Giáo hội bệnh nặng, nhưng phương thuốc đưa ra không đúng mức
Theo linh mục Jean-Thomas de Beauregard, Giáo hội đang bị bệnh, nhưng các phương thuốc đưa ra là không đủ. (Ảnh minh họa) Corinne Simon/Ciric
Giáo hội công giáo và các bác sĩ tưởng tượng của Giáo hội
la-croix.com, linh mục Dòng Đa Minh Jean-Thomas de Beauregard, 2023-02-07
Theo linh mục Jean-Thomas de Beauregard, Giáo hội bệnh nặng, nhưng các thuốc chữa đưa ra không đúng với tầm mức bệnh, vì “được chế tạo ở một thời khác khi các vấn đề đã hoàn toàn khác”.
Công giáo phương Tây đang bệnh: việc giữ đạo rơi rụng, ơn gọi linh mục ở mức thấp nhất mọi thời, các vụ lạm dụng tình dục và thiêng liêng ngày càng nhiều, giáo dân không còn tin ở các nhà cầm quyền giáo hội… Nếu bệnh nhân là bệnh thật, không phải bệnh tưởng, thì rất nhiều bác sĩ bên đầu giường bệnh nhân lại giống như trong hài kịch của Molière: nhà xã hội học kêu lên: “Đây đúng là bệnh thận!”; nhưng một nữ tu vặn lại: “Không phải, đây là bệnh dạ dày!”; nhà thần học kết luận khá ngạc nhiên và hãnh diện khi có người nhờ đến mình chẩn bệnh: “Quý vị không nghĩ đây là bệnh phổi à?”
Xung quanh bệnh nhân, các bác sĩ đủ mọi chuyên ngành hối hả lo, trong khi đám đông thờ ơ, vì với họ bệnh nhân đã chết, đã chôn và nhất là đã bị lãng quên trong một thời gian quá lâu. Về phần mình, dân Chúa xem đây là tấn trò đời, họ quay mặt đi mang tâm trạng vừa phẫn nộ vừa hoài nghi trước màn kịch câm lố lăng thảm thiết này.
Dự đoán xuất huyết
Bệnh nhân không phải là bệnh tưởng, nhưng các bác sĩ biên toa cầm máu như cha con Diafoirus trong vở kịch: họ thường có tuổi cao của người cha, hiểu biết không chắc chắn của người con trai, lại còn hơn vậy nữa, sự kém hiệu quả của cả hai. Nếu có một phép lạ khoa học nào trong việc này thì cần ghi nhận, trong và chung quanh xác chết Giáo hội, các hóa thạch tự tái tạo.
Nhóm bác sĩ được cấp phép là một trò hề: các thần học gia muốn lật đổ nhưng được thể chế tài trợ, họ ca điệp khúc cũ của chủ nghĩa cấp tiến, họ bắt chước người mác-xít hoặc người theo chủ nghĩa cực đoan: “Nếu phương thuốc của chúng tôi chưa chữa khỏi, thì quý vị phải tăng liều gấp đôi”; các tu sĩ của các hội dòng đã không có ơn gọi từ ba mươi năm nay đang ca những công thức không thể sai lầm của họ để khám phá lại đời sống tu trì đích thực và những hiệu năng hão huyền; các nhà xã hội học hoặc sử gia kết hợp chẩn đoán thường đúng với các biện pháp khắc phục, nhưng lại nằm ngoài lãnh vực hiệu năng của họ. Danh sách thuốc men được biên toa đáng được xem xét lại.
Cho phụ nữ chịu chức?
Truyền chức cho các ông hay cho phụ nữ đã lập gia đình để có lại ơn gọi ư? Ngay cả một cái nhìn hời hợt về tình trạng của đạo tin lành tự do cũng đủ để tố cáo sự hảo huyền này, cũng như việc xếp ngang hàng đức tin hoặc đạo đức với các ý tưởng của thế giới đương đại.
