Suy niệmSuy niệm

Suy niệm Lời Chúa Thứ  Bảy  tuần VI  TN, Năm A

Tin mừng Mc 9, 2 -13

2.Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3.Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4.Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5.Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6.Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7.Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8.Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 9.Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10.Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11.Các ông hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước ?” 12.Người đáp : “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê ? 13.Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

 Suy niệm

Theo trình thuật của Tin Mừng thánh Marco, thì Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần:
– Lần thứ nhất, trình thuật khi Ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  (1, 9-11)

– Lần thứ hai, sau khi Ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó: Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”  (8, 31).

– Lần thứ ba, sau khi Ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá: Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói : “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”  (15, 39)

Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ. Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến tột cùng của phận người, thì Ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao. Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ba ông này đã từng được thấy Ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37), và sẽ được ở bên Ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).

 Khi Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục Ngài trắng tinh rực rỡ. Chúa Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu, vốn được ẩn giấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường. Diễn cảnh Đức Giêsu biến hình, không phải là đổi qua một hình khác, mà là vén mở trong một thời gian ngắn, để cho chúng ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi Ngài. Phêrô và các bạn đã ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy này. Hơn nữa, họ còn thấy cả ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu lúc này nữa. Hai ông này là những người đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18). Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao. Phêrô quá hạnh phúc và say mê với khoảng khắc này nên ông muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi. Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn. Nhưng ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường chông gai phía trước cần phải đi qua nữa.“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Ngài” (C. 7).

Đây là câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Marco. Cha giới thiệu cho chúng ta Con của Cha, và Cha mời gọi chúng ta vâng nghe Ngài. Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây, và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói. Rồi cũng đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi. Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường. Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác. Việc lên núi và xuống núi trong cuộc biến hình của Chúa Giêsu dạy cho chúng ta cần có những khoảng khắc lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa trong cô tịch của cầu nguyện, suy niệm và chiêm niệm, đồng thời cũng là để được Thiên Chúa tiếp sức, nhưng không phải là dừng chân ở đó để tận hưởng mà là sau khi được tiếp sức rồi, chúng ta cần xuống núi với cuộc đời thường để đối diện và đi hết đoạn đường Chúa muốn mỗi chúng ta nơi trần gian này, để rồi lại lên một Ngọn Núi cùng đích khác viên mãn hơn nơi Nhà Cha.

Cầu nguyện

Kính lạy Chúa Giêsu! Nguyện xin sức mạnh của Thánh Thể và Thần Khí Chúa tiếp sức cho con, để con luôn biết dành những khoảng khắc trong ngày sống để lên núi với Chúa trong cô tịch của cầu nguyện, suy niệm, chiêm niệm và kính múc ơn thánh, để con đủ sức đương đầu với mọi thử thách trong đời. Nguyện xin Thánh Linh Chúa dạy con cách lên núi và xin Ngài cùng lên núi với con khi con bước vào những giây phút thánh thiêng trong đời, để con có những khoảng khắc sống thân tình với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Xin giúp con chiêm ngắm khuôn mặt của Thiên Chúa, khuôn mặt đượm nét đơn sơ, bình dị, để lòng con trở nên giản dị. Xin  giúp con cảm được sự hiền hậu của tình yêu bao dung Thiên Chúa, để con biết sống thứ tha, bao dung như chính Ngài. Xin giúp con gặp được những nét sáng tươi rạng rỡ của khuôn mặt Thiên Chúa nơi tha nhân, để con có thể nở nụ cười với cuộc sống, khi bóng tối của sự dữ và khổ đau vẫn luôn sẵn sàng kề bên con.

Lạy Chúa! Xin giúp con có kinh nghiệm lên núi với Chúa, yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe và xin vâng như chính Ngài. Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi thánh thiêng cô tịch sẽ nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hằng ngày. Và ước gì khi xuống núi, con sẽ mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con. Amen

 Nt Ter Nguyễn Thị Kim Yến. SLE

Bài viết liên quan

Back to top button