Ân sủng rẻ tiền
Người con hoang đàng trở về. Tranh Rembrandt
Trong các tín hữu kitô thời nay có một sự căng thẳng giữa những người mở rộng lòng thương xót của Thiên Chúa đến khắp mọi nơi và dường như không cần bất cứ một điều kiện nào, với những người dè dặt và phân biệt hơn trong việc phân phát lòng thương xót ấy. Sự căng thẳng này thể hiện rõ trong những tranh luận về việc ai được nhận lãnh bí tích: Ai được phép rước Thánh Thể? Ai được phép tổ chức hôn lễ trong nhà thờ? Ai được có nghi thức an táng theo kitô giáo? Khi nào thì linh mục không tha tội trong tòa giải tội?
Tuy nhiên, sự căng thẳng này còn vượt xa vấn đề ai được phép nhận lãnh những bí tích nhất định. Xét tận cùng, vấn đề là cách chúng ta hiểu về ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng của thời nay, là sự phản đối ngày càng tăng trong một một số lĩnh vực nhắm đến con người và cách tiếp cận của Đức Phanxicô. Với những người chỉ trích, họ cho Đức Phanxicô mềm yếu và thỏa hiệp. Với họ, Ngài phân phát ân sủng rẻ tiền, khiến Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài trở nên dễ tiếp cận như nước máy. Thiên Chúa đón nhận tất cả. Không đòi hỏi điều kiện gì. Không kêu gọi phải sám hối trước. Không đòi buộc trước tiên phải có sự thay đổi trong đời sống. Ân sủng cho tất cả. Không cần phải mất gì.
Chúng ta nói được gì về điều này? Nếu chúng ta phân phát ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa một cách không phân biệt như thế, liệu có làm mất đi men muối của kitô giáo không? Liệu chúng ta có nên đón nhận và chúc lành cho tất cả mọi người mà không cần bất kỳ điều kiện đạo đức nào không? Chẳng phải Phúc âm là phải đương đầu sao?
Nội cụm từ “ân sủng rẻ tiền” đã là một nghịch hợp. Không có thứ gì gọi là ân sủng rẻ tiền cả. Theo định nghĩa, mọi ân sủng đều là ban cho người không xứng, nghĩa là không đòi hỏi phải đáp ứng trước điều kiện gì để được ban và nhận lãnh. Bản chất của ân sủng là một món quà, miễn phí, dù chúng ta không xứng đáng. Và dù bản chất của ân sủng thường khơi lên một phản ứng yêu thương và hoán cải nhân tâm, nhưng tự nó không đòi hỏi điều đó.
Không có ví dụ nào hùng hồn hơn dụ ngôn của Chúa Giêsu về người con hoang đàng và cách dụ ngôn ấy minh họa cách ân sủng đối diện với sự ương ngạnh. Chúng ta đều biết câu chuyện này. Người con hoang đàng đã chối bỏ và ruồng bỏ cha mình, lấy hết của thừa kế chẳng do công sức mình làm nên, bỏ đi đến nước ngoại bang, xa cách cha mình, và phung phí tiền bạc để mua lấy lạc thú. Khi đã phung phí hết tiền, anh quyết định trở về với cha mình, không phải bởi đột nhiên anh lại thấy yêu thương cha, nhưng chỉ vì tính ích kỷ, vì đói. Và chúng ta đều biết chuyện thế nào. Khi anh còn ở xa, cha anh (chắc chắn mong chờ anh trở về) đã vội chạy đến gặp anh, và trước khi anh kịp nói lời xin lỗi, người cha đã ôm chầm lấy anh cách vô điều kiện, đưa anh vào lại nhà và chuẩn bị ăn mừng thịnh soạn cho anh. Bây giờ chúng ta nói về ân sủng rẻ tiền!
Hãy để ý xem dụ ngôn này nói với ai. Dụ ngôn này nói với một nhóm người sùng đạo chân thành, buồn bực vì họ cảm thấy khi đón nhận và ăn uống chung với người tội lỗi (mà không đòi buộc trước tiên phải có một số điều kiện đạo đức nào đó) thì Chúa Giêsu là ân sủng rẻ tiền, làm cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa quá dễ tiếp cận và từ đó là bớt quý báu. Hãy để ý xem phản ứng của nhiều người đồng thời với Chúa Giêsu khi họ thấy Ngài ăn tối với những người tội lỗi. Ví dụ như, khi Ngài ăn tối với người thu thuế Giakêu, Phúc âm kể rằng: “Ai thấy cũng bắt đầu xầm xì với nhau”. Sự bất mãn dai dẳng này thật đáng chú ý.
Tại sao lại thế? Tại sao lại có lo lắng đó? Tại sao chúng ta “xầm xì”? Lo lắng cho tôn giáo đích thực sao? Không hẳn. Nguyên do sâu xa hơn cho sự lo lắng này không phải vì lòng đạo mà đúng hơn là vì bản tính và những thương tích của chúng ta. Chúng ta cự lại những món quà trần trụi, sự cho không thẳng thừng, tình yêu vô điều kiện, ân sủng dù ta không xứng, là vì một thứ gì gì đó trong di truyền bản năng của chúng ta đã bị làm chai đá bởi những thương tích. Một sự kết hợp giữa tự nhiên và thương tích sẽ hằn dấu trong chúng ta rằng bất kỳ món quà nào, kể cả tình yêu và tha thứ, đều cần phải xứng đáng mới được nhận. Trong đời này làm gì có bữa ăn miễn phí! Trong tôn giáo, làm gì có ân sủng miễn phí! Một âm mưu kết hợp giữa bản tính và những thương tích của chúng ta, cứ luôn mãi nhắc chúng ta rằng chúng ta bất khả ái, rằng tình yêu phải xứng đáng, không thể miễn phí được vì chúng ta bất xứng.
Tôi tin rằng trong cuộc đời chúng ta, việc thắng được tiếng nói nội tại đó là một đấu tranh tận cùng, cả về tâm lý và thiêng liêng. Hơn nữa, đừng bị lừa bởi những người khẳng định ngược lại. Những người tỏa rạng sự khả ái và khẳng định điều đó, hầu như đang cố tránh xa nỗi sợ đó thôi.
Thánh Phaolô đã viết trong Thư gửi tín hữu Roma như lời nhắn nhủ cuối đời của mình. Ngài dành trọn bảy chương đầu để đơn thuần khẳng định hết lần này đến lần khác rằng chúng ta không thể chỉnh đốn đời sống mình cho chuẩn. Chúng ta bất lực về đạo đức. Tuy nhiên, lời nhấn mạnh lặp đi lặp lại rằng chúng ta không thể chỉnh đốn đời mình cho chuẩn, thật sự là cái nền cho điều mà ngài muốn truyền lại cho chúng ta, cụ thể là, chúng ta không cần chỉnh đốn đời mình cho chuẩn. Chúng ta được yêu thương bất chấp tội lỗi, được trao ban mọi sự cách nhưng không, vô điều kiện, không cần chúng ta phải xứng đáng gì.
Chúng ta băn khoăn về ân sủng không xứng, chủ yếu là vì sự bất an của con người chứ không phải vì lo lắng thực sự nào cho tôn giáo.
J.B. Thái Hòa dịch