Văn hóa - Nghệ thuậtGóp nhặt

NHỮNG BÀI HỌC TỪ TRẺ THƠ

Hơn 180 khán giả thân thương của Chương Trình Chuyên Đề đã nhiệt tình tham dự đến giây phút cuối cùng, bài nói chuyện “TÂM LÝ VÀ CÁCH GIÁO DỤC TRẺ TỪ 0 – 6 TUỔI” của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng, vào chiều ngày 04/09/2010 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP.HCM.

Bằng chất giọng truyền cảm và dí dỏm, Ts Bích Hồng đã tinh tế và khéo léo dẫn khán giả về thời ấu thơ, với những tháng năm đầu đời của một đứa trẻ – giai đoạn then chốt định hình nhân cách con người, qua cơ chế bắt chước và hấp thụ nền giáo dục từ người lớn.

Bài nói chuyện tuyệt vời của diễn giả không chỉ là bài học vô giá để khám phá tâm hồn con trẻ, mà còn là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc nghiêm túc kiểm soát lại cách hành xử hằng ngày, và phần nào giải đáp cho một số khán giả điểm mấu chốt của những trục trặc trong tâm lý bản thân.

Là một tham dự viên, tôi ước mong trong tương lai không xa, Ts Bích Hồng có thể thu xếp thời gian, để tiếp tục chia sẻ với khán giả của Chương Trình Chuyên Đề, những đề tài giáo dục trẻ con, nhằm góp phần giúp các bậc phụ huynh biết phương pháp nuôi dưỡng và phát triển nhân cách trẻ tốt nhất, để bộ mặt xã hội tiếp theo mang đậm nét nhân bản và tính nhân văn.

Người ta thường chủ quan cho rằng việc dạy dỗ con cái là quá trình diễn ra một chiều, mà người lớn đóng vai trò chủ đạo trong sự trưởng thành của đứa trẻ. Tuy nhiên, trong cách mà trẻ con sống, có khi người lớn cũng học được hoặc học lại những bài học đắt giá. Chúng ta thường tự hào đã làm nhiều điều cho con cái, nhưng ít chịu thừa nhận rằng chúng cũng giúp người lớn sống tốt đẹp thêm. Trẻ con sống cuộc đời của mình với niềm vui hiện tại, lòng nhiệt tình với mọi thứ, thái độ ham học hỏi, trí óc tò mò và một năng lượng dồi dào. Người lớn có thể học nhiều điều từ trẻ thơ, bằng việc quan sát những gì chúng làm và lắng nghe những gì chúng nói.

Sự ngây thơ và vô tư

Điều căn bản nhất mà chúng ta luôn đồng ý với nhau là trẻ em thật ngây thơ và vô tư. Chúng mau quên và dễ tha thứ. Chúng biết cách đùa giỡn, cười nói và tận hưởng những giây phút vui vẻ mà cuộc sống mang lại. Trẻ con nhìn cuộc đời đơn giản và hạnh phúc với những gì hiện tại chúng có, hơn là những thứ không chắc có trong tương lai, hay những cái đã đánh mất trong quá khứ.

Người lớn thường dễ quên lỗi lầm của mình và khó tha thứ cho người khác. Ngập trong những lo toan của dòng đời, đôi khi nụ cười của chúng ta trở nên gượng gạo và méo mó. Lướt nhanh qua mỗi ngày sống, lắm khi ánh mắt của chúng ta hàm chứa sự vô cảm và xã giao. Người lớn thường phân tích, mổ xẻ và suy nghĩ về nhiều vấn đề. Cuộc đời không còn là que kem ngọt lịm hay một quả bóng đầy màu sắc, mà là môi trường để người ta bành trướng và bảo vệ cái tôi của mình; là bãi hỗn chiến của những cạnh tranh và giành giật; là nơi để tranh thủ kiếm chác và tích góp.

Tính trung thực

Trẻ con luôn sống đúng và không che giấu cảm xúc của mình. Chúng thể hiện tất cả những điều chúng cảm nhận trên gương mặt, nơi mà mọi người đều có thể nhìn thấy. Chẳng bao giờ ta cần phải đoán, vì chỉ qua một cái nhìn đã biết chúng đang vui hay buồn, giận dữ hay cau có. Chúng trung thực và can đảm nói lên điều mình suy nghĩ, điều mình biết và cả điều mình không biết.

Trong khi đó, người lớn thường che giấu cảm xúc của mình, khiến người khác không xác định được họ đang nghĩ gì và cảm giác ra sao. Những cơn giận dữ được che đậy bằng nụ cười bao dung. Những toan tính vị kỷ được ẩn giấu bằng những hoạt động bác ái. Thế giới của người lớn, lắm khi không có hai màu trắng đen tương phản, mà chỉ có tạp màu của sự lẫn lộn thật – giả. Người ta không đủ can đảm nói điều mình nghĩ, sống điều mình tin và thừa nhận điều mình không biết.

Tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống

Hầu hết trẻ con đều rất thích truyện cổ tích. Những câu chuyện thần tiên đầy màu sắc và sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, góp phần làm giàu trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo ở trẻ. Chúng tin vào những điều kỳ diệu của cuộc đời và lòng tốt của tha nhân.

Khi lớn lên, những va vấp với thế giới thực đã khiến con người ta trở nên sợ hãi, và nhiều người đã không thể giữ được cho mình niềm tin ấy. Người lớn thường nhìn cuộc đời bằng đôi mắt nghi kỵ và giữ một khoảng cách tự vệ với người khác.

Tình yêu thương vô điều kiện

Trẻ con không mưu cầu tư lợi gì, không nhân danh ai, nên những lời con trẻ thật chân thành. Chúng cũng chẳng bao giờ có thành kiến hay phân biệt đối xử. Chúng không cần biết bạn giàu hay nghèo, học giỏi hay dở, xấu hay đẹp. Chúng đối xử với tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau.

Còn người lớn chúng ta lại thích giao du với những người giỏi giang; thích kết bạn với những ai có lợi cho con đường tiến thân và công việc làm ăn của mình. Chúng ta thường đòi hỏi quá nhiều, nên đôi khi tình yêu giành cho nhau thiếu sự chân thành, trở nên nặng nề và có tính đổi chác. Yêu thương vô điều kiện đòi hỏi một trái tim bao dung, một lòng cảm thông sâu xa và một thái độ chấp nhận hoàn toàn. Yêu thương vô vụ lợi là bài học tuyệt vời làm thăng hoa cuộc sống của cả người trao lẫn người nhận, mà không phải bất cứ ai cũng có đủ bản lĩnh để lãnh hội.

Yêu thương là đặc tính của con người, bởi ai cũng muốn yêu và được yêu, nhưng không phải lúc nào ta cũng sẵn sàng mở rộng con tim để đón nhận tha nhân.

Khám phá tâm hồn trẻ thơ, chúng ta còn có thể học nhiều bài học khác như nghị lực và tính kiên trì; lòng trắc ẩn với loài vật và tha nhân; chấp nhận cái mình có, hơn là cái mình muốn… Trẻ con trưởng thành từ sự ảnh hưởng và giáo dục của người lớn.

Giữa những thương đau của cuộc sống, giữa những hoen ố của cuộc đời có khi nào chúng ta ao ước trở lại như trẻ nhỏ, để – một lần nữa – sống những chuỗi ngày hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng… ? Phải chăng chúng ta đã đánh mất những điều quý giá đó, trong tiến trình làm người lớn? Hay đó là những điều thật khó giữ gìn, khi ta lớn lên?

Hạt cát

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button