“Tinh thần thế gian” là gì?
Giữa sự khôn ngoan của loài người và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, giữa tinh thần thế gian và tinh thần của Chúa, chúng ta phải lựa chọn! “Tinh thần thế gian” là một công thức xuất hiện nơi Thánh Phaolô. Những hành vi sai trái của tinh thần thế gian thường bị Đức Phanxicô lên án.
la-croix.com, Gilles Donada, 2023-02-17
Tránh “nguy cơ phục tùng tinh thần thế gian hoặc làm sai học thuyết”… mà vẫn đáp ứng “lời kêu gọi khẩn cấp để đón nhận những người cảm thấy mình bị gạt bỏ”. Đó là đường hướng được tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp lên tiếng trong tài liệu được soạn thảo vào cuối cuộc họp thượng hội đồng châu Âu, được tổ chức vào đầu tháng 2 tại Praha.
Nhưng chính xác cụm từ “tinh thần thế gian” có nghĩa là gì? Công thức này nhắc chúng ta thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. (1Cr 2,12).
Trong đoạn này, Thánh Phaolô chống lại sự khôn ngoan của thế gian so với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, biểu tượng của Đấng Cứu thế bị đóng đinh mà con người không chịu nhận ra. Bà Roselyne Dupont-Roc, học giả Kinh Thánh giải thích: “Tinh thần thế gian là tinh thần ngăn cản việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cũng như nơi những người bé mọn, những người bị khinh miệt, bị áp bức, bị từ chối… Tinh thần này ngăn cản chúng ta nhìn thấy nơi họ phẩm giá. Thánh Phaolô dựa trên “tinh thần đức tin và lòng biết ơn” trong sức mạnh tích cực của phục sinh để chống lại tinh thần thế gian dựa trên chính trị, tôn giáo, trí thức, tinh thần…
Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Điều tệ nhất cho Giáo hội là thói thời thượng thiêng liêng”
Đức Phanxicô đã không ngừng lên án tinh thần thế gian, “tính thời thượng”: một thời thượng tạo thù ghét, hủy diệt Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, thậm chí làm hư hỏng họ và làm hư hỏng Giáo hội” (bài giảng 16-5-2020).
Làm thế nào để phát hiện ra tinh thần của thế gian? Dưới mắt ngài, tinh thần thế gian “dẫn chúng ta đến phù phiếm, kiêu căng, huênh hoang, nói xấu. Rơi vào cạm bẫy của “quyền lực và tiền bạc, chia rẽ, nịnh bợ để thăng quan tiến chức, những ảo tưởng sai lầm về lạc thú và ma thuật”, làm chúng ta thu về với chính mình. (bài giảng tại sân bay Ndolo, Nam Sudan, ngày 1 tháng 2 năm 2023).
Tinh thần thế gian dùng “lừa dối và bạo lực: tham lam, ham muốn quyền lực mà không phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người…” (Kinh Truyền Tin ngày 24 tháng 1 – 2021).
Vẫn theo Đức Phanxicô, tinh thần thế gian phát triển “mầm mống ích kỷ, thù địch và bất công, không chỉ chung quanh chúng ta, mà cả trong tâm hồn chúng ta. Đó cũng là luận lý của tham nhũng, lạm quyền và tham lam đối lập với chính trực, dịu dàng và chia sẻ. (Kinh Truyền Tin ngày 18 tháng 9 năm 2016).
Tinh thần thế gian còn biểu hiện ở loại tư tưởng làm sẵn, đồng nhất, chạy theo sở thích, ham muốn, tước đoạt quyền tự do suy tư về cuộc đời chúng ta. “Tinh thần thế gian không muốn chúng ta tự vấn mình trước mặt Thiên Chúa: tại sao điều này lại xảy ra? (…) Đâu là con đường Chúa muốn cho cuộc đời của tôi?” (Suy niệm tại Nhà nguyện Thánh Marta 29-11-2013).
Theo Đức Phanxicô, thực chất, tinh thần thế gian đe dọa “sự vững chắc căn tính kitô chúng ta” theo ba cách: qua thuyết tương đối, làm che lấp vẻ huy hoàng của sự thật và đẩy chúng ta vào hoang mang và tuyệt vọng; qua sự hời hợt (theo thời trang, tiện ích cả trong khía cạnh mục vụ và trong cuộc sống hàng ngày, những chia trí, phù du, trốn tránh, đào thoát; và qua những câu trả lời dễ dàng, những cụm từ soạn sẵn, những luật và quy định mà Chúa Giêsu đã lên án để tố cáo những kẻ giả hình (Diễn văn trong cuộc gặp các người trẻ ở thánh địa Hàn quốc Haemi ngày 17-8-2014).
Nhận ra tinh thần thế gian và đuổi lùi nó nhờ phân định và chiến đấu thiêng liêng là một phần trong việc làm môn đệ của Chúa Kitô. Đức Phanxicô nhắc, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần. (Kinh Truyền Tin ngày 9 tháng 2 năm 2020).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch