Lời Chúa Lc 13, 22 – 30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi’. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi từ đâu tới’. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: ‘Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi’. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: ‘Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta’. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
Suy niệm
John Ađams từng nói: “Có hai kiểu giáo dục. Một kiểu dạy chúng ta làm thế nào để sống, và kiểu còn lại dạy chúng ta phải sống như thế nào”. Lịch sử nhân loại cho thấy: chưa từng có ai không được giáo dục, răn dạy… mà trở thành vĩ nhân. Con đường giáo dục, có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, nhưng nhằm mục đích giúp con người thành nhân hơn.
Tác giả thư Hipri trong bài đọc thứ II cũng dạy: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách” (Hr 12,5). Được Thiên Chúa sửa dạy là một hồng ân. Tuy nhiên, “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Hr 12,11). Thật vậy, nhìn vào thực tế của đời sống, khi được sửa dạy chúng ta không thấy vui, không hồ hởi đón nhận; bởi lẽ, đón nhận lời sửa sai từ người khác tức là thừa nhận mình có tội, có lỗi và có khuyết điểm. Phải chăng vì thế mà cuộc sống chúng ta chưa thật sự thay đổi?
Chúng ta phải luôn luôn tạ ơn Chúa, vì những trung gian Ngài gởi đến để sửa dạy ta, giúp ta bước đi vững vàng trên con đường ngay thẳng, đường chân lý. Đón nhận lời sửa dạy, chính là đi vào con đường hẹp, như Chúa Giêsu đã đề cập trong bài Tin mừng. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp” (Lc 13,24). Vui vẻ đón nhận lời sửa dạy của những người có trách nhiệm và cố gắng thay đổi, chính là đi vào con đường hẹp; cùng sống, và làm việc chung với những người mình không thích là đi vào con đường hẹp; bằng lòng với những gì được trao ban mà không kêu ca, bình phẩm chính là chấp nhận con đường hẹp. Chung quy lại, bước vào con đường hẹp đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị thương tích. Nhưng đó là điều Chúa muốn và Ngài hứa phần thưởng cho ta, như trong bài đọc I diễn tả “họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta”.
Đường hẹp là con đường không ai muốn đi, nhưng nó dẫn chúng ta tới Nước Trời hơn bất cứ những con đường khác. Chúa Giêsu cũng đã kinh qua con đường ấy. Để có Chúa Giêsu Thánh Thể trong nhà tạm, trong mặt nhật, trên các bàn thờ, Ngài đã vâng lời Chúa Cha, nhập thể và nhập thế để ở lại với con người. Vì thế, là người tu sĩ Sống Thánh Thể, lối đường tất yếu chúng ta không thể không bước vào, theo gương của Thầy Giêsu, chính là con đường hẹp, con đường của hi sinh, đau khổ. Thánh Inhaxiô Loyola quả quyết: “Nếu như Thiên Chúa để anh em phải chịu nhiều đau khổ, thì đó là dấu người đã có những chương trình lớn lao dành cho anh em, và chắc chắn người muốn biến đổi anh em thành một vị thánh”.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, bản tính tự nhiên của chúng con là muốn đi trên con đường rộng thênh thang; vì nó làm cho thân xác và tâm trí chúng con vui sướng, thích thú. Nhưng Lời Chúa hôm nay dạy chúng con hiểu rằng, đó là con đường đưa tới diệt vong. Chỉ có con đường hẹp mới đưa tới sự sống mai hậu trên Thiên Đàng. Xin cho mỗi người chúng con can đảm bước vào con đường hẹp như Chúa dạy. Amen.
Nt. Cúc Trắng, SLE