Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

“Tâm linh không phải là một hình thức xuống cấp của tôn giáo”

by Phanxicovn

la-croix.com, Jean-Pierre Denis, Nhà văn và nhà báo. Giám đốc Văn hóa & Tôn giáo của nhà xuất bản Bayard, 2023-02-28

Chúng ta nên lưu ý, ngày nay tâm linh thịnh hành hơn tôn giáo, tác giả  Jean-Pierre Denis cho thấy tâm linh có vai trò quyết định như thế nào trong lịch sử văn hóa, tôn giáo và chính trị của thế giới chúng ta.

Tổng thống Joe Biden muốn ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai. Và ông thấy bà Marianne Williamson trên con đường của ông, ứng cử viên bé nhỏ trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, bà đã thử tranh cử một lần năm 2020. Bà là người viết xã luận, sinh năm 1952 ở Houston, bà viết trên trang Facebook ý định ra tranh cử của mình. Tuy việc ứng cử của bà khó có thể thành, nhưng bà không phải là một ẩn số.

Rất nhiều tác phẩm về phát triển cá nhân của bà đã là sách bán chạy nhất ở Mỹ một thời, nhất là quyển Trở về với Tình yêu (A Return to Love). Một số được dịch ra tiếng Pháp như quyển Thay đổi. Các bài học tâm linh để thay đổi cuộc sống của bạn. Trong khi một số phương tiện truyền thông xem bà là “thầy tâm linh của Thời đại mới” thì việc bà ra tranh cử để cạnh tranh với ông Biden người công giáo nói lên điều gì đó về thời đại.

Các định chế không phải là thời trang

Các đảng chính trị, Giáo hội kitô giáo, các công đoàn và ngay cả các công ty lớn… các định chế không phải là thời trang. Các tầng lớp xã hội thống trị thích mềm hơn cứng rắn, thích chuyển động hơn thường trực, thích chủ quan hơn gắn kết, thích tâm linh hơn tôn giáo. Thật tình chưa ai nói với tôi: “Tôi có một tôn giáo, nhưng nói thẳng, tôi không có một con đường tâm linh nào!”, tôi thường gặp những người muốn “là người tâm linh, nhưng không muốn tôn giáo.” Người ta thường dễ dàng liên kết tôn giáo với chủ nghĩa giáo điều, vì thế họ không dung thứ, vì thế mới có bạo lực. Người ta thường nghĩ, nếu tôn giáo làm tổn thương thì tâm linh làm chữa lành. Tâm linh có phải là cái còn lại khi tôn giáo không còn không, một loại phẩm vật thay thế cho thần thánh trong thời đại vật chất không? Sử gia Charles Mercier viết trên báo La Croix: “Đằng sau tiếng ồn ào của những chiếc khung bị rơi xuống, bị nứt đổ thì có thể có một cuộc cách mạng thiêng liêng đang diễn ra,” không phải là không chế giễu cho những tuyên bố định kỳ lặp đi lặp lại kiểu “sự trở lại của tôn giáo”.

Một số người giễu, tâm linh cũng như các tiệm ăn hàng chuỗi, cứ để khách hàng tự chọn loại salad hoặc loại sandwich, để họ cảm thấy hạnh phúc, thấy được tự do vì thức ăn không lành mạnh đã bị ngụy trang trong chiếc bánh có dưa leo! Đó là chiến thắng của bất cứ điều gì được gọi là kiểm soát. Với văn hóa kép ấn độ giáo và công giáo của thần học gia Raimon Pannikar, ông sẽ vặn lại: “Con người có một  nhận thức nào đó, thấy trong thực tế có một cái gì đó khác, một cái gì  vĩ đại hơn những gì mà cái nhìn của họ có thể nắm bắt được.”

