Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai tuần XXX TN, Năm C

Tin mừng Lc 13, 10 – 17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”. Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

Suy niệm

 Trong tông huấn Gaudete et Exsultate, số 105; ĐTC Phanxicô nói: “Lòng Thương Xót không chỉ là một nét đặc trưng nơi hành động của Thiên Chúa. Đúng hơn, nó còn trở thành tiêu chuẩn mà theo đó, người ta có thể nhận ra ai là những người con đích thực của Ngài.”

Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót người phụ nữ bị tê liệt bởi một căn bệnh khiến bà không thể đứng thẳng được. Chúa Giêsu giải thoát bà khỏi sự trói buộc của bệnh tật vào ngày Sa-bát. Nhưng lòng thương xót của Ngài lại bị đe dọa bởi một ràng buộc pháp lý của luật lệ, khi thấy Chúa Giêsu chữa bệnh, ông trưởng hội đường phẫn nộ vì thấy Chúa không giữ luật ngày Sa-bát: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sa-bát!” Khi nói như thế, người nghe tưởng rằng anh quan tâm chăm sóc đến sức khỏe cho Thầy thuốc và ra vẻ giữ luật. Nhưng không, ông ta đang biện minh cho thói đạo đức giả của mình. Một người bệnh cần phải được cứu ngay bất kể ngày nào, giờ nào thế mà ông không muốn bà này được chữa ngay. Ông nại đến luật lệ bắt bà phải đợi cho hết này Sa-bát mới được chữa lành. Ông đã không tỏ lòng thương xót người khác lại còn cảm trở lòng thương xót của Chúa nữa. Nhưng lòng thương xót của Chúa không thể bị ràng buộc hay bị trì hoãn, hoặc bị dập tắt bằng việc giải thích sai lầm, câu nệ về luật ngày Sa-bát.

Chúa Giêsu dạy cho người Do Thái một tinh thần mới của lề luật khi nói: “Ngày Sa-bat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bat”. Chúa nhìn ra nỗi khổ đau mà người phụ nữ phải chịu trong mười tám năm. Qua hoàn cảnh của người phụ nữ này, Chúa cho ta thấy sự sống và giá trị của con người thật cao quý. Tình yêu thương và sự thấu hiểu cao cả hơn tất cả những nghi thức tuân giữ bên ngoài. Nước của Thiên Chúa cao hơn luật ngày Sa-bát. Ý nghĩa của ngày Sa-bát được thể hiện bởi những việc làm đầy lòng thương xót đối với những người khao khát sự an ủi, bình an của Thiên Chúa và được “nghỉ ngơi” khỏi nỗi thống khổ của họ.

Đó cũng là lời mời gọi mỗi người chúng ta tự hỏi: Tôi thực sự là người có lòng thương xót hay tôi để cho mình bị tê liệt bởi sự nệ luật? ĐTC Phanxicô nói: “Cách tốt nhất để phân định xem việc cầu nguyện của chúng ta có chân thực hay không, đó là xét xem mức độ mà đời sống chúng ta được biến đổi trong ánh sáng của lòng thương xót.” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 105).

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con tỏ lòng thương xót với tha nhân như chính mình và như Chúa đã xót thương. Vì yêu thương là chu toàn lề luật. Xin giúp chúng con nhận ra rằng lề luật đăt ra, có sau con người, phục vụ con người và giúp con người xa tránh điều xấu và làm điều tốt. Xin cho chúng con can đảm chọn lựa như Chúa là dám hành động vì con người, giải thoát con người khỏi những khổ đau nguy hiểm, cho dù bị người đời kết án phạm điều luật này hay quy định kia. Xin giúp chúng con cùng chịu đau khổ và vui vẻ chấp nhận uống chén đắng vì yêu Chúa và yêu anh chị em mình như lời ĐTC Phanxicô nói: “Những ai thực sự mong muốn tôn vinh Thiên Chúa bằng đời sống của mình, những ai thực sự khao khát lớn lên trong sự thánh thiện, họ được mời gọi chuyên chăm và bền bỉ trong thực thi các công việc của lòng thương xót”. Amen.

(Tông huấn Gaudete et Exsultate, 107).

 Nt Anna Nguyễn Thị Nha. SLE

Bài viết liên quan

Back to top button