Tin mừng Lc 1, 26 – 38
Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”. Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.
Suy niệm
Trong bài tin mừng hôm nay thiên thần Gapriel đã truyền tin cho Đức Maria về việc cưu mang Đức Chúa Jesus nhưng có lẽ Đức Mẹ còn rất lo sợ và không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình nhưng cuối cùng mẹ đã sẵn sàng nói lời xin vâng với Thiên Thần các nhà nghiên cứu Kinh Thánh rằng giây phút ấy tất cả như dừng lại và đợi chờ tiếng xin vâng của Mẹ. Nhờ mẹ mà ơn cứu độ đến với nhân loại.
Đối với Thiên Chúa, không có điều gì là không thể không làm được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi sự cộng tác của con người. Thiên Chúa cần sự cộng tác qua tiếng “xin vâng” thuận theo ý Chúa của Mẹ Maria để khởi đầu chương trình cứu độ. Dù rằng chưa thể lường trước được tất cả những gì sẽ xảy ra trong việc thực thi ý muốn của Thiên Chúa, nhưng Đức Maria vẫn đáp lại: “xin vâng” trong một niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa tình thương và đầy quyền năng.Trong bối cảnh Do Thái thời đó, Mẹ biết cái giá phải trả rất đắt, và có thể bị ném đá cho đến chết về việc “chưa chồng mà lại có thai”. Chính vì vậy, lời xin vâng của Mẹ hàm chứa một sự liều lĩnh và hết sức mạnh mẽ và qua đó thể hiện một lòng tín thác tin yêu rất kiên định.
Trong cuộc sống hưởng thụ ngày nay họ không còn muốn nói lời xin vâng với Chúa mà chỉ theo ý của mình thu tích những tiện ích phương tiện hưởng thụ ,và dường như họ lãng quên thánh ý chúa muốn họ làm gì
Noi gương Mẹ ước gì chúng con cũng luôn xin vâng theo thánh ý chúa dù có trái ý hay bao khó khăn thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt là những nữ tu của Chúa không ngần ngại mà nói lời xin vâng.
Nt Maria Bảo Châu. SLE