Tin mừng Mt 11, 20-24
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: “Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđôn các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđôn sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. “Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.
Suy niệm
Trong mỗi chúng ta ai mà không một lần phạm lỗi, nhưng điều quan trọng là biết nhìn nhận lỗi lầm và tỏ lòng hối hận với chính việc mình làm. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu khiển trách các thành không chịu ăn năn sám hối. Chúa Giêsu cho ta nhận thấy lòng kiêu hãnh không mang đến điều mà ta cho là trọn hảo hay là thành công nhưng điều quan trọng nhất đó chính là biết ăn năn và nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta mà hết lòng sám hối, tin tưởng vào Người.
Truyện kể rằng: Trong cuộc thi của các loài vật trong rừng những con vật tiêu biểu nhất được tuyển chọn ra như: Đại bàng, Voi, Hổ. Những con vật này luôn tự hào mình là con vật tinh khôn và vượt bật nhất khu rừng. Đại bàng thì tự cho mình là loài chim bay cao. Voi thì cho rằng mình to khỏe và có cái vòi lớn. Hổ thì tự hào mình hùng mạnh và tinh nhuệ nhất khu rừng. Trong cuộc phỏng vấn các con vật thì xem ra con vật nào cũng tự hào về mình và tỏ ra khinh thường các con vật khác, bỗng có bác Rùa chậm chạp đến cổ vũ. Bác rùa cất giọng nói: “Các anh trông thật oai vệ và thật tuyệt, thật hung mãnh nhưng riêng tôi thì vô cùng chậm chạp, nặng nề nhưng tôi tạ ơn Đấng tạo hóa đã tạo nên tôi có cái đặc sắc riêng, nên tôi không dám tự kiêu, tôi rất hài lòng vì sự thấp bé và chạm chạp của tôi.” Cả khu rừng yên lặng, hổ thẹn về cách suy nghĩ của mình. Chúng bắt đầu nhìn nhận về giới hạn của mình hơn là tự phụ kiêu căng .
Hình ảnh Chúa Giêsu khiển trách các thành không sám hối vì đã nhìn thấy phép lạ của Người làm, với tính tự phụ kiêu căng họ không còn nhận ra Thiên Chúa là Đấng họ tôn thờ, họ gạt bỏ Thiên Chúa và xem Người như vật vô tri vô giác không còn tin tưởng tín thác vào Người nữa chỉ biết chạy theo những vật chất mà thôi. Mắt họ như bị che khuất không nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ mà họ đang mong chờ. Phải chăng xã hội ngày nay cũng giống như các thành Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum khi xưa, hầu như mọi người đều nhìn thấy đức tin ngày nay ngày càng sa sút dẫn đến đời sống đức tin tê liệt, người ta chỉ biết sống cho thời nay mà không lo cho đời sống mai hậu. Đoạn Tin Mừng còn nói về Bí tích hòa giải mà Chúa Giêsu đã thiết lập qua lời mời gọi hãy “ sám hối ” hầu để được “ xử khoan hồng.” Tội lỗi làm cho con người trở nên mù quán không còn nhận ra đâu là chân lý và cùng đích của đời mình. Riêng Bí tích hòa giải là một đặc ân cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người qua các thánh Tông Đồ. “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 23) Bí Tích giúp ta giao hòa với Thiên Chúa qua chính lòng ăn năn sám hối thật lòng, nó gội rửa ta sạch muôn vàn vết nhơ của tâm hồn. Tuy thế vẫn còn nhiều người chưa ý thức được Bí Tích này cao trọng như thế nào mà lãnh nhận cho nên cho thật xứng đáng.
Trở lại với bài Tin Mừng Chúa Giêsu “khiển trách” các người dân trong thành đã xem thấy Người làm biết bao nhiêu phép lạ nhưng vẫn tính nào tật nấy vì vốn “ ngựa quen đường cũ ” không một chút mềm dẻo họ chạy theo lối sống tự do như: “ tự do mưu sinh, tự do ăn chơi, tự do tranh dành và kéo đến tự do phạm tội…” thích chạy theo dòng đời, lối sống bất tuân, sống trái ngược thánh ý Chúa. Nhìn lại bản thân ta liệu ta có sự cứng cõi nào không, ta có giống như dân thành xưa hay không? Ta vẫn là một viên đá cứng cõi như dân thành xưa hay là một quả núi sống động? Chúa Giêsu đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta Người đã hy sinh tính mạng và chịu khổ nhục trên cây Thập Giá khiến kho tàng ân thánh tuôn đổ xuống trên chúng ta. Qua Bí Tích Thánh Thể Chúa Giêsu vẫn tiếp tục thông ban sức sống Thánh Thể cho chúng ta mỗi ngày. Qua hiến tế lễ vượt qua để Phục Sinh cứu ta thoát khỏi tội lỗi. Chúa khen ngợi dân thành Tia và Xidon là các thành có trái tim rộng mở biết lắng nghe và mở đôi mắt đức tin đón nhận lời Chúa, họ là mẫu gương đáng phải noi theo. Vậy còn ta thì sao?
Qua trang Tin Mừng cho ta thấy nhờ đức tin mà ta được liên kết với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày một vững bền hơn, mỗi khi ta rước Mình Máu Thánh Người cách tự do không miễn cưỡng. Người ban chính Mình Máu Người cách miễn phí. Vậy ta hãy mở cửa lòng mình ra và lắng nghe, hãy trố mắt ra thì sẽ thấy “Chúa Thiện hảo dường bao!” Hãy tạ ơn Thiên Chúa vì Người đã ban cho ta muôn vàn hồng ân qua các Bí Tích mà ta được lãnh nhận hằng ngày. Là người kitô hữu nói chung và cách riêng cho những ai chưa hề biết Chúa hãy đến với Người và tin tưởng, tín thác vào Người vì Người đang dang đôi tay đón chờ ta… “chính Ta là bánh hằng sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào ta, sẽ không hề khát bao giờ.” (Ga 6:35)
Lạy Chúa có những lúc chúng con đã khóc vì nhận ra Chúa quá yêu thương chúng con. Chúa đã vì yêu mà hạ mình xuống nên tấm bánh bé nhỏ, chịu nghiền nát để nuôi dưỡng chúng con. Còn chúng con mỗi ngày lại muốn đưa mình lên, tìm mọi cách để bảo vệ mình, không muốn chịu lụy ai, chỉ muốn mình to lớn trong mắt người đời. Xin Chúa giúp chúng con càng yêu Chúa, yêu thương nhau thì càng trở về không, tìm cơ hội để nghiền nát mình như Chúa. Để đời sống chúng con không còn tiếng khóc của sự ai oán, nhưng là tiếng khóc của niềm hạnh phúc khi được trao tặng từng ngày. Amen
Nt Monica Kim Nhi