by Phanxicovn
Người con hoang đàng trở về, tranh dầu của họa sĩ James Tissot. Brooklyn Museum
fr.aleteia.org, Linh mục Mickaël Le Nezet, 2022-03-27
Cha xứ Mickaël Le Nézet, giáo xứ Rochefort bình giải dụ ngôn Người con hoang đàng trong Tin Mừng chúa nhật thứ tư Mùa Chay (Lc 15, 1-3, 11-32). Phía sau hai người con trai không biết đến tình cha của mình, có một người Con sống trọn vẹn tình yêu thương của mình với Cha. Nơi người này, chúng ta là một thọ tạo mới.
Vào chúa nhật thứ tư Mùa Chay này, chúng ta dành chút thì giờ để nhìn vào người cha mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta chiêm ngắm. Người không chỉ làm cho chúng ta cảm nhận được lòng thương xót tình yêu Chúa mà còn làm cho chúng ta hiểu mối quan hệ hiếu thảo mà tất cả chúng ta được mời gọi. Tấm gương quãng đại của người cha nhân hậu, người đã chia của cải cho hai con, bánh dồi dào cho người làm, không ngại tốn kém làm tiệc ăn mừng người con tưởng đã mất nay trở về. Như Thánh Augutinô đã viết, thước đo của tình yêu là yêu không đo đếm. Sự nhân từ của Chúa với chúng ta là con cái Ngài. Tình yêu của Chúa không giới hạn. Thiên Chúa yêu hết lòng cho những ai quay về với Ngài. Ngài còn xin chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài như thái độ của người cha trong dụ ngôn. Ông mệt mỏi và kiệt sức khi chờ ngày con trở về, từ đàng xa ông chạy đến ôm con trong vòng tay.
Điều làm chúng ta xúc động là người cha này không một lời trách người con út hay người con cả, dù người con cả tức giận trước thái độ của cha mình. Ngược lại, người cha có lời nói và hành động xoa dịu, an ủi và nâng tinh thần. “Đức mến không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13, 5-7). Thiên Chúa yêu thương, Ngài không ngừng yêu thương. Thánh Gioan viết: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1Ga 3: 1)
Không tự do cũng không trách nhiệm
Và chính xác, chương trình hoạch định của Chúa là để chúng ta là con Ngài, triển nở trong quan hệ yêu thương này, rồi hoàn toàn tin tưởng đi trên con đường sự sống với tình yêu của Chúa cho chúng ta. Mong muốn của Ngài là chúng ta trở thành những thọ tạo tự do và có trách nhiệm. Nhưng đó không phải là điều xảy ra với hai người con trai của Tin Mừng.
Người con cả không tự do, cũng không trách nhiệm với cuộc sống của mình. Anh sống như người hầu chứ không như người con. “Bao nhiêu năm con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh cha” (Lc 15,30). Mối quan hệ với cha xuống thành tuân lệnh công việc cha giao. Anh không bao giờ cho phép mình đòi hỏi cha điều gì, hưởng tài sản của cha. Vậy mà “những gì của cha là của con”. Và chúng ta biết, cách sống này không mang lại niềm vui cho người con cả mà chỉ là nỗi buồn, tức giận, ghen tị và cay đắng.
Người con hoang đàng trở về, tranh dầu của họa sĩ James Tissot. Brooklyn Museum
Người con trai út nghĩ mình sẽ có tự do khi cắt tình cha con này. Anh nghĩ anh có thể làm tự do làm một mình nên anh tận hưởng cuộc sống. Nhưng giấc mơ nhanh chónh thành ác mộng vì anh sớm qua cảnh cơ cực, hoang tàn, thậm chí còn muốn làm đầy tớ cho cha, chứ không còn dám làm con. Dùng cách trình bày của linh mục Maurice Zundel, chúng ta có thể nói hai anh em này chưa có hết nhân tính của mình. Một người không hiểu mình được yêu nhưng không và trọn vẹn, người kia được yêu thương vô điều kiện.
Một thọ tạo mới
Nhưng có một người con thứ ba ẩn giấu trong dụ ngôn này, đó là Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, con đầu lòng của tất cả các con. Ngược lại, người con ấy sống trọn vẹn mối quan hệ này với Cha mình, trong tin cậy lắng nghe Cha mình. Người ấy nhận tất cả từ Cha. Cha và người ấy là một. “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm.” (Ga 5, 19-20). Chúa Kitô ở trong tình yêu của Cha Ngài. Và trong quan hệ yêu thương này, Chúa Kitô có thể tự do trao ban cho đến cùng. Từ hiệp thông của tình yêu và tin cậy của Chúa Cha đối với Con của mình và của Chúa Con đối với Cha của mình, phát sinh ra sự dồi dào và quãng đại còn lớn hơn. Đó là con đường dẫn đến một cuộc sống viên mãn, tự do và có trách nhiệm mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta. Sự sống mà chúng ta được kêu gọi sẽ bắt đầu và phát triển từ cuộc sống mật thiết giữa người cha và người con, từ mối quan hệ yêu thương giữa Thiên Chúa, Cha của chúng ta và con cái của Người là chúng ta.
Thánh Phaolô đã viết cho chúng ta trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô: “Cho nên phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới” (2 Cor 5:17). “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15:15). Để được sinh ra theo cách này, để có nhân tính trọn vẹn, chúng ta phải theo Chúa Kitô và hòa giải với Thiên Chúa, Cha của chúng ta. Chúng ta phải luôn trở về với Thiên Chúa dịu dàng và nhân từ, chậm giận và đầy tình yêu thương này. Chúng ta phải thường xuyên giữ mình trong Người vì, theo tác giả Thánh Vịnh, Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.” (Tv 33).
Marta An Nguyễn dịch