Hồng y Robert Sarah: “Linh mục không phải là người như những người khác”
Theo hồng y người Guinea Robert Sarah, cựu bộ trưởng Bộ Phụng tự, cuộc khủng hoảng Giáo hội đang trải qua trước hết là “cuộc khủng hoảng linh mục”. Trong một phỏng vấn trên tạp chí Đức Vatican Magazin, và trong bối cảnh các cuộc tranh luận gay gắt xung quanh đường lối thượng hội đồng Đức, hồng y Sarah cho rằng, nhận thức về Giáo hội theo các tiêu chuẩn của “cấu trúc bên ngoài và chính trị” làm sai lệch các cuộc tranh luận.
Hồng y ghi nhận có một sự nhầm lẫn ngày càng tăng giữa vai trò của các linh mục, đã tạo những ghen tị và tranh chấp, ngài lặp lại, không thể chấp nhận các linh mục “đảm nhận vai trò của giáo dân khi tham gia vào chính trị thay vì rao giảng Tin Mừng”, ngài cũng không chấp nhận giáo dân làm các nhiệm vụ của giáo sĩ. “Có đầu, có tay, có mắt, có tai…, nếu tai muốn đóng vai trò của chân thì cơ thể không còn đi được hay nghe được gì. Mọi người phải ở vị trí của mình, trong vai trò của mình theo định nghĩa của Giáo hội và trong hài hòa”.
Đề cập đến các cuộc tranh luận về việc cải tổ Giáo hội, hồng y Sarah nhấn mạnh đến sự thánh thiện của Giáo hội. Vì vậy, ngài cho rằng, chính chúng ta phải cải cách chính mình. Hồng y nhấn mạnh: “Giáo hội là chúng ta, là bạn là tôi, chúng ta cùng nhau. Khi chúng ta làm ô uế chính mình, chúng ta làm ô uế Giáo hội.” Ngài cũng nhấn mạnh mọi người đều đã làm sai Giáo hội, không chỉ các linh mục bị buộc tội lạm dụng. Ngược lại, hồng y nêu bật tấm gương chức thánh của Đức Gioan-Phaolô II, người đảm nhận sứ mệnh của mình đến cùng, đến sỉ nhục khi căn bệnh của mình bị phơi bày trước công chúng.
“Một giáo hoàng đau đớn và nói khó khăn là không thể xuất hiện trước xã hội. Nhưng khi làm điều này, ngài đã cùng đóng đinh với Chúa Giêsu Kitô. Những chiếc đinh xuyên qua bàn tay của Chúa Giêsu như xuyên qua tay của Đức Gioan-Phaolô II. Ngọn đòng đâm qua trái tim Chúa Giêsu đã đi qua trái tim Đức Gioan-Phaolô II.” Theo hồng y Sarah, theo cách này, giáo hoàng hấp hối đã cho thấy chức tư tế không phải để “làm gì đó” hay để “có ích” nhưng để dẫn đến Chúa qua đau khổ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch