Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Trước nguy cơ “thờ ơ và trì trệ”, Đức Phanxicô khơi dậy một Giáo hội hiệp hành

by Phanxicovn

Trong bài giảng ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Phanxicô cảnh báo chúng ta đừng rơi vào lạc hậu. | © Vatican Media

Ngày thứ tư 29 tháng 6, nhân dịp làm phép dây pallium cho các tổng giám mục được bổ nhiệm trong năm vừa qua, Đức Phanxicô cảnh báo về một Giáo hội khi “thờ ơ và trì trệ” sẽ bị trượt “về phía thiêng liêng tầm thường”. Trong thánh lễ Thánh Phêrô và Phaolô, ngài chống một Giáo hội “tự khép mình” và đề nghị một Giáo hội hiệp hành đón nhận tất cả mọi người.

Tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô không chủ trì thánh lễ, ngài giảng lễ vàm làm phép 44 dây pallium cho 44 tổng giám mục vừa được bổ nhiệm. Hồng y Giovanni Battista Re đã thay ngài cử hành thánh lễ tại bàn thờ chính. Các giám mục Pháp, tổng giám mục Guy de Kerimel (Toulouse), tổng giám mục Antoine Hérouard (Dijon) và tổng giám mục Laurent Ulrich (Paris) đã nhận dây pallium. Tân tổng giám mục Algiers, giám mục Jean-Paul Vesco cũng ở Rôma.

Bắt đầu bài giảng, Đức Phanxicô lấy làm tiếc đã có “những lực cản bên trong ngăn chúng ta hành động”. Khi mô tả một Giáo hội đôi khi bị chìm trong “lười biếng”, khi một số người thích “ngồi yên chiêm ngắm những chuyện chắc chắn mà chúng ta đã chiếm giữ”, ngài cảnh báo nguy cơ “sống lay lắt” kể cả trong đời sống mục vụ.

Những tệ nạn đã gây trở ngại cho Giáo hội

“Nguội lạnh, thờ ơ trì trệ, hình thức, tôn giáo của các nghi lễ và lòng sùng kính”… Đức Phanxicô liệt kê một loạt các tệ nạn làm cho Giáo hội “khép mình”, thậm chí còn làm cho Giáo hội đi lui. Ngài ứng khẩu: “Xin anh chị em đừng rơi vào tình trạng lạc hậu, sự lạc hậu này của Giáo hội đang là thời trang hiện nay.” Ngài để bài giảng đã soạn sẵn qua một bên, ngài công kích sự hiện diện của chủ nghĩa giáo quyền mà ngày nay, một trong những hình thức tệ nhất của chủ nghĩa này lại được tìm thấy ở “những giáo dân bị giáo sĩ hóa”.

Như ngài đã xin các hội dòng trước mật nghị năm 2013, ngài đề nghị một Giáo hội “không xiềng xích, không tường thành” có khả năng “ra khỏi nhà tù của mình để gặp gỡ thế giới”. Ngài kêu gọi mở rộng cánh cửa của Giáo hội như ngài đã lặp lại rất nhiều lần, tất cả mọi người đều có một chỗ đứng trong Giáo hội, bắt đầu là những người tội lỗi. Ngài nhấn mạnh: “Không có tín hữu kitô hạng nhất và hạng hai.”

Giáo hội “không trì trệ” và “không tụt hậu trước những thách thức hiện tại” là Giáo hội hiệp hành được nung nấu bởi lòng say mê loan báo Tin Mừng và ước mong được tham gia với mọi người trên thế giới để chào đón tất cả mọi người”. Ngài cũng muốn đưa ra một định nghĩa đơn giản về tính hiệp hành này: “Tất cả đều tham gia, không ai lấy chỗ người khác hay hơn người khác”.

Không thỏa hiệp với lô-gích thế giới

Sau đó Đức Phanxicô làm rõ, “tham gia” cũng có nghĩa là thực hiện “cuộc chiến tốt đẹp”. Ngài nói: “Việc loan báo Tin Mừng không trung lập, […] nó không chấp nhận thỏa hiệp với lô-gích của thế giới.”

Ngược lại, việc loan báo Tin Mừng đốt lên ngọn lửa của Nước Trời, khi các cơ chế quyền lực của con người, sự dữ, bạo lực, tham nhũng, bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội thống trị”. Và để thực hiện tiến trình này: “Chúng ta phải có những hành động quan tâm đến cuộc sống con người, bảo vệ tạo vật, phẩm giá của công việc, các vấn đề của gia đình, tình trạng của người già và tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối và bị coi thường”. Ngài kêu gọi chúng ta có một “văn hóa chăm sóc” để thúc đẩy Giáo hội, ngài xin các tân tổng giám mục hiện diện trong vương cung thánh đường “khẩn trương vươn lên để là những người lính canh chăm sóc đàn chiên và chiến đấu với cuộc chiến tốt đẹp, không bao giờ đơn độc nhưng cùng với tất cả Dân Thánh trung thành với Chúa”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button