Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật tuần XVI TN Năm C

Môn Đệ thừa sai

Tin mừng Lc 10, 38 – 42

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Suy niệm

Trên hành trình đi rao giảng, Chúa Giêsu và các môn đệ cũng cần phải nghỉ ngơi, ăn uống, tĩnh dưỡng. Bêtania, một điểm dừng chân quen thuộc; nơi có Mácta, Maria, Lazarô, họ là bạn của Chúa Giêsu và các môn đệ. Như mọi khi, hôm nay, Mácta ra đón khách vào nhà, lo cơm nước dưới bếp. Còn cô em Maria thì tiếp chuyện trên phòng khách. Mâu thuẫn xảy ra khi cô chị lên tiếng về việc em mình “không chịu làm gì”.

“Thưa Thầy, em con cứ để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (c. 40).

Ẩn tàng trong câu nói ấy là lời trách móc, đố kỵ. Dường như Mácta đang trách thầm: Thầy không biết nhìn, Thầy không hiểu sự mệt nhọc của con sao? Phải chăng cô cũng đang ghen với em mình? Điều này có thường xảy ra trong gia đình, trong nhóm, trong cộng đoàn tôi không? Người được giao nhiều việc có hai khả năng xảy ra: một là họ sẽ tự đắc về khả năng của mình; Hai là, họ sẽ than thở và khó chịu vì nghĩ rằng mình phải làm nhiều. Người được giao ít thì sinh ra tự ti. Bắt đầu xảy ra tình trạng hơn thua. Có phải chúng ta vẫn nghĩ bụng, Bề trên giao việc không biết nhìn người?

“Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (c. 39).

Ngồi là tư thế của người đang nghe. Maria đã chọn đúng. Vì thế, cô ngồi nghe say sưa, không bị chi phối bởi những gì đang diễn ra. Lòng hiếu khách của cô rất được Chúa ủng hộ: “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (c. 42). Rõ ràng, Chúa Giêsu đề cao thái độ lắng nghe. Lắng nghe chính là điều kiện cần và đủ trong các mối tương quan. Đặc biệt, trong đời sống cầu nguyện. Nói cách khác, cầu nguyện là việc cần phải làm trước nhất. Là môn đệ của Chúa, chúng ta không thể nào sống khác Thầy mình. Thầy Giêsu dù bận rộn với việc rao giảng, chữa lành; nhưng sáng, tối Người vẫn cầu nguyện với Chúa Cha. Người chu toàn cả hai một cách tuyệt hảo: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Người còn dạy các môn đệ của mình: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,36).

Nếu một người chỉ thích làm việc, thậm chí “nghiện việc”, thì đó là mối nguy lớn cho cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta được gọi là để Ở LẠI với Chúa: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (x.Mc 3,14). Ở LẠI nghĩa là sống đời CẦU NGUYỆN, sau đó mới LÀM VIỆC của Chúa. Cả hai phải hòa quyện, bổ túc cho nhau. Giữa làm việc và cầu nguyện phải có sự tương hợp.

Chúng ta cần học Maria cách tiếp đón Chúa bằng cầu nguyện. Đồng thời, học cách phục vụ Chúa, tức là làm việc của Chúa, với thái độ hồ hởi, sung sướng như Abraham trong bài đọc I: “Chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy, lấy nước uống, mời khách rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây, lấy bánh, bắt bê non làm thịt, lấy sữa đãi khách. Nhất là, ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa” (x.St 18,1-10a).

Lạy Chúa, với xu hướng toàn cầu hóa ngày hôm nay, dường như chúng con đã bị cuốn vào cơn lốc của những con số. Chúng con chú tâm vào công việc của Chúa hơn là chính Chúa. Có lẽ, chúng con đang đánh mất bản chất của ơn gọi. Xin giúp chúng con biết cân bằng giữa làm việc và cầu nguyện. Biết sống chiều kích Môn Đệ – Thừa Sai cách hài hòa, uyển chuyển trong đời sống. Amen.

Nt. Cúc Trắng, SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button