Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XV TN Năm C

 Trở nên thân cận

 

Tin mừng Lc 10, 25 – 37

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Suy niệm

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, là bài học về cách đối nhân xử thế. Bởi vì, dẫu là anh em ruột thịt, nhưng ở xa thì không thể có mặt ngay khi ta có việc khẩn cấp, cho bằng hàng xóm ở cạnh nhà. Điều này gợi nhắc chúng ta đến một câu tục ngữ khác: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Tất cả muốn nói với chúng ta rằng, tình nghĩa của những người lân cận trong lúc hoạn nạn thật sự cần thiết và đáng quý. Quan hệ làng xóm gần kề là mối quan hệ khăng khít, mật thiết của người Việt từ ngàn đời nay.

Câu chuyện của người khách bộ hành từ Giêrusulem xuống Giêrikhô được tường thuật trong bài Tin Mừng, sẽ cho ta hiểu rõ hơn thế nào là người thân cận trong cuộc đời. Trên hành trình của mình, khách bộ hành không may gặp nạn, bị “đánh nhừ tử”. Người Samaria, đã nhìn thấy anh, và động lòng thương. Samari là vùng đất của dân ngoại, nhưng qua việc làm này, chúng ta sẽ phải thay đổi lối nhìn và cách suy nghĩ sai lệch của mình về khái niệm “Người ngoại đạo”.

Chúa Giêsu từng nói: “họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy…” (x. Mc 4,10-12). Người Samari trong trường hợp này đã THẤY. Thấy nỗi khốn khổ và nhu cầu của người bị nạn. Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nhìn, cũng thấy, nhưng đôi khi, có những thứ cần phải thấy thì lại không thấy!!! Dường như chúng ta không biết, không chú ý để chọn lọc điều mình nên thấy?

Từ việc thấy, rồi động lòng thương, người Samari đã hành động để diễn tả lòng mình: “Ông ta lại gần, lấy dầu, lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (c 34). Một chuỗi những động từ diễn tả hoạt động, trạng thái và cái tâm của người Samari-một tấm lòng vàng dành cho người anh em đồng loại. Đến đây, chúng ta có thể liên tưởng tới lời đức Lailatma nói: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư tưởng sẽ biến thành Lời nói, Lời nói sẽ biến thành Hành động, Hành động sẽ biến thành Thói quen, Thói quen hình thành Nhân cách, Nhân cách hình thành Số mệnh, Số mệnh sẽ là Cuộc đời của anh”. Có thể nói, người Samari đã suy nghĩ rất đúng, vì thế hành động và con người của ông thật vĩ đại.

Trong thực tế, chúng ta thường nhìn người khác, nhìn mọi thứ cách phiến diện, nhìn dưới lăng kính thiếu khách quan; như thế chưa được coi là đã thấy, xét theo độ sâu của lòng bác ái thì: thấy, động lòng thương mới chỉ dừng lại ở lý thuyết. Còn thực hành là phải lại gần, phải hành động. Chúa Giêsu từng chạnh lòng thương và Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Mc 6,30-44). Điều chúng ta cần phải học nơi Chúa Giêsu, nơi người Samari là hành động. Đừng chỉ tỏ lòng thương cảm người khác trên môi miệng.

Mến Chúa yêu người là điều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đòi buộc. Điều này không khó. Tác giả sách Đệ Nhị Luật ở bài đọc I, nói với ta như thế: “Mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em” (Đnl 30,11).

Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa, nhưng đã xuống thế làm người, để trở nên gần gũi với con người. Người Samaria trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đã coi người gặp nạn là người thân cận của mình, và nhờ hành động tỏ lòng thương xót, ông đã làm cho mình trở nên thân cận với người bị nạn. Xin Chúa giúp con cũng biết coi những người xung quanh là người thân, và biết làm cho mình trở nên thân cận với mọi người, khi sống bác ái yêu thương, bằng những việc làm cụ thể ở trong đời sống. Amen

Nt. Cúc Trắng, SLE

Bài viết liên quan

Back to top button