Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Nam Sudan: “Giáo hội đã góp phần xây dựng ý thức cho đất nước”
Nam Sudan là nước có đa số người dân theo kitô giáo, độc lập từ năm 2011 nhưng chìm trong nội chiến mà dù đã có thỏa thuận hòa bình năm 2018 nhưng nội chiến chưa bao giờ thực sự kết thúc ở đây. Tổng giám mục giáo phận Juba hy vọng chuyến đi của Đức Phanxicô đến Nam Sudan sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị giữ lời hứa hòa bình của họ.
la-croix.com, Augustine Passilly, Juba, 2023-02-03
Đức Phanxicô tại Dinh Tổng thống ở Juba ngày thứ sáu 3 tháng 2 – 2023.
Xin cha cho biết cha mong chờ gì ở chuyến đi của Đức Phanxicô?
Tổng giám mục Stephen Ameyu Martin Mulla: Tôi muốn ngài nói chuyện với các nhà lãnh đạo của chúng tôi, để họ hiểu bây giờ là lúc vượt qua việc ký kết các thỏa thuận hòa bình. Họ phải bắt đầu làm việc vì lợi ích chung cho dân chúng, người dân đã đau khổ quá lâu. Họ phải đoàn kết, chung sức để người dân không còn sống trong bạo động.
Chúng tôi mong ngài đặt vấn đề về di sản tích cực mà các nhà lãnh đạo có nhiệm vụ mang lại cho hòa bình và hòa giải. Mỗi người đều có những ý tưởng riêng, quan trọng với họ và với những người cùng đảng với họ, nhưng những khác biệt này không thể ngăn họ thống nhất để vạch ra một vận mệnh chung.
Cha sẽ gởi thông điệp gì cho ngài?
Tôi sẽ xin ngài đừng mệt mỏi với người dân Nam Sudan và các đại diện của họ, giống như trường hợp của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng trong khu vực của chúng tôi. Tôi chia sẻ mối quan tâm của họ. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra vào cuối ba năm chuyển tiếp được lên kế hoạch ban đầu và sẽ kết thúc vào ngày 22 tháng hai tới đây.
Các nhà lãnh đạo chúng tôi đã không thể thực hiện hiệp định hòa bình trong ba năm qua, làm thế nào họ sẽ làm được trong hai năm tới? Nhưng tôi tin Thần Khí của Chúa hoạt động trong lòng mỗi người. Thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo cho thấy một nền tảng chung để trên đó mọi việc có thể phát triển. Tôi sẽ xin Đức Phanxicô cầu nguyện cho hòa bình ở Nam Sudan để chúng tôi tìm ra con đường thống nhất và hòa giải.
Vì sao gần 12 năm giành độc lập, người dân Nam Xu-đăng vẫn chưa được sống trong hòa bình?
Vì thiếu quyết tâm áp dụng nội dung và tinh thần của hiệp định hòa bình. Kể từ khi ký kết, tôi không thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong hành vi giữa các nhà lãnh đạo chúng tôi. Mục tiêu của họ vẫn là duy trì vị trí đứng đầu nhà nước để chia sẻ của cải đất nước. Vì thế những người này không quan tâm đến việc kết thúc chiến tranh. Họ đã quên chương trình ban đầu của họ và chỉ dựa vào bạo lực.
Chiến thuật của họ là hỗ trợ các nhóm vũ trang nhỏ trên toàn lãnh thổ, nghĩ rằng những xung đột này sẽ cho phép họ loại bỏ các đối thủ cạnh tranh để áp đặt mình là một bên duy nhất. Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM), lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập, vẫn chìm trong hệ tư tưởng cộng sản phản đối hòa bình. Bất cứ khi nào nhóm này kêu gọi đàm phán, thực ra là để có thời gian củng cố vị thế của chính mình.
Giáo hội công giáo đóng vai trò gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhiều mặt này và nói chung là việc xây dựng cho Nam Sudan một bản sắc?
Giáo hội công giáo đã đi đầu trong sự phát triển của người dân Nam Sudan. Chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực giáo dục và ở một số vùng, chúng tôi quản lý nhiều trung tâm y tế hơn chính phủ. Nhưng trên hết, chúng tôi đã góp phần xây dựng ý thức cho người Nam Sudan. Nếu chúng tôi đã thành một quốc gia, thì một phần nhờ sự đầu tư của Giáo hội để giải phóng người dân về mặt tinh thần.
Ngay cả ngày nay, chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng bản sắc này bằng cách giúp giáo dân hiểu được thế nào là tinh thần đoàn kết. Chúng tôi kiên quyết phản đối chủ nghĩa bộ lạc, vì chúng tôi tin vào sự bình đẳng giữa nam và nữ, dù họ thuộc sắc tộc hay chủng tộc nào. Ngay cả khi chúng tôi thừa nhận điểm yếu của chính mình. Khi tôi được bổ nhiệm làm tổng giám mục Juba, một số người đã phản đối vì tôi đến từ miền đông chứ không phải từ thủ đô. Bất chấp tất cả, Giáo hội luôn thể hiện sự kiên cường và tiếp tục đấu tranh để củng cố sự đoàn kết giữa những người Nam Sudan.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch