Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô có thể làm gì để ngăn chặn Putin?
Đức Phanxicô gặp tổng thống Putin ngày 10 tháng 6 – 2015
Ngày chúa nhật 2 tháng 10, Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi chưa từng có với Tổng thống Nga, ngài lên án việc Matxcova sáp nhập bốn khu vực Ukraine. Ngài lên tiếng: “Sau bảy tháng thù địch, chúng ta phải dùng đến mọi biện pháp ngoại giao” và ngài yêu cầu “tất cả các nhân vật chính trên chính trường quốc tế phải đưa ra sáng kiến đối thoại” chống lại “sự điên cuồng” của chiến tranh.
“Đức Phanxicô đi theo các tiền nhiệm của ngài”
Bà Laura Pettinaroli, nhà sử học tôn giáo, giám đốc nghiên cứu về thời hiện đại và đương đại tại Trường phái Pháp ở Rôma
“Ở một mức độ nào đó, sự can thiệp của Đức Phanxicô ngày chúa nhật 2 tháng 10 phù hợp với sự can thiệp của những vị tiền nhiệm của ngài trong các cuộc xung đột gay gắt. Một số người so sánh ngài với giáo hoàng Gioan XXIII trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba tháng 10 năm 1962. Vào thời điểm đó, cũng giống như ngày chúa nhật vừa qua, đó là một can thiệp bằng miệng, liên quan đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra. Liên Xô đã tham gia và vấn đề hạt nhân là mối quan tâm trọng tâm. Cũng như Đức Phanxicô vào ngày chúa nhật 2 tháng 10, Đức Gioan XXIII cũng đã tố cáo sự khủng khiếp của chiến tranh.
Chiến tranh ở Ukraine: giáo hoàng tố cáo “sự điên rồ của tất cả các bên”
Ngày chúa nhật 2 tháng 10, trong giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô đã tố cáo cuộc chiến là ‘nỗi kinh hoàng với dòng sông máu’ và là một ‘sai lầm và điên rồ’, hậu quả của nó ảnh hưởng đến những người mong manh nhất, đặc biệt là trẻ em. Điểm này cũng giống các lời lên án rõ ràng, bạo lực chiến tranh cũng là những lời trọng tâm của Đức Bênêđíctô XV (1914-1922) và Piô XII (1939-1958), giúp chúng ta nhớ lại quan điểm cơ bản của sự hiệp nhất và đoàn kết của nhân loại.
Hơn nữa, trong lời lên án ngày chúa nhật vừa qua, Đức Phanxicô tố cáo các hành vi của Nga đi ngược lại các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đó là một phần của truyền thống ngoại giao Vatican đã được khẳng định vào những năm 1960, khi Tòa Thánh thực sự bước vào Liên hợp quốc, đảm bảo sự hiện diện tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, đánh giá cao chủ nghĩa đa phương và quyền của các nhóm thiểu số. Đó là cơ sở pháp lý cũ nhưng cũng là cơ sở pháp lý mà Giáo hội công giáo đã áp dụng trong sáu mươi năm qua.
Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô cố gắng hòa giải để giải thoát 300 tù nhân
Điểm thứ ba, khi yêu cầu tổng thống Nga và Ukraine, cũng như các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao chưa từng được sử dụng, Đức Phanxicô ngầm nhắc lại lời đề nghị hòa giải. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến này, Vatican đã thường xuyên cho thấy mình ở địa bàn, như thời Đức Lêô XIII (1878-1903) và Đức Bênêđíctô XV.
Cũng có sự hiện diện của chiều kích thiêng liêng, vì Đức Phanxicô nhắc đến đền thánh dâng hiến cho hòa bình, Đức Mẹ Mân Côi ở Pompeii được thánh hiến vào năm 1901 dưới thời Đức Lêô XIII, giáo hoàng thiết thân phát triển các cuộc hòa giải do Tòa thánh thực hiện.
Lá cờ Ukraine của hồng y Krajewski
Rất khó để đánh giá hiệu quả của một lời kêu gọi như vậy. Năm 1962, lời kêu gọi của Đức Gioan XXIII đã thực sự có tác động với dư luận và trở thành động lực thúc đẩy mối quan hệ hòa giải giữa Tòa thánh, Liên Xô và Giáo hội chính thống Nga. Về phần Đức Bênêđíctô XV, trong Thế chiến thứ nhất, nhiều người cho rằng lời kêu gọi hòa bình của ngài không hiệu quả. Đó là trường hợp xảy ra trong thời gian rất ngắn của mùa hè năm 1917, nhưng những lập luận mà giáo hoàng đưa ra đã được Tổng thống Mỹ Wilson đưa ra năm 1918 về 14 điểm cần thiết để có được hòa bình.”
