Suy tư

Lòng Tin

“Sống ở trên đời không thể thiếu niềm tin trong cuộc sống. Bởi đó là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho mỗi con người. Từ lòng tin đó mới sinh ra yêu thương, phụng sự, cống hiến và rèn luyện để biến đổi mình trở nên tốt đẹp hơn.”                           

Khi bạn mất niềm tin vào mọi thứ, bạn trở nên hoài nghi với tất cả mọi người, cuộc sống của bạn chẳng bao giờ thanh thản. Tôi biết, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta mất đi niềm tin vào một thứ gì đó. Cuộc sống với những va chạm dạy cho chúng ta rằng “cả tin là một thứ sai lầm”, vì bạn đã phải nghe những điều dối trá, gặp những chuyện bất công, bị người khác phản bội, lừa gạt…Thậm chí chúng ta đã không còn cảm xúc trước một người ăn xin nghèo khổ, với ý nghĩ “ biết bao nhiêu người ăn xin, chắc họ giả vờ nghèo khổ thôi ”

Bởi thế mà niềm tin của vị tông đồ Tôma rất minh bạch, Ngài không phải là người kém tin, nhưng trong lúc ông không hiện diện cùng anh em thì Chúa hiện ra, nên khi được các anh em nói lại ông nghi ngờ, không đủ tin. Cuộc sống của chúng ta lắm lúc cũng vậy, niềm tin của chúng ta cũng thiếu sự mạnh mẽ, minh bạch, thậm chí có lúc cũng nghi ngờ. Vì thời đại chúng ta đang sống ngày nay cũng thiếu tình cảm, vì niềm tin bị xói mòn, đập phá một cách không thương tiếc. Điển hình với báo chí, truyền thông hay mạng xã hội đầy rẫy các tiêu đề về tiền, tình, tù, tội, … mang đến sự thiếu niềm tin với mọi người, thiếu đi sự chân thật, lợi ích cho xã hội. Một số nhà báo đã phản ánh những sự việc không đúng thực tế, cố tình bóp méo sự thật, thông tin sai đến công chúng. Những người có tâm thế lớn thì phải biết “Ẩn ác lương thiện”. Nếu không tiếp thu có chọn lọc, con người sẽ dễ đổ vỡ lòng tin, không tin rằng xã hội ngoài kia còn có người thiện lương

Do đó thái độ của một vị tông đồ được đổi thay khi gặp Chúa. Chính hành động ông được thọc bàn tay vào lỗ đinh, cạnh sườn, ông chỉ biết thinh lặng, đón nhận ơn Chúa vì không lời nào diễn tả được niềm tin của ông vào Chúa, thật tội nghiệp cho ông vì trước khi được diện đối diện điều này, ông đã phải đánh đổi điều mà trước đó ông đã bị mệnh danh là người kém tin. Chính vì thế có câu chuyện kể rằng: Có người hỏi một thiền sư: “Thiền sư, Ngài có chỗ nào khác với người bình thường hay không? Thiền sư nói: “Có” Là chỗ nào vậy? Thiền sư đáp: Lúc thấy đói thì ta ăn cơm, lúc buồn ngủ ta sẽ đi ngủ. Đây làm sao coi là điểm khác biệt được, ai chẳng như vậy, có gì khác đâu cơ chứ ?Thiền sư đáp: Tất nhiên là khác rồi! Tại sao vậy ?

Thiền sư đáp: “Người khác lúc ăn cơm vẫn luôn nghĩ tới chuyện khác, không chuyên tâm cho chuyện ăn uống; người khác đi ngủ cũng luôn nằm mơ, ngủ không ngon giấc. Còn ta ăn cơm là ăn cơm, chẳng nghĩ chuyện gì; nằm ngủ cũng không bao giờ  mộng mị, vì vậy ngủ rất ngon. Đây chính là điểm khác biệt giữa ta và người khác.

“ Đau khổ là người không ai tin, nhưng người không tin ai còn đau khổ hơn ”. Trên đời này, rất khó có thể bình thản, toàn tâm ý để tận hưởng một cái gì đó, chúng ta phần lớn đều mất đi một “cái tâm bình phàm”. Chỉ khi bạn dùng trái tim của mình để cảm nhận sinh mệnh, cảm nhận những thứ tốt đẹp xung quanh, bạn mới có thể tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Thế nhưng, nếu một ngày bạn mất niềm tin với chính bản thân? Bạn không tin rằng mình làm được, không tin mình có khả năng, không tin mình có thể sống hạnh phúc và vui vẻ? Không tin tưởng chính bản thân mình là biểu hiện của sự tuyệt vọng, vô phương hướng, mất niềm tin vào khả năng thay đổi mọi thứ. Khi bạn mất niềm tin vào chính bản thân bạn, bạn cảm thấy cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát, bạn luôn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bạn cho rằng bản thân bạn thật là vô tích sự, chẳng làm được việc gì. Rất nhiều người trên thế giới này đánh mất niềm tin vào bản thân đó chính là việc họ đang rơi vào một cơn khủng hoảng về giá trị: Họ không biết điều gì đúng, sai, tốt, xấu cho bản thân…dẫn đến những hành động đáng tiếc. Đặc biệt, những người vừa trải qua thất bại như: thất nghiệp, thi trượt, thất tình,…rất dễ mất niềm tin vào chính bản thân mình, họ nghĩ rằng họ không thể làm tốt được việc gì. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nó có thể hủy hoại cuộc sống của bạn.

Hãy lấy lại niềm tin cho mình bằng cách luôn tâm niệm:

– Thất bại không phải là vấp ngã, mà là cứ nằm lì sau khi ngã

– Ai sinh ra đều có một sở trường để làm tốt công việc nào đó. Nếu bạn không có sở trường đó, chỉ vì bạn chưa tìm ra sự tự tin từ chính bạn mà thôi.

Nt Maria Têrêsa. SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button