Tin mừng Lc 14, 1.7-14
Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”. Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.
Suy niệm
Người thầy hỏi học trò:
– Theo con, giữa bình trà với ly trà, thì cái nào nhận được nước trà?
Người học trò trả lời là ly trà được nhận.
Người thầy lại hỏi:
– Vậy ly trà muốn nhận nước trà thì nó phải nằm cao hơn hay thấp hơn bình trà?
Người học trò lại nói: “Dạ thưa thầy, ly trà phải nằm thấp hơn bình trà”.
Từ triết lý câu chuyện bình trà và ly trà, có thể thấy sống ở đời cũng vậy, nếu muốn nhận được điều gì, hay muốn người khác trao cho giá trị thật, hoặc muốn được chỉ dạy, hướng dẫn; chúng ta phải đặt mình ở vị trí thấp hơn. Đó chính là bài học về sự khiêm tốn! Trong bài Tin mừng Chúa Giêsu đã dạy: “phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Nếu chúng ta luôn tự cao, tự đại, cho rằng mình là nhất, luôn nói “Tôi biết rồi” thì ta sẽ không nhận được thêm gì, vì chính ta đưa mình lên cao quá, cho mình là ly nước đầy, không ai rót thêm vào được nữa. Quả vậy, nếu không bao giờ biết lắng nghe, bàn bạc, tham khảo ý kiến của người khác, chúng ta dễ thất bại trong cuộc sống, và mọi người cũng dần trách xa ta.
Là người biết điều, đừng bao giờ nghĩ mình giỏi, cũng chớ bao giờ nghĩ mình là uyên bác. Vì bất cứ ai cũng có điểm yếu điểm mạnh của riêng mình, hãy biết tôn trọng sự khác biệt ấy. Sách Huấn ca trong bài đọc I cũng dạy “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3,18). Trong Kinh Tận Hiến của Tu hội, mỗi ngày chúng ta vẫn đọc và cầu xin: xin cho con được mặc lấy những đức tính hiền từ, khiêm nhường, nghèo khó, bỏ mình của Thánh Tâm Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ sống được điều mình cầu nguyện là thấm nhuần lòng khiêm nhường của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, càng nhìn và suy gẫm về Chúa ở trong nhà tạm, con càng cảm nhận sâu hơn sự khiêm tốn của Chúa. Và rồi con lại thấy mình chỉ là con người đầy khiếm khuyết nhưng dễ tự tôn. Chúa ơi, cả đời Chúa sống ở trần gian với chúng con, vì chúng con, Chúa làm mọi việc thật lớn lao mà không hề phô trương bản thân, nhưng tất cả vì vinh danh Chúa Cha và Nước Trời. Từ cuộc đời của Chúa và qua phụng vụ Lời Chúa ngày mai, xin cho mỗi người chị em chúng con ghi nhớ bài học về lòng khiêm tốn: biết mình và biết người khác; đồng thời xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng con thường xuyên hướng nhìn về Chúa trong phép Thánh Thể, đến với Chúa nhiều hơn, suy xét bản thân hơn, nhờ đó Chúa sẽ giúp chúng con thật sự trở thành những con người có lòng khiêm nhường như Chúa. Amen.
Nt. Cúc Trắng, SLE