Đức Phanxicô cầu xin Putin chấm dứt ‘vòng xoáy bạo lực’ ở Ukraine
“Chính sách ngoại giao của giáo hoàng cũng bất lực như các Quốc gia khác”
Ông François Mabille, nhà khoa học chính trị, chuyên gia về địa chính trị của các tôn giáo và giám đốc Đài quan sát tôn giáo địa chính trị của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (Iris)
“Tuyên bố của Đức Phanxicô ngày chúa nhật có hai hàm ý thiết yếu. Trước giáo dân công giáo, đặc biệt là tín hữu Ukraine, ngài đóng vai người hòa giải, khi lần đầu tiên ngài tuyên bố rất mạnh chống lại Vladimir Putin. Tuyên bố này góp phần tái cân bằng các lập trường trước đây của ngài về cuộc chiến ở Ukraine, đưa ngài ra khỏi những phân tích sai lầm mà ngài đã đưa ra kể từ đầu cuộc xung đột. Các quan điểm của ngài kể từ tháng 2 thực sự cho thấy ngài không hiểu rõ thực tế chế độ Nga và về vai trò của tòa thượng phụ Matxcova trong vai trò hỗ trợ ý thức hệ cho cuộc chiến. Khi bắt đầu cuộc xung đột, Đức Phanxicô đã không nêu tên kẻ gây hấn.
Đây là sự khác biệt lớn với những tuyên bố của ngài trước đây, cuối cùng Đức Phanxicô đã đề cập đến luật pháp quốc tế và lên án việc Matxcova sáp nhập bốn khu vực Ukraine. Đi theo đường hướng cổ điển của các giáo hoàng, kêu gọi hòa bình, hòa giải và chấm dứt xung đột, bằng cách đề cập trực tiếp đến hai nhân vật chính.
Tôi không nghĩ tuyên bố của ngài sẽ có tác động đến chính cuộc xung đột. Một lần nữa, ngài đóng vai người hòa giải và là người đối thoại, nhưng đối với các chính trị gia, điều đó là vô cùng khó khăn. Kể từ thời điểm Nga xâm lược Ukraine, ngoại giao Vatican cũng bất lực và lúng túng như ngoại giao các nước khác.
Có lẽ theo một cách hơi tuyệt vọng, một lần nữa Đức Phanxicô kêu gọi đối thoại và hòa bình, nhấn mạnh đến những rủi ro của một cuộc leo thang hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, việc lên án này đáng quan tâm vì chúng ta không nghe thấy bất kỳ đề nghị nào cho một lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ các nhà lãnh đạo chính trị, những người tự giam mình trong các phản ứng quân sự.
Điều này đặt câu hỏi về quan điểm của Tòa thánh: chúng ta có mong chờ một lời lẽ tôn giáo hay chính trị của giáo hoàng hay không? Giáo hội nên có một quan điểm địa chính trị, hay vẫn ở khía cạnh nhân đạo? Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Đức Phanxicô đu dây giữa các quan điểm này.
Ở đây cần hiểu các quan điểm của giáo hoàng được xây dựng như thế nào, giữa những gì đến từ xác tín cá nhân của ngài và những gì của Phủ Quốc vụ khanh hoặc các mạng lưới khác, chẳng hạn mạng lưới của Dòng Tên. Tháng 5 vừa qua, hồng y Paul Richard Gallagher, bộ trưởng các Quan hệ quốc gia đã đưa ra quan điểm khác với giáo hoàng khi ngài tuyên bố Ukraine có quyền tự vệ trong một số giới hạn nào đó.
Các xác tín cá nhân của Đức Phanxicô, ngài muốn mình là người của hòa bình, chắc chắn đã xác định quá mức trong các bài phát biểu của ngài có thể làm tổn hại đến quan điểm của Phủ Quốc vụ khanh. Phủ Quốc vụ khanh mang tính ngoại giao, chuyên nghiệp và phù hợp hơn nhiều với quan điểm của Giáo hội về vũ trang tự vệ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch