“Con đường đồng nghị của Giáo hội Đức bị cận thị”
Các giám mục Đức trong chuyến đi ad limina tại Rôma từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 11 – 2022.
la-croix.com, Elodie Maurot, 2022-11-21
Giáo sư tiến sĩ, thần học gia, nhà trị liệu tâm lý Đức Eugen Drewermann
Theo thần học gia và nhà trị liệu tâm lý Đức Eugen Drewermann thì hệ thống giáo hội và diễn từ của Giáo hội về tình dục là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Rất suy tư về chiến tranh, giáo sư nghĩ rằng chiến tranh Ukraine sẽ không thể giải quyết bằng vũ khí.
Ngay từ những năm 1980, giáo sư đã chỉ trích mạnh mẽ tác động khống chế của chủ nghĩa giáo sĩ trên Giáo hội công giáo, xin giáo sư cho biết quan điểm của giáo sư về cuộc khủng hoảng hiện nay trong Giáo hội.
Giáo sư Eugen Drewermann: Vấn đề này đã có từ nhiều thế kỷ trước. Từ năm 1215, khi giáo hoàng Innocentê III kêu gọi thập tự chinh để chống lại người cathare. Lần đầu tiên, Giáo hội công giáo định nghĩa tội phạm tư tưởng. Từ đó Giáo hội thấy vai trò của mình trong việc nhận diện và áp chế những tội phạm tư tưởng. Trước hết họ làm ở cấp độ giáo điều, sau đó ở lãnh vực tư tưởng và các xung năng… Vào thế kỷ 16, Luther đã mở các nhà dòng và cho phép mục sư kết hôn, nhưng cho đến nay, Giáo hội công giáo không muốn nghe đến chuyện này. Thay vào đó, họ cho thấy một đạo đức giả không thể nói được, liên quan đến tình dục con người.
Như thế theo giáo sư vấn đề rất sâu đậm?
Không phải chỉ vấn đề Giáo hội che đậy các trường hợp lạm dụng. Nó còn là cấu trúc của một hệ thống thúc đẩy những người thực chất là người có thiện chí đi dụ dỗ và lạm dụng trẻ em, vì họ bị khuyên bảo xấu, bị tháp tùng xấu. Tôi chưa bao giờ gặp một linh mục nào muốn chịu chức để đi dụ dỗ trẻ em. Một số vào ẩn trong chủng viện vì họ sợ khuynh hướng đồng tính của mình và sau đó, điều tệ hơn là họ trốn… Trong tiếng lóng của ngành phân tâm học, chúng tôi nói đó là sự trở về của người bị dồn nén. Tất cả những điều này Giáo hội vẫn chưa hiểu. Ngoài công cộng, họ cho rằng các người phạm tội là đạo đức giả, là kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, là kẻ khốn nạn phải bị trừng phạt. Đó là cách không muốn tìm tòi gì để hiểu. Gần đây tôi viết một chuyên mục ở Đức yêu cầu bảo vệ những linh mục đã phạm tội, bảo vệ họ khỏi những cuộc săn lùng như săn phù thủy đang hoành hành lan trên báo chí.
Theo giáo sư, Con đường thượng hội đồng Đức hiện nay có khả năng đưa ra câu trả lời không?
Con đường này mang một chứng cận thị nào đó. dĩ nhiên điều quan trọng là giáo dân phải tham gia vào các quyết định. Bây giờ Giáo hội đại diện cho chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng (ở Châu Âu). Chỗ đứng của phụ nữ cũng phải thay đổi. Nhưng có nguy cơ là đi tìm để có được biến đổi mà không thay đổi lối suy nghĩ tâm linh của thể chế này. Vì thế chúng ta hành động như thử Giáo hội là một nhóm chính trị, với những đòi hỏi thoái hóa thành đấu tranh giành quyền lực. Ở Đức, chúng tôi là nhà vô địch về chuyện này. Những người hét to nhất là những người thành công nhất. Ví dụ: ngày nay, Giáo hội Đức đang tranh luận về việc có nên dùng cách viết bao hàm trong các bản văn hay không và liệu các thư của Thánh Phaolô khi ngài viết “anh em” có nên thay bằng “anh chị em” không. Dù bản văn hy lạp viết “anh em”… Điều này bắt đầu từ ý tốt, nhưng đây không phải là môn ngữ văn để dẫn đường. Những câu hỏi mà chúng tôi vừa đề cập vẫn chưa thực sự được làm tới nơi tới chốn. Chúng ta bị thôi miên bởi các triệu chứng.
