Cầu nguyện

Sự chọn lựa của chúa

Ngày 30 tháng 12.

Vào dạo tháng 12/1987, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger, đương kiêm Tổng Giám Mục Paris, Pháp quốc, đã cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề “Sự chọn lựa của Thiên Chúa”. Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc hành trình đức tin của ngài.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thày Rabbi uyên thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với đức tin Công Giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của Jean Marie dĩ nhiên đi ngược lại với xác tín của gia đình, nhất là mẹ của cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở qua trại tập turng Đức quốc xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: “Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công Giáo. Đây là một cơn bệnh hiểm nghèo”.

Nhưng tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Cũng giống như thi sĩ Paul Claudel khi ngắm nhìn ánh nến lung linh trên bàn thờ, bỗng nhận ra tiếng gọi của Chúa, Jean Marie Lustiger cũng đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy một ngày thứ Năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính toà Orleáns. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống vắng… Nhưng chính trong mỗi trống vắng của ngày thứ Sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.

Qua quyển tự thuật trên đây, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng “ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Đấng cứu thế trong nhân loại là một mầu nhiệm của lòng thương xót”. Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Đức Hồng Y Lustiger, hy vọng, chính là tin rằng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.

Tin Mừng được loan báo như một vết dầu loang. Chính nhờ trung gian của nhiều người khác nhau mà Thiên Chúa ngỏ lời với con người. Nói như thi sĩ Paul Claudel, Thiên Chúa viết bằng những đường cong. Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mỗi một biến cố xảy đến, mỗi một cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của những biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày thứ Sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật, mất mát: tiếng nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.

Chúng ta biết rằng cuộc đời của mỗi người trong chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Mỗi người chúng ta không phải là một con số trong năm tỉ người đang sống trên mặt đất, nhưng là một lịch sử cá biệt trong tình thương của Chúa. Tiếng Chúa gọi chỉ ngỏ với từng người mà thôi. Tên gọi của từng người chúng ta có một âm vang đặc biệt trong tiếng gọi của Chúa. Mỗi người chúng ta chỉ có thể nói: Thiên Chúa yêu thương gọi và chỉ gọi mình tôi mà thôi… Trong muôn nghìn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy lặp lời lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: “Thiên Chúa là Tình yêu”, Ngài đang yêu thương tôi.

Thiên Chúa yêu con người cách lạ lùng, và cứu chuộc con người còn lạ lùng hơn nữa. Yêu đến chết và chết  một cách đau thương. Thế nhưng, Ngài vẫn cô đơn mỗi ngày, vẫn bị phản bội từng giây phút qua cách sống và lời nói giả dối của chúng ta. Hãy thinh lặng hồi tâm và trở về bên lời Chúa. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa vẫn còn mãi, tình thương của Chúa chẳng bao giờ phai.

Xương Rồng

Bài viết liên quan

Back to top button