Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa, Chúa nhật XXIV TN, Năm C

'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'

Tin mừng Lc 15, 1-32

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy, Tôi bảo các ông: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất’. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”. Người lại phán rằng: “Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha’. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. “Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó’.”Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'”.

Suy niệm

Cái nhìn của lòng thương xót

Trong các giai thoại về những thiền sư nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta đọc được câu chuyện như sau:

Một buổi tối nọ, thiền sư Shechery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà, hắn dí gươm vào cổ nhà tu hành và dọa sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn. Vị thiền sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp, rồi nói với tên cướp: “Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho ta yên”, nói xong ông tiếp tục tụng niệm. Sau một lúc, ông nhìn lại và nói tiếp với tên cướp : “Đừng lấy hết tiền của ta, để lại cho ta một ít, vì ngay mai ta phải đóng thuế”. Nhưng tên cướp không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư. Hắn lấy hết tiền trong hộp và nhét đầy túi, hắn vừa ra đến cửa, nhà sư nói vọng ra : “Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận quà sao?”. Không quá tiếc lời với khổ chủ, tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi. Vài ngày sau, vị thiền sư được tin kẻ gian ác đã sa lưới pháp luật. Hắn nêu đích danh vị thiền sư là người đã bị hắn uy hiếp. Thiền sư Shechery được mời ra tòa để làm chứng. Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau : “Đối với riêng cá nhân tôi thì người này không phải là tên cướp. Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở miệng cám ơn tôi”. Vì có quá nhiều tiền án tiền sử, cho nên tên cướp đã bị tống giam. Sau khi mãn hạn tù, anh ta đã tìm đến với vị thiền sư và xin làm đồ đệ của ông.

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng, trên đời này chỉ có lòng thương xót mới có sức cảm hóa người khác. Và, Thiên Chúa của vũ trụ là Đấng giàu lòng thương xót. Có lẽ chúng ta còn nhớ trong Kinh thánh, có đến hai mươi đoạn nói về lòng thường xót của Thiên Chúa. Một con số không nhỏ đúng không? Hôm nay, chúng ta cùng đọc lại ba dụ ngôn của lòng thương xót ấy: dụ ngôn một trăm con chiên; mười đồng bạc bị đánh mất; người cha nhân hậu.

Ánh nhìn của Đức Giêsu có sức hoán cải người tội lỗi. Cụ thể, với Phêrô trong dinh thượng tế Cai pha; với Giakêu trên cây sung; với Matthêu nơi bàn thu thuế;… nhờ ánh nhìn cảm thương ấy họ được hoán cải và trở thành môn đệ của Ngài. Chúng ta cũng phải học và tập cho mình có được ánh nhìn thương xót người khác như Chúa đã thương mọi người và thương ta. Chúng ta tự hỏi tại sao vì một con chiên đi lạc mà người chủ phải bỏ chín mươi chín con lại để đi tìm nó? Tại sao vì một đồng bạc được tìm lại mà người đàn bà phải mở tiệc đãi láng giềng tốn kém? Và, tại sao vì một người con phung phá, bỏ nhà ra đi mà người cha vẫn có thể tha thứ và ôm anh vào lòng như vậy? Đó chính là những ám chỉ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Cách Thiên Chúa thể hiện tình thương làm chúng ta khó hiểu, và Ngài không bao giờ mệt mỏi để thương xót. Vì Ngài đến “tìm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19, 1).

Như người con hoang đàng đã hồi tâm và trở về với cha. Chúng ta cũng hãy biết hồi tâm và hoán cải mỗi khi chúng ta phạm tội và sai lỗi. Thiên Chúa chỉ cần chúng ta nhận ra tội của mình và trở về để đón nhận lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy đến với  bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Đó là hai phương thế Thiên Chúa dùng để thi ân giáng phúc cho ta. Quả thế, trong nhà tạm đơn sơ, Chúa Giêsu luôn ở đó chờ đợi chúng ta đến và Ngài sẽ đồ tràn tình yêu cho những ai thành tâm thiện chí.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa trong cuộc sống. Ngõ hầu chúng con biết hồi tâm, can đảm nhìn nhận bản thân và hoán cải để xứng đáng với tình thương của Chúa. Cũng như chúng con biết cách thể hiện lòng thương xót với những người sống bên cạnh chúng con. Amen.

Nt. Cúc Trắng, SLE

 

Bài viết liên quan

Back to top button