Các bằng chứng về sự tồn tại của Chúa: “Nghi ngờ là cấu thành của khoa học cũng như của tôn giáo”
la-croix.com, Christophe Henning, 2023-02-22
Jacques Arnould, nhà sử học khoa học. Tác giả quyển sách: Chúa không cần có ‘bằng chứng’ (Dieu n’a pas besoin de “preuves”, nxb. Albin Michel)
“Người tin không cần đến ‘bằng chứng’ và Chúa lại càng không!” Câu chắc nịch này được tác giả Jacques Arnould đưa ra trong quyển sách của ông khi ông so sánh lịch sử khoa học và đức tin kitô giáo. Một cách có phương pháp, tác giả tố cáo những người theo thuyết tạo dựng đã lợi dụng các khám phá khoa học để biện hộ cho chủ thuyết của họ.
Ông đặt tựa cho quyển sách mới nhất Chúa không cần có ‘bằng chứng’ để ám chỉ đến quyển sách “Chúa. Khoa học, bằng chứng” của hai tác giả Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies được xuất bản tháng 10 năm 2021, quyển sách bán chạy và là một thành công lớn với công chúng. Làm thế nào ông đề cập đến vấn đề này?
Jacques Arnould: Con người tin tưởng nhưng cần bằng chứng: con người cần kinh nghiệm để đặt lòng tin nơi bạn bè, tài xế xe buýt, đồng nghiệp, phi công… Nhưng vì sao khi tin tưởng một cái gì cao siêu, siêu hình, tôn giáo thì con người lại không có cùng ước muốn chứng minh? Về phần tôi, tôi không bao giờ quên, liên quan đến vấn đề Thiên Chúa, chúng ta không khựng lại ở thuyết tạo dựng, nhưng chúng ta vấp ở: đau khổ, bệnh tật, cái chết của người thân, đó là những thử thách khó khăn hơn cho chúng ta.
Làm thế nào để giải thích có một số tín hữu tìm cách củng cố đức tin của họ với khoa học?
Quyển sách của hai tác giả Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies là một minh họa tốt cho điều này: muốn khoa học cung cấp cho chúng ta bằng chứng cái mà chúng ta gọi là thuyết hòa hợp. Với những người theo thuyết này, các khám phá khoa học sẽ xác nhận các quan điểm tôn giáo. Đây là cám dỗ của Đức Piô XII, năm 1951, trước các thành viên của Giáo hoàng Học viện Khoa học, ngài khẳng định khoa học và vật lý thiên văn xác nhận sự tồn tại của một Thiên Chúa tạo dựng.
Vụ nổ lớn? Quá lý tưởng để thành sự thật, đó là dấu vết của thần thánh. Và chúng ta quên, khoa học trước hết là công việc của nghi ngờ, hiếu kỳ, giả thuyết, thử nghiệm, quan sát, những chuyện không bao giờ ngừng thay đổi để tiến lên phía trước. Trong tiến trình khoa học, bằng chứng là thứ phải bị phá hủy hoàn toàn để tiến lên phía trước…
Điều gì thúc đẩy những người đương thời của chúng ta đến kiểu đơn giản hóa này, thậm chí như một biếm họa của khoa học?
Tôi còn muốn đi xa hơn, tôi gọi đây là giả mạo. Có một đam mê khoa học mang đến cho chúng ta những phát minh công nghệ ngày nay, nhưng đồng thời khoa học bị công cụ hóa để có thể giới thiệu các hệ tư tưởng. Một số đi xa đến mức phát triển một khoa học sáng tạo sai lầm, mâu thuẫn với kết quả hữu hình. Nhưng nghiên cứu là con đường suy tư phi thường không trái ngược với đức tin: Tôi lớn lên mỗi ngày nhờ tôi gặp các nhà nghiên cứu cống hiến trí tuệ, thời gian của họ.
Darwin và những người khác cho chúng ta biết chúng ta đang sống ở thế giới nào, chúng ta là gì, chúng ta đến từ đâu… Cùng với đó, chúng ta vẫn phải phát triển về mặt nhân bản, kể cả trong đức tin.
Nhưng làm thế nào Giáo hội công giáo có thể kết hợp đức tin và kiến thức khoa học?
Chúng ta phải nhớ những gì Đức Gioan Phaolô II đã nói trong bài phát biểu “Về sự tiến hóa” trước Học viện Giáo hoàng Khoa học ngày 22 tháng 10 năm 1996. Về tất cả các công trình khoa học, chúng ta phải xác định các sự kiện – có những hóa thạch, những thế giới trên trái đất này – và không nghi ngờ gì về chúng.
Sau đó, ngài nói, có những lý thuyết khoa học, những xuất phát từ đầu óc con người, mà chúng ta phải tôn trọng và biết những lý thuyết này có thể bị ảnh hưởng bởi một khái niệm của con người, thậm chí là một hệ tư tưởng. Cuối cùng, một khi chúng ta tập trung vào con người là gì, thì khoa học không thể nói mọi điều về con người.
Vì vậy, không có sự lựa chọn giữa đức tin và khoa học?
Chúng ta ở trong hai lãnh vực bị chủ nghĩa tín điều đe dọa. Vấn đề lớn với các phi hành gia là họ luôn ở trong tình trạng vô trọng lực và không thể dựa vào bất cứ gì. Còn chúng ta cần điểm dựa. Trong lãnh vực khoa học cũng như trong đức tin, chúng ta có những quy chiếu, những tín điều, là những hỗ trợ để tiến tới. Nhưng nếu chúng ta không nhúc nhích nữa, nó sẽ trở thành chủ nghĩa giáo điều. Chuyển động là tìm kiếm, nghiên cứu, nghi ngờ, là cấu thành của khoa học cũng như tôn giáo. Tất cả những gì khoa học mang lại cho tôi về kiến thức thực tại, từ xa xôi nhất đến gần gũi nhất, đều làm cho tôi phải suy nghĩ.
Làm thế nào để các truyền thống tôn giáo và thiêng liêng, vốn có một di sản kiến thức về con người, lại bỏ qua những gì khoa học mang lại? Người ta có thể ngạc nhiên trước những gì các nhà khoa học đang nói ngày nay. Chúng ta, những người chỉ là hạt bụi, chúng ta lại có thể nhìn thấy không gian và thời gian lên đến hàng tỷ năm. Hãy để chúng ta được mê hoặc.
Trong một xã hội được đánh dấu bởi tinh thần khoa học, làm thế nào để định nghĩa đức tin?
Đó là một sự hiếu kỳ vô cùng. Trí tò mò luôn hướng về phía trước, nó tiếp tục làm cho tôi có năng lực. Và khoa học gia là người tò mò. Khoa học nuôi dưỡng sự tò mò của riêng tôi. Bằng chứng sẽ ngăn chặn đầu óc tò mò, và như thế thật đáng sợ. Có những lúc đức tin đến để trấn an, để an ủi… để là chỗ dựa. Nhưng chúng ta phải tiến về phía trước. Đức tin đang chuyển động.
Tác giả Jacques Arnould, thần học gia, kỹ sư nông nghiệp, tiến sĩ về lịch sử khoa học. Cựu tu sĩ Dòng Đa Minh, giám đốc dự án tại Trung tâm Nghiên cứu Không gian Quốc gia (Cnes), hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và kỹ sư về các vấn đề đạo đức.
Marta An Nguyễn dịch