Tâm linh đúng là một yếu tố quyết định trong lịch sử văn hóa, tôn giáo và chính trị. Chúng ta không thể hiểu được các nhà thần bí vĩ đại, các thánh đường gôtic, cuộc tranh cãi của người theo phái khổ hạnh Giăng-xen, hội Tam điểm, cũng như Hiến pháp Hoa Kỳ nếu chúng ta loại đi chiều kích tâm linh của chúng. Cho phép tôi thêm một chút chủ nghĩa chiết trung (khuynh hướng chọn lựa những điểm hay trong các triết thuyết để làm ra một triết thuyết mới) vào danh sách hỗn tạp có chủ ý này để nhắc đến thơ văn của các tác giả Walt Whitman, Emily Dickinson hoặc Victor Hugo, các tác phẩm của Tolkien, Péguy hoặc Simone Weil, bức tranh của Monet, Kandinsky hoặc Rothko, hay sự chống cự của kitô giáo với chủ nghĩa phát xít, cuộc chiến của Gandhi và cuộc chiến của Nelson Mandela, và đến cả cam kết bảo vệ triệt để cho môi sinh của thời đại chúng ta. Nói tóm lại, tâm linh có thể không ở bất cứ đâu, nhưng ở khắp mọi nơi.

Trong quyển sách vừa được nhà xuất bản Presses Universitaires de Louvain phát hành của một tập thể học giả Claude Le Fustec, Myriam Watthee-Delmotte, Éric Vinson và Xavier Gravend-Tirole đã xem xét nghịch lý này, một tâm linh có mặt khắp nơi và khó nắm bắt, hiển nhiên nhưng bị cấm, cấm kỵ nhưng hợp thời trang. Tựa đề cuốn sách khắc khổ, nhưng giá trị của nó thấy rõ: Tâm linh. Một khái niệm hoạt động trong khoa học nhân văn và xã hội (Le Spirituel. Un concept opératoire en sciences humaines et sociales). Tất nhiên, toàn bộ cuộc tranh luận là liệu đây có phải là một khái niệm thực sự hay chỉ là một chữ giản lược và liệu nó có thể thực sự đi vào hoạt động hay không.

Tâm linh, một thách thức cho khoa học nhân văn

Các tác giả tin chắc tâm linh không phải là một hình thức xuống cấp của tôn giáo. Nhưng ngược lại: tôn giáo là tâm linh được thể chế hóa. Nhưng nhất là các nhà nghiên cứu này muốn biến tâm linh thành một thách thức trí tuệ ở trung tâm khoa học nhân văn. Trong khi mô hình thống trị của xã hội tiêu dùng đứng lên chống lại cuộc khủng hoảng sinh thái, các nhà nghiên cứu này xin “suy nghĩ về thế giới trong toàn bộ vật chất-tinh thần của nó”. Thậm chí họ còn vận động để thành lập các chương trình nghiên cứu tâm linh hoặc “nghiên cứu các linh đạo”, cũng như “nghiên cứu về giới tính” hoặc “nghiên cứu hậu thuộc địa”. Lăng kính xuyên ngành mới này sẽ giúp chúng ta có thể nhìn một cách mới mẻ và thống nhất lĩnh vực văn hóa, sinh thái học, quan hệ xã hội, tâm lý học, văn học, âm nhạc, kiến trúc, thần học… Thật thú vị phải không?

Ở Montréal, Canada, nơi một trong các tác giả giảng dạy, có chương trình đào tạo cấp bằng “Nghiên cứu Cấp cao Chuyên ngành, D.E.S.S, về tâm linh và sức khỏe” hoặc chuẩn bị “bằng tiến sĩ về khoa học tôn giáo với chuyên ngành tùy chọn tâm linh”. Trường đại học Québec đảm bảo “các nghiên cứu về tâm linh khai phá công việc đi tìm một trục hiện sinh tích hợp, trong các biểu hiện thế tục hoặc tôn giáo của nó, với quan điểm nghiêm ngặt và phê phán mà khuôn khổ trường đại học cho phép”. Khuôn viên trường đại học Canada tự hào có “chuyên ngành cụ thể đang được phát triển đầy đủ” và “một con đường thứ ba để nghiên cứu tôn giáo hoạt động ở ranh giới, hoặc ỏ giao diện của thần học và nghiên cứu tôn giáo”. Đại học Antioch ở Hoa Kỳ có bằng Cử nhân Nghệ thuật trong lãnh vực này. Những đề xuất này tuy còn ở bên lề có khả năng phát triển không? Đây chắc chắn sẽ là một dấu hiệu của sự “thức tỉnh tâm linh” thường được công bố, và do đó là một tin tốt.

Marta An Nguyễn dịch

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button