Để phân định, Đức Phanxicô xin chúng ta chú ý đến những “điều bất ngờ”
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 7 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô | © Vatican News
Trong bài giáo lý hàng tuần của buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Phân định không phải là lời sấm hay thuyết định mệnh. Sợi chỉ đỏ của phân định là những sự kiện không mong chờ.” Tiếp tục bài giáo lý về phân định, ngài nhấn mạnh, chính “bằng cách lắng nghe tâm hồn” mà chúng ta gặp Thiên Chúa. Ngài tái kêu gọi hòa bình và nói lên suy ngẫm của ngài về một nước Ukraine tử đạo.
Đức Phanxicô rút cảm nhận của ngài từ cuộc đời của Thánh I-Nhã (1491-1556), Thánh I-Nhã bị thương ở chân, nằm một chỗ và để đỡ chán, ngài đọc hạnh các thánh, một trong các tác phẩm duy nhất có trong tủ sách gia đình. Những câu chuyện này đã chất vấn Thánh I-Nhã, trong lòng ngài, ngài cảm thấy có sự đối nghịch giữa đời sống của một hiệp sĩ và đời sống dâng mình cho Chúa. Ngài thấy khi nghĩ đến đời sống hiệp sĩ, lòng ngài “trống rỗng và thất vọng” nhưng khi nghĩ đến đời sống dâng hiến cho Chúa, ngài thấy “tâm hồn bằng lòng và tràn đầy niềm vui”.
Sau đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến đức tính “thời gian” để phân định. Ngài giải thích, sự sáng suốt được thấy sau khi đã “đi một đoạn đường”, khi đương sự tự hỏi: “Vì sao tôi lại đi hướng này? Tôi đang tìm kiếm điều gì đây? Phân định không phải là lời sấm hay thuyết định mệnh. Phân định là lắng nghe trái tim mình.” Ngài châm biếm: “Chúng ta nghe radio, điện thoại di động, truyền hình… Chúng ta là bậc thầy trong việc nghe… nhưng tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em có biết cách lắng nghe trái tim mình không? Người đó đang vui, đang buồn, đang tìm kiếm điều gì đó?”.
Trong suốt bài giáo lý, Đức Phanxicô nhấn mạnh, “mới đầu những tư tưởng thế gian rất hấp dẫn, nhưng sau đó chúng mất vẻ hào nhoáng, chúng chỉ để lại trống rỗng, bất mãn”. Trái lại, những suy nghĩ của Chúa khơi dậy “sự phản kháng lúc đầu” nhưng sau đó là một “bình an mới lạ”.
Sự sống, Thiên Chúa hay quỷ dữ
Đức Phanxicô đặc biệt mời gọi tín hữu kitô chú ý đến “những điều không mong chờ”. Vì chính trong “những điều bề ngoài xem ra bất ngờ” mà Thiên Chúa hành động, ngài làm việc “qua những sự việc không lường trước và ngay cả trong những lúc trái chiều, biểu hiện trong những tình huống không lường trước, thậm chí là không dễ chịu”.
“Chuyện tình cờ đến với tôi, tôi tình cờ gặp người này, tình cờ xem phim kia (…). Tôi phải đi dạo và tôi bị đau chân”, ngài kể chuyện trước khi nói đùa: “Tôi an bình đi về nhà và… mẹ vợ tôi đến.”
Đức Phanxicô lặp lại: “Thiên Chúa nói gì với anh chị em, đời sống ở đây nói gì với anh chị em?”, ngài cho rằng trong tình cờ này, “đời sống nói với anh chị em, Chúa nói với anh chị em hoặc ma quỷ nói với anh chị em”. Dù sao chăng nữa, “có một cái gì đó cần phân định trong những điều không mong chờ này.”
“Chiến tranh thế giới”
Một lần nữa, khi kết thúc bài giáo lý hàng tuần, Đức Phanxicô bày tỏ suy nghĩ của ngài với “đất nước Ukraine tử đạo”. Đưa tay chào một vài lá cờ Ukraine màu xanh và vàng được giáo dân mang đến Quảng trường Thánh Phêrô, ngài xin mọi người hãy là người xây dựng hòa bình và cầu nguyện để những suy nghĩ và dự án hòa hợp và hòa giải được lan rộng trên khắp thế giới. Ngài nói: “Ngày nay chúng ta đang sống trong cuộc chiến thế giới. Chúng ta phải ngừng lại. Chúng ta phó thác các nạn nhân của tất cả các cuộc chiến tranh, và đặc biệt người dân Ukraine thân yêu cho Đức Mẹ.”
Kể từ ngày nước Nga xâm lược Ukraine ngày 24 tháng 2, Đức Phanxicô nhiều lần kêu gọi hòa bình, đặc biệt trong các buổi tiếp kiến chung và giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật để cảnh báo với thế giới thảm kịch đang diễn ra và xin giáo dân cầu nguyện.
Trong một phỏng vấn dành cho các giám đốc tạp chí Dòng Tên tháng 6 vừa qua, ngài nói đến “chiến tranh thế giới từng mảnh” khi nhắc đến cuộc chiến ở Ukraine. Ngài cũng không quên các quốc gia xa xôi khác, đặc biệt ở châu Phi cũng đang sống trong cảnh chiến tranh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch