samuen lúc này, nhưng chúng ta nghe thấy ở phần cuối rằng “Samuel lớn lên và Chúa ở với ông” và toàn dân biết ông như một nhà tiên tri đáng tin cậy mà Chúa tiếp tục hiển hiện.

Chúng ta nhận thấy rằng đôi khi ơn gọi không trực tiếp đến từ sự can thiệp của Chúa nhưng từ một người khác, như khi Êlia gọi Êlisha bằng cách ném khoác áo choàng của mình lên người Êlisha (1 V 19, 19-21). Sau đó, chúng ta biết rằng Êlisha nhận được gấp đôi thần khí của Êlia: khi Êlia được đưa lên trong một chiến xa bốc lửa, Êlisha đón rơi áo choàng và tiếp tục sứ mệnh tiên tri của mình (2 V 2, 8-14).

Trong Tân ước nơi Phúc âm Mátthêu và Máccô, với lời lẽ mộc mạc Chúa Giê-su bất ngờ gọi các môn đệ đầu tiên của mình khi họ đang làm việc tại Biển hồ Ga-li-lê và họ lập tức đi theo Ngài (Mt 4, 18-22; Mc 1, 16-20). Luca có viết khác đi đôi chút bằng cách thêm vào mô-típ Phêrô không thấy mình xứng đáng (Lc 5, 1-11). Cả ba Sách Nhất lãm đều tường thuật việc Chúa Giêsu giao cho nhóm Mười hai và những người khác ra đi với sứ mệnh tuyên bố Tin mừng chữa lành. Trong Phúc âm Gioan, những môn đệ đầu tiên tiếp cận Chúa Giê-su muốn biết ngài đang ở đâu (từ “ở / lưu lại” có ý nghĩa sâu sắc trong Tin Mừng Thứ Tư). Chúa trả lời  bằng cách mời họ “đến và xem” (một cách diễn đạt khác với ý nghĩa sâu sắc hơn trong Phúc âm Gioan) và sau đó những môn đệ này lại mời những người khác (Ga 1, 35-51).

Một câu chuyện khác về ơn gọi trong Tân Ước là cuộc gặp gỡ của Phaolô với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đến Đamát, nơi Phaolô ráo riết bắt giữ những người theo đạo Thiên Chúa (Cv 9, 1-9). Rõ ràng đây là một tường thuật về việc Chúa ủy thác sứ vụ khi Phaolô kể lại câu chuyện trong sách Công vụ Tông đồ chương 22 và 26. Trong lá thư riêng của Phaolô gửi cho dân thành Galát, ngài không nhắc tới các chi tiết kịch tính nhưng ngài đã kể sự kiện đặc biệt này để nhấn mạnh rằng “…Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Gl 1,15).

Mục đích của các tường thuật ơn gọi

Tương tự như trường hợp của Phao-lô, những tường thuật ơn gọi trong nhiều sách tiên tri và những nơi khác trong Kinh thánh, có mục đích để biện giải. Điều này có nghĩa là: những tường thuật ơn gọi được dùng để trao ban một quyền hạn nhất định cho người được gọi và tính hợp pháp cho sứ điệp mà người ấy sẽ rao giảng. Chẳng hạn, Phao-lô bảo vệ bản thân và tin mừng ngài rao giảng cho người Galát, vì một số người trong cộng đoàn nghi ngờ về tính hợp pháp của ơn gọi và lời ngài rao giảng. Những câu chuyện về ơn gọi của các tiên tri trong Cựu ước không chỉ nhằm mục đích thuật lại một sự việc xảy ra nhưng còn minh chứng tính xác thực sứ điệp của tiên tri là thực sự xuất phát từ Thiên Chúa và cũng củng cố tư cách đáng tin cậy của các sứ giả Chúa sai đi.

Chúng ta cũng có thể hiểu những câu chuyện kể này theo một cách khác. Thật vậy, những câu chuyện này mang lại lợi ích cho những độc giả và thính giả đã đọc hoặc nghe chúng. Chúng giới thiệu cho khán giả một kinh nghiệm tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa và giúp họ biết chú tâm lắng nghe Lời Chúa và biến Lời Chúa trở thành một phần thiết thân trong cuộc sống của họ. Đây không chỉ là những câu chuyện của quá khứ mà là lời kêu gọi mỗi người và tất cả chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa, rồi sống và công bố Lời Chúa trong từng phút giây hiện tại.

Kết luận

Những câu chuyện về ơn gọi trong Kinh thánh thuật lại việc Chúa mời gọi đặc biệt một cá nhân (và đôi khi một nhóm) và giao cho họ một sứ mệnh đặc biệt là đưa Chúa vào ngự giữa lòng cuộc sống con người. Điều quan trọng nhất ở đây là ơn gọi một người có mục đích mang lại lợi ích cho toàn bộ dân Chúa. Đây không phải là một vấn đề của đặc quyền cá nhân. Tất cả các thành viên của cộng đồng được mời gọi lắng nghe Lời Chúa và để Lời Chúa cắm rễ trong tâm hồn và truyền rao qua miệng lưỡi họ. Tương tự như những nhân vật trong Kinh thánh, chúng ta đã trung thành đọc hoặc nghe những câu chuyện ơn gọi này, giờ đây chúng ta phải tiếp tục sốt sắng lắng nghe Lời Chúa để có thể mạnh dạn truyền rao Tin Mừng.

Luke Khổng Quang chuyển ngữ

Bài viết liên quan

Back to top button