Giáo sư thấy thế nào về cách Đức Phanxicô lãnh đạo Giáo hội?
Tôi đánh giá cao ngài. Ngài thử rất nhiều thứ, không phải là không gặp rủi ro. Sự thật kitô giáo không nằm trong tổ chức, mà là một tổ chức. Đạo công giáo có 1,3 tỷ nam nữ giáo dân. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ làm theo lời kêu gọi của ngài: cam kết với các quốc gia ở Nam bán cầu, giúp người tị nạn, bãi bỏ vũ khí hạt nhân, bãi bỏ chủ nghĩa tư bản như một hình thức kinh tế của sự chết… Kitô giáo cuối cùng sẽ mang một ý nghĩa.
Giáo sư sinh ra trong Thế chiến thứ hai và câu hỏi về hòa bình mà giáo sư nêu ra trong quyển sách gần đây là điều cốt yếu trong thần học của giáo sư. Giáo sư muốn nói gì về cuộc xung đột ở Ukraine?
Câu trả lời của tôi rất đơn giản: “Chớ giết người”, đó là câu trả lời của Kinh thánh. Chúng ta không thể bước qua đống thi thể để rồi tạ ơn Chúa vì chiến thắng. Không thể dửng dưng với sự tàn ác của chiến tranh. Chúa Giêsu chỉ nói: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Vì nếu chúng ta làm thì chúng ta thành người ác hơn cả người ác, kẻ giết người khủng khiếp hơn kẻ giết người.
Theo giáo sư, Ukraine không nên cự lại bằng vũ khí khi đất nước họ bị chiếm đóng?
Chúa Giêsu bảo vệ bất bạo động khi Ngài sống ở quốc gia bị chiếm đóng (kể từ năm 67 trước Công nguyên, Palestine bị các nhóm la-mã chiếm đóng). Trong mắt người do thái, người la-mã đã làm cho đất của họ không còn là Đất Thánh, vì thế có một số người do thái chiến đấu chống lại sự hiện diện này, dẫn đầu một cuộc chiến tranh du kích từ vùng núi Galilê. Chúa Giêsu đến Giêrusalem như Đấng Thiên Sai đến, ngài đi trên con lừa chứ không trên chiến mã trắng. Ngài tự nhận mình như trong sách tiên tri Dacaria (Dcr 9, 9-10), nơi người nhân danh Thiên Chúa đến thế gian này quét sạch chiến xa và làm cho cung nỏ chiến tranh bị gãy. Đó là giải trừ quân bị đơn phương. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 14), thánh sử nói hòa bình này là hòa bình thế giới không thể có được nhưng Chúa Giêsu có thể ban cho…
Diễn từ bất bạo động này có thể được nghe mà không nảy sinh nghi ngờ làm thuận lợi cho chế độ của Vladimir Putin sao?
Trên các tờ báo Đức bây giờ, người ta có thể đọc, “thời của các thiên thần hòa bình đã qua”. Thông điệp hòa bình của Chúa Giêsu là không đúng về mặt chính trị. Lời giải thích thực sự không mới: chúng ta không thể làm chính trị với Bài giảng trên núi. Chúng ta có thực sự nghĩ Ukraine cần thêm bệ phóng tên lửa, đạn pháo, xe tăng, máy bay không người lái, bất cứ thứ gì để ám sát con người không? Chúng ta có trở nên tự do khi chúng ta đủ hiệu năng để giết rất nhiều người đàn ông, phụ nữ và trẻ em không? Đó không phải thuộc về người Nga hay Ukraine, mà thuộc về con người.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch