Suy tưGóp nhặt

Chúng ta có lẽ nên cô đơn

Khi viết những dòng này la lúc tôi tách mình ra khỏi một đám đông ồn ào, cùng với chiếc headphone và một vài bản Sonate trong chiếc máy nghe nhạc đã cũ.

Có lẽ tôi không cần thiết cho những cuộc cãi vã như vậy !

Dạo gần đây, tôi hay nghĩ nhiều về cô đơn.

Đã có một lần nào đó rất cô đơn, tôi không còn nhớ chính xác nữa. Tôi nằm một mình trên sân thượng ngắm nhìn thành phố trẻ này đang chuyển mình để lớn dậy, một sức sống mãnh liệt với hơi thở của giao thông đô thị và công trường xây dựng. Rồi sau đó. Tôi lặng lẽ ngước lên những vì sao trên trời. Mỗi vì sao ở một góc khác nhau, chúng tách nhau ra hoàn toàn, lấp lánh lung linh. Đẹp. Rất đẹp. Tôi tự hỏi vì sao đó đẹp là do đâu ? Có phải là cô đơn hay do tự do mà có ! Hay là do cả hai ?

Tôi nghĩ, cô đơn có lẽ là đặc sản của tuổi trẻ, và theo lo-gic thường chúng ta ai cũng muốn xô nó, tránh nó thật xa. Tôi đã từng. Hôm nay, tôi muốn viết về cô đơn không tuổi của chúng ta.

Như đã nói từ đầu, có lẽ trong đời chúng ta đều có những lúc không còn tha thiết với những ồn ào bận rộn, chỉ muốn tách ra khỏi mớ hỗn độn đó mà thu vào một cõi riêng của chúng ta. Cái cõi riêng đó, tôi hay gọi nó là sự cô tịch, tĩnh lặng. Có sai không khi nói tận cùng của cô đơn là tự do, một sự tự do hoàn toàn không còn vướng víu đến ai hay bất cứ điều gì, chỉ mình ta với ta. Có lẽ trong thế giới đó, chúng ta được cảm nếm một cách sâu xa về mọi thứ, về thế giới, về con người và về cả chúng ta. Trở về với bản ngã cao nhất của con người là hòa mình vào thế giới tâm linh của vũ trụ, là chết đi sự lệ thuộc và sống lại sự yêu thương, một cách tròn đầy và viên mãn nhất.

Dù ít, dù nhiều. Chúng ta có lẽ nên cô đơn.

Cô đơn để biết được rằng khi lệ thuộc, bám víu một thực thể trần thế thật kinh hoàng và khủng khiếp. Nó như thể bào mòn và giết chết đi tâm hồn con người ta vậy, cô đơn về giá trị, nó nằm ở việc chữa lành. Nó có cách vận hành riêng của nó, cũng như hạnh phúc và niềm vui vậy. Vì chúng ta không hiểu nên có cái nhìn sai lệch, và hành động sai lầm nhưng mọi thứ đều có giá trị của riêng nó cả.

Tìm về với chính mình trong cô đơn, là tìm về với cõi hư vô và kết thân với chính bản ngã, từ đó làm hòa với chúng. Trong tĩnh lặng. Trong thế giới của thiên nhiên, trong cõi đất trời và trong cõi lòng của chính mình.

Nếu hạnh phúc, bình an là đích điểm của nhiều người, thì cô đơn chính là nấc thang để đưa con người ta đến trạng thái đó. Chúng ta không thể phủ nhận nó, không thể tránh nó, từ bỏ nó, vậy tại sao chúng ta không ôm chầm lấy nó và vỗ về nó. Phải cần những ngày như thế, những trạng huống cảm xúc như thể để ta biết trân trọng thế giới này, cuộc sống hạnh phúc với niềm vui ta đang có. Đó có lẽ là hai mặt của một vấn đề mà triết học hay trình bày, bấy lâu nay tôi vẫn không hiểu. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu, và sẽ cố gắng để sống. Khi cô đơn đi, niềm vui lại đến, trọn vẹn hơn, tràn đầy hơn, sâu hơn.

Chẳng ai sống thật lâu giữa nhân gian này cả, hãy chúc cho nhau sống thật sâu giữa thế giới này, và hãy trân trọng mọi thứ trong cuộc đời này, dù đó là gì đi nữa, rồi mọi thứ cũng qua.

Trong tiểu thuyết Nhà giả kim của tác gia Paulo Coelho có một trích đoạn thế này:

Gió bảo tôi rằng bạn biết về tình yêu”, cậu nói với mặt trời. “Nếu đúng thế thì bạn cũng phải biết về Tâm linh vũ trụ vốn được hình thành từ tình yêu”.

“Từ trên cao này”, mặt trời đáp, “Tôi có thể trông thấy Tâm linh vũ trụ. Chúng tôi vẫn cùng hợp lực làm cho cây cỏ lớn lên, khiến cừu biết tìm bóng mát. Từ chỗ này của tôi- xa mặt đất lắm nhé- tôi học được cách yêu. Tôi biết chỉ cần mình xích lại gần mặt đất một chút xíu thôi cũng đủ khiến mọi vật bị hủy diệt và Tâm linh vũ trụ không còn tồn tại được nữa. cho nên cả hai chúng tôi thân ái ngắm nhìn nhau; tôi cống hiến ánh sáng và hơi ấm còn nó cho tôi lẽ sống”

“vậy là bạn biết về tình yêu rồi”, cậu nói.

Yêu thương là chết đi vì nhu cầu của nhau, là trọn vẹn của cô đơn của tự do. Bạn không cần ai và cũng không để ai cần mình một cách cá vị; không ai thuộc sở hữu của ai cả, vì thế như tôi nói từ đầu bài; tận cùng của cô đơn là tự do. Là bạn sẽ đi con đường của bạn, không vướng bận:

Thưa thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đức Giê- su trả lời : ‘‘con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Đó có chăng là một thực tại vui thú mà có lẽ, là con người Ki-tô hữu nên nghĩ tới, nên hướng tới?.

Cuối cùng, khi cô đơn tôi thấy có được sự bình tâm, mà trong Linh thao Bình tâm (indifferentia) là giữ lòng không nghiêng chiều, cũng không ác cảm đối với điều này hơn điều kia, nhưng hoàn toàn sẵn sàng theo ý Chúa.

Xin cảm tạ Chúa đã cho bạn cho tôi gặp nhau, và xin chúc cho bạn cho cả tôi, có được sự tĩnh lặng, bình tâm trọn vẹn như câu kết trong bài mà tôi gửi gắm. Amen.

Que Diêm

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button