Vatican II: Vì sao Đức Phanxicô xem trọng việc kỷ niệm 60 năm Công đồng
Qua việc chủ trì thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày thứ ba 11 tháng 10 nhân kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Phanxicô cho thấy ngài gắn bó đặc biệt với Công đồng Vatican II, được phản ánh trong những tháng gần đây qua hai khía cạnh: phụng vụ và tính đồng nghị.
Ở Rôma, thông báo về sự kiện này đã làm cho một số người ngạc nhiên. Ngày thứ ba 11 tháng 10, ngài cử hành thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô sáu mươi năm sau ngày Đức Gioan XXIII khai mạc để “cập nhật” Giáo hội sau hai mươi thế kỷ. Buổi lễ có sự hiện diện của 35 hồng y, 55 giám mục và 450 linh mục… trong đó có 5 người đã trực tiếp tham gia vào công đồng.
https://www.instagram.com/reel/CjlgdyWDT8C/?utm_source=ig_web_copy_link
Công đồng Vatican II còn lại gì?
Trong chín năm qua, Đức Phanxicô đặt mình vào cương vị là người thừa kế Công đồng Vatican II, chẳng hạn ngài thường xuyên trích dẫn bốn bản tông huấn của ngài. Ông Massimo Faggioli, giáo sư nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Villanova, Hoa Kỳ, phân tích: “Cho đến mùa hè năm 2021, một cách gián tiếp ngài thường nói qua các chuyến tông du hoặc qua các bản văn lớn trong triều giáo hoàng của ngài. Ngài là người châu Mỹ la-tinh khá điển hình: công đồng là một sự kiện quan trọng với ngài, và trên tất cả, ngài nói đến một hậu công đồng, một tư tưởng Bergoglian trên công đồng.
Điểm ngoặc
Việc xuất bản tự sắc Traditionis custodes, một tự sắc giới hạn rõ rệt việc cử hành thánh lễ theo nghi thức trước Công đồng, sẽ tạo một bước ngoặt dưới mắt ngài. Ông Massimo Faggioli nói tiếp: “Vào thời điểm đó, ngài hiểu tình hình là nghiêm trọng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, ngài xác nhận nguy cơ gây ra sự ly giáo trong phụng vu.”
Trên thực tế, từ nhiều tháng nay, ngài đã xem phụng vụ là một trong những hòn đá tảng của Công đồng Vatican II, hoặc ít nhất ngài xem việc phản đối cải cách phụng vụ là một cách bác bỏ toàn thể công đồng. Trong tông thư Desiderio desideravi, Thầy những khát khao công bố tháng sáu vừa qua, ngài lên tiếng: “Tôi không hiểu làm thế nào người ta có thể nói họ công nhận tính hợp lệ của Công đồng – dù tôi ngạc nhiên khi một người công giáo có thể tuyên bố mình không cho là như vậy – và không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ phát sinh từ Hiến chế Phục vụ thánh Sacrosanctum concilium.
“Công đồng Vatican II xóa sổ các nhà thờ”: sáu thành kiến sai lầm về công đồng
Một nguồn tin cao cấp của Vatican tóm tắt: “Phụng vụ đã trở thành một công cụ tranh chấp của công đồng. Cải cách phụng vụ là một phần của công đồng, bạn không thể tách rời hai điều này. Từ chối cái này là từ chối cái kia.”
Tính đồng nghị
Nhưng ngoài các vấn đề liên quan đến phụng vụ, giáo hoàng đặt hành động của ngài vào sự kế tục của công đồng, đặc biệt là trong việc triệu tập các thượng hội đồng: các thượng hội đồng giám mục với một chủ đề cụ thể – như gia đình, người trẻ hoặc Amazon -, hoặc một cách tiếp cận rộng hơn như cách tiếp cận gần đây đã được thực hiện với Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội.
Đức Phanxicô không muốn phụng vụ trở thành “chiến trường”
Chính xác là trong một năm nữa, giai đoạn cuối cùng của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” này sẽ mở ra, khi kết thúc quá trình kéo dài hai năm nhằm vận động tất cả giáo dân công giáo. Giáo sư Massimo Faggioli giải thích: “Công đồng Vatican II đã mở ra những thời điểm thảo luận, tranh luận, giữa người công giáo, điều mà trước đây không thể tưởng tượng được. Công đồng chính xác tạo khả năng thảo luận bên ngoài công đồng, cho phép tất cả mọi người tham gia, chứ không chỉ dành riêng cho giám mục.”
Gần đến ngày kỷ niệm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, các nhà tổ chức thượng hội đồng đã không thể không tuyên bố về di sản của nó. Trong một tuyên bố ngày 10 tháng 10: “Mục đích của thượng hội đồng đã là và vẫn là mục đích kéo dài, phong cách của Công đồng Vatican II trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.”
Gần đây, trong lời nói đầu của một quyển sách xuất bản ở Ý, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Công đồng đáng kể Vatican II, được Thánh Gioan XXIII hết lòng mong muốn và được Thánh Phaolô VI kết thúc thành công, là một sự kiện ân sủng cho Giáo hội và cho thế giới”. Ngài mô tả “đây là sự kiện mà hoa trái vẫn chưa cạn kiệt. Công đồng đại kết cuối cùng vẫn chưa được hiểu đầy đủ, được sống và được áp dụng. Chúng ta đang trên đường đi.”
Ba năm làm việc
Công đồng đại kết Vatican II được Đức Gioan XXIII khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962, diễn ra trong bốn phiên họp. Và Đức Phaolô VI đã tuyên bố thông điệp cuối cùng ngày 8 tháng 12 năm 1965.
Công đồng thông qua bốn hiến chương, ba tuyên bố và chín sắc lệnh.
Trong số các văn bản này, bốn hiến chương Lumen gentium,
Hiến chế Tín lý về Hội thánh, Dei Verbum, Hiến Chế Mặc Khải, Sacrosantum concilium Hiến chế Phụng Vụ Thánh, Gaudium et spes Tóm Lược Hiến Chế Mục Vụ, lần lượt đề cập đến các chủ đề về Giáo hội, mạc khải thần linh, phụng vụ và Giáo hội trong thế giới thời đại chúng ta.
Các sắc lệnh liên quan đến các chủ đề khác nhau như việc chăm sóc mục vụ của các giám mục, chức vụ và việc đào tạo các linh mục, đời sống tu trì hoặc đại kết.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch