Đây bài ca nghìn trùng
Ngày 24 tháng 11.
Đây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Đức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài cả nghìn trùng, một bản tình cả muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thật tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình”.
Đây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài cả nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Đức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tức tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xoè ra như muốn nói: “Vâng, con hoàn toàn yêu mến và vâng phục ý Cha”, và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: “Vâng, Ta trọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ đến giọt máu cuối cùng”.
Đây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một qui luật muôn thuở của Tin Mừng do Đức Giêsu rao giảng: “Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh được nhiều hạt khác”.
Đây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được xướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình cả của Chúa Giêsu: “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình”.
Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắc đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá. Không hiểu vì lý do vì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họi gọi đó là “Quá khoá” để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm nghìn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước ua thập giá, dấu hiệu của Đấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình”.
Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt Nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Đấng chết treo trên thập giá để: Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu. – Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình. – Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứng lặng yên, không quá khó, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Đức Giêsu đã nêu gương.
Mỗi người chúng ta hãy học nơi các ngài lòng tin vững vàng, lòng phó thác tuyệt đối, lòng hy sinh quảng đại luôn hiến thân vì nước trời. Giọt máu các ngài gieo xuống đã trổ sinh nhiều hoa trái cho quê hương Việt Nam. Tạ ơn Chúa đã ban cho quê hương Việt nam chúng con có nhiều chứng nhân đức tin anh dũng. Chính nhờ các ngài, ngày nay chúng con được làm con cái Chúa và được biết Chúa. Xin tri ân Chúa và cảm tạ các ngài. Những anh hùng tử đạo Việt Nam.
Xương Rồng