Nhiều phụ nữ và giáo dân hơn trong guồng máy Giáo hội ư? Đức Phanxicô thúc giục điều này. Và thực sự nên được thành lập tốt hơn. Nhưng hiệu quả của sự phát triển đáng mong đợi này sẽ bị hạn chế, được minh họa bởi tình trạng của các giáo xứ – nơi phụ nữ và giáo dân nắm quyền điều hành – và của các hội dòng nữ – nơi cũng tồn tại các lạm dụng thiêng liêng và các vấn đề về quản trị.
Phong chức cho các ông đã lập gia đình: một giải pháp đã lỗi thời?
Giáo hoàng đưa ra quyết định của ngài như thế nào
Dân chủ hơn trong quản trị? Đúng, chắc chắn rồi. Uy quyền cần được làm sáng rõ. Nhưng cẩn thận với sự thao túng các quá trình dân chủ của các nhóm thiểu số hành động, như chúng ta thấy trong con đường đồng nghị của Đức.
Khiếm nhã
Cũng có một số khiếm nhã trong việc khai thác bi kịch khủng khiếp của rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng đã trải qua, để bán lại hàng hóa sản xuất một thời nay đã hết hạn, khi các vấn đề đã hoàn toàn khác. Bác sĩ nào tuyên bố mình có thể chữa lành mọi bệnh tật mọi thời đại bằng cùng một phương thuốc, thì bác sĩ đó tự tố cáo mình là lang băm. Trên thực tế, người ta đưa ra cùng một chương trình nghị sự cũ về ý thức hệ, bằng cách khoác lên nó lớp vỏ của cấp bách, của lòng trắc ẩn. Một bức màn khói để ngụy trang tốt hơn cho việc từ bỏ bản chất của đức tin và đạo đức.
Nếu căn bệnh của Giáo hội được gọi là chủ nghĩa giáo quyền, thì theo nghĩa rộng của triết gia Pháp Julien Benda (1867-1956), người đã đưa ra thuật ngữ này khi ông nói về “sự phản bội của các giáo sĩ” để đánh giá thái độ của giới tinh hoa Pháp trước và trong Thế chiến thứ hai. Kết quả là hợp tác với cái ác tuyệt đối. Linh mục, giáo dân, đàn ông, đàn bà, thần học gia hay nhà xã hội học, chủ nghĩa giáo quyền là điều được họ chia sẻ tốt nhất trên thế giới. Và sự phản bội của các giáo sĩ là mẫu số chung của mọi cuộc khủng hoảng.
Một cộng đoàn liên kết bằng đức tin
Trong Tin Mừng, có câu chuyện người phụ nữ mắc bệnh hoại huyết “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác” (Mc 5, 25). Giáo hội là người phụ nữ đó. Người duy nhất có thể chữa lành cho bà là chính Chúa Giêsu. Và các phương thuốc được biết đến, hiệu quả vì chúng đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ chuyên môn của con người được thổi phồng bởi ngọn gió của thời: các bí tích, Kinh thánh, cầu nguyện và hoán cải cá nhân. Và sự dũng cảm của những người ra quyết định. Không có điều này, những điều chỉnh thể chế, nếu có hợp pháp nào đi nữa thì cũng sẽ thất bại.
Giáo hội là một cộng đồng được liên kết bằng đức tin hướng tới sự thánh thiện. Do đó, mọi căn bệnh nghiêm trọng nào ảnh hưởng đến Giáo hội đều liên quan đến đức tin và sự thánh thiện. Những thầy thuốc không còn tin vào mức độ nghiêm trọng của tội lỗi cũng như sức mạnh của ân sủng, thì họ lại càng ít tin vào Phán xét cuối cùng mà hai kết quả thực sự có thể xảy ra – Thiên đàng và Hỏa ngục – làm họ không thể hiểu được tầm quan trọng của hình phạt, đền tội và hoán cải.
Giáo hội là ở đó. Mẹ Têrêxa đã hiểu tất cả điều này, trả lời một phóng viên hỏi Mẹ về những gì cần phải thay đổi, mẹ nói: “Ông và tôi.” Phần còn lại chỉ là chữ nghĩa dở, thuốc men không công hiệu.
Marta An Nguyễn dịch