Lời Chúa: Lc 12, 49-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
Suy niệm
Sức mạnh tình yêu
Lửa là một loại vũ khí đáng sợ, với sức tàn phá gần như vô hạn. Tuy nhiên, lửa lại có rất nhiều công dụng trong cuộc sống: nó cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm, giúp nấu chín thức ăn, rèn kim loại, làm đồ gốm, … Tóm lại, lửa là một thứ nguy hiểm, nhưng cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nó thực sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất của lịch sử loài người[1].
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Ngọn lửa ấy nói về Chúa Thánh Thần – Ngọn lửa Tình yêu. Tình yêu có sức mạnh lạ thường mà đôi khi mắt trần không thể nhìn thấy và lý trý chẳng hiểu được. Nếu lửa trong khía cạnh tiêu cực là tàn phá và hủy diệt, thì sức mạnh của tình yêu là chữa lành và xây dựng. Tình yêu là phương thuốc đặc trị cho mọi loại bệnh nan y tinh thần, thậm chí cả bệnh thể lý. Con người được tạo thành từ tình yêu, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu, sống bằng tình yêu để rồi trở về với Thiên Chúa là Tình Yêu. Tóm lại, khi yêu Thiên Chúa, ta cũng phải yêu anh chị em mình. Thật vậy, con người có đầu đội trời chân đạp đất, nhưng chỉ có thể đội trời, đạp đất khi có tình yêu. Tình yêu ấy được diễn tả qua tương quan hàng ngang với tha nhân, tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tại trung điểm là chính mình.
Hãy hình dung một thế giới, một gia đình, một tập thể, một cộng đoàn không có tình yêu. Ấy là cuộc sống bầy đàn: vô tri vô cảm, cấu xé lẫn nhau. Thật vậy, tình yêu làm cho con người sống hạnh phúc. Biết mình được yêu chúng ta sẽ tự tin để chia sẻ tình yêu cho người khác. Cũng như người có tình yêu sẽ có khả năng hi sinh cho người khác. Chúa Giêsu thân yêu của chúng ta đã sống như thế. Bài đọc II trích thư Hipri quảng diễn: “Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục” (Hr 12, 2). Như thế, Đức Giêsu đã mang và làm cho tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy giữa nhân loại tội lỗi. Tình yêu đó thúc đẩy Ngài rong ruổi khắp nơi, miệt mài rao giảng, chữa lành bệnh tật. Tuyệt đỉnh của tình yêu là cái chết trên thập giá.
Sau cùng, tình yêu ấy được cụ thể trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là bảo chứng cho tình yêu độc đáo của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho con người. Đến với Thánh Thể, chúng ta được ăn, uống để linh hồn và đời sống đức tin được bồi dưỡng; đến với Thánh Thể, chúng ta kín múc được sức mạnh thiêng liêng, làm giàu cho đời nội tâm; đến với Thánh Thể, chúng ta sẽ học được bài học của tình yêu, để sống chết cho tình yêu; yêu Chúa và yêu tha nhân. Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi, hối thúc chúng ta hãy năng đến với Chúa trong phép Thánh Thể, nhờ đó tình yêu còn hạn hẹp của chúng ta sẽ được gạn đục khơi trong và tinh khiết hơn.
Lạy Chúa, nếu một ngày nào đó không còn tình yêu ngự trị trong con và trên cõi đời này, thì khốn khổ biết chừng nào! Và, để có thể sống được đặc sủng của Tu hội – sống căn tính người môn đệ – thừa sai bằng tình yêu Thánh Thể, thì xin hãy đốt lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu chúng con có thể làm cho tình yêu ấy bừng cháy lên trong cuộc sống, và yêu thương mọi người như Chúa yêu. Amen.
Nt. Cúc Trắng, SLE
[1] Tham khảo Livescience, HowStuffsWork