Những ngày Thứ Sáu Tuần Thánh dài của thế giới
by Phanxicovn
Cái nhìn của bà Dominique Quinio tuần này hướng tới những lời kêu gọi hòa bình, có vẻ lạc lõng, nếu không muốn nói là vô ích trước nỗi kinh hoàng mà người dân Ukraine đã phải chịu trong hai tháng vừa qua. Bà Dominique Quinio là cựu giám đốc nhật báo La Croix từ năm 2005 đến 2015. Từ năm 2016, bà là thành viên Ủy ban Tư vấn đạo đức giả Quốc gia.
la-croix.com, Dominique Quinio, 2022-04-25
Một quân nhân Ukraine cầu nguyện sau thánh lễ Phục Sinh tại nhà thờ ở Ivano-Frankivsk (phía tây Ukraine) ngày 17 tháng 4 (ảnh đăng trên La Croix ngày 22 tháng 4). Yurii Rylchuk / Ukrinform / Sipa
Ông dường như một mình trong nhà thờ Ivano-Frankivsk, đắm chìm trong lời cầu nguyện. Mặc bộ quân phục thêu cờ Ukraine, để mũ lưỡi trai bên cạnh, ông cầu nguyện. Một khoảnh khắc im lặng được kính trọng khi chiến tranh đầy âm thanh và cuồng nộ vang dội bên ngoài, dù rất xa chiến tuyến trong ngày chúa nhật linh thiêng này. Ông có cầu nguyện cho quê hương ông chiến thắng trong cuộc chiến chống trả quân Nga tấn công, cho đồng đội đang chiến đấu, cho gia đình mà ông gần như không có tin, cho chính mình không? Cùng với quân nhân này, biết bao nhiêu người trên thế giới này cũng muốn cầu nguyện với ông.
Trong bài suy niệm được viết vào đầu cuộc tấn công của Nga, trước hình ảnh của tàn phá, của chết chóc, khủng bố, di cư, linh mục Christian Delorme viết: “Những ngày này, những người bị đóng đinh đang ở Ukraine… Lạy Chúa Giêsu, những ngày thứ sáu tuần thánh này của thế giới quá lâu.” Đúng, cuộc chiến này quá dài, và vẫn đang tiếp tục một cách gay gắt. Điều gì sẽ xảy ra cho thành phố Mariupol ngày mai và cho người dân, người lính chưa di tản. Mariupol, mà người Nga tuyên bố đã chinh phục, xin lỗi được “giải phóng”, theo luận điệu tuyên truyền của Vladimir Putin và các tướng tá của ông dùng.
Vì thế, làm sao có thể nói lên những lời hòa bình, kêu gọi hòa bình, vận động cho hòa bình mà không bị cho là dửng dưng với sự tử đạo mà người dân Ukraine đã sống? Trong buổi tiếp kiến chung ngày 16 tháng 3, Đức Phanxicô xin giáo dân cầu nguyện theo những lời của giám mục Battaglia, giáo phận Naples: “Lạy Chúa Giêsu sinh ra dưới bom đạn của Kyiv, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi; Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chết trong tay của một bà mẹ trong boongke ở Kharkiv, xin thương xót chúng con; Lạy Chúa Giêsu nơi người quân nhân trẻ 20 tuổi bị động viên, xin thương xót chúng con…”. Trong lời cầu nguyện này, lời khẩn cầu chắc chắn đã đốt cháy trái tim giáo hoàng: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì chiến tranh.”
Chiến tranh là chu kỳ địa ngục trần gian
Sau thế kỷ 20 bị đánh dấu bởi hai cuộc xung đột thế giới khủng khiếp, các giáo hoàng đã không ngừng lên tiếng kêu gọi hòa bình và giải trừ quân bị. Đức Phanxicô đóng góp rất nhiều trong công việc này, ngài tố cáo những cuộc chiến tranh mà các Quốc gia đang tiến hành ở những nơi khác chứ không phải trên lãnh thổ của chính họ, người ta có thể nói, một cuộc chiến được ủy quyền. Ngài mời gọi chúng ta xem lại khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” được chấp nhận cho đến lúc này.
Xung đột bùng nổ ở Ukraine đang làm chúng ta đảo lộn, chúng ta là những người được gọi là “nghệ nhân hòa bình”. Người dân Ukraine, tự do và có chủ quyền, phải và có thể tự vệ trước xâm lược; họ có quyền tham gia kháng chiến, kể cả kháng chiến vũ trang. Và khi họ kêu gọi sự giúp đỡ từ phương Tây, khi người kia, không thể đến chiến đấu bên cạnh họ, để không vì thế mà leo thang chiến tranh thì làm sao chúng ta hiểu được việc gởi vũ khí phòng thủ hoặc ngay cả vũ khí tấn công?
Những hình ảnh về sự tàn phá, những câu chuyện ngoài sức chịu đựng loài người của những người sống sót ở đó, cuộc di cư của hàng triệu người Ukraine bị buộc phải ra đi, giả thiết về tội ác chiến tranh tàn khốc: liệu chúng ta có thể chọn hòa bình “bất cứ giá nào”, đối diện với kẻ thù, kẻ chuyên quyền của Điện Kremlin, kẻ đang tiến hành cuộc chiến với “bất cứ giá nào” không? Nhưng chiến tranh là một chu kỳ của địa ngục trần gian. Xung đột này nuôi xung đột kia. Cuộc chạy đua vũ khí hấp dẫn khao khát chinh phục nơi các nhà lãnh đạo ít quan tâm đến dân chủ và nhân quyền. Chính vòng xoáy chết người này mà các giáo hoàng muốn chống lại. Đức Phaolô VI đã tuyên bố trước cuộc họp Liên Hiệp Quốc: “Không còn chiến tranh, không bao giờ có chiến tranh nữa.” Khi đó chúng ta đang ở giữa chiến tranh Việt Nam.