Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật XXIII TN, Năm C

Cùng vác thánh giá với chúa

Tin mừng Lc 14, 25-33

Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.

“Có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không? Kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế giễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.

“Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Suy niệm

Chuyện kể rằng: có anh chàng đạo đức nọ, một hôm đến xin Chúa đổi cây thập giá mà Chúa đã trao cho anh, vì anh không thích và cho rằng nó không hợp với mình. Chúa đồng ý và đưa anh đến nơi có đủ loại thập giá để chọn.

Nhìn bên phải thấy có cây thập giá ngắn gọn, anh vội vàng cầm lên để vác thử. Nhìn sang trái, anh lại thấy một cây thập giá có vẻ dễ vác hơn vì thân nó tròn và bóng, không có các cạnh vuông. Anh ta mỉm cười và nghĩ mình sẽ chọn cây thập giá tròn kia để vác cho êm vai. Nhưng khi đặt nó lên vai thì cảm thấy khó vác, vì nó trơn trượt nên cứ tuột ra ngoài, vác đi rất bất tiện. Thế là anh lại xin đổi cây thập giá khác. Lần này kỹ càng hơn, anh rảo mắt nhìn qua tất cả các cây thập giá được trưng bày và thấy một cây thập giá bỏ trong góc phòng. Có lẽ nó đã bị bỏ rơi lâu rồi vì không được ai vác. Đặt thập giá này lên vai, anh cảm thấy nhẹ nhàng, tiện lợi và dễ vác hơn. Cuối cùng, anh này đã quyết định vác lấy cây thập giá đó.

Chúa mỉm cười và nói: “Con hãy nhìn kỹ coi, cây thập giá này Cha đã xếp đặt cho con vác ngay từ đầu mà con đã than phiền muốn đổi cây thập giá khác”.

Thập giá là phương thế Thiên Chúa Cha muốn dùng để cứu độ nhân loại, và Chúa Giêsu đã vác nó cách tự nguyện. Có nhiều cách để cứu con người sao Thiên Chúa lại chọn thập giá? Suy tư về câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta bình an vác thập giá cũng như đón nhận mọi thương đau của cuộc đời. Chúa Giêsu quả quyết: “ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,27). Như thế, muốn trở thành môn đệ Đức Giêsu, mỗi người chúng ta phải vác thập giá. Chúng ta cùng thử suy nghĩ xem: nếu theo một người mạnh hơn mình chúng ta có thấy đuối sức và dễ bỏ cuộc không? Tại sao chúng ta không thay đổi lối nghĩ, là chúng ta cùng vác thập giá với Chúa, và cùng với Chúa chúng ta vác thập giá đời mình. Nghĩ được như thế chúng ta sẽ thấy hi vọng và tin tưởng hơn.

Một tâm tình cần phải có khi vác thập giá, đó chính là sự tự nguyện. Điều này được thánh Phaolô nhắc đến trong bài đọc II, khi ngài nhờ Philêmon nhận nâng đỡ người học trò của mình: “Nhưng vì chưa biết ý con, nên cha không muốn làm gì, để việc nghĩa con làm là một việc tự ý, chớ không vì ép buộc” (Plm 6b,14). Sự tự nguyện và tín thác sẽ giúp chúng ta đi trọn đường thập giá và làm cho thập giá nở hoa; là sự bình an trong giây phút hiện tại và sự phục sinh vinh hiển cùng với Chúa vào ngày sau hết. Hiển nhiên, thập giá luôn gắn liền với đau khổ, nên mỗi người hãy vác lấy thập giá đời mình và cùng vác đỡ thập giá cho nhau; đừng có ai chất thêm thập giá mình bắt người khác phải vác.

Lạy Chúa, ngước nhìn thập giá con thấy chẳng có gì hấp dẫn, bởi vì thập giá chỉ là sự trần trụi, nghèo nàn, nhục nhã. Thế nhưng, con lại thích chiêm ngắm thập giá, bởi trên thập giá có Chúa. Nhìn ngắm Chúa con học được bài học của sự hi sinh thầm lặng. Và đó chính là vẻ đẹp của thập giá. Vẻ đẹp ấy được cụ thể hóa trong bí tích Thánh Thể. Đến với Thánh Thể chúng con sẽ học bài học của sự hi sinh vì người khác như Chúa đã hi sinh vì chúng con. Amen.

Nt. Cúc Trắng, SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button