Suy niệm

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Phục Sinh

Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta

Phúc Âm: Ga 10, 27-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.

SUY NIỆM

CHÂN DUNG NGƯỜI MỤC TỬ

Năm 2019, hãng thông tin Fides của Bộ Truyền giáo công bố một bản thống kê, nhằm cho thấy một bức tranh toàn cảnh về tình hình Giáo Hội trên thế giới, so với năm 2018 như sau: số Giám mục là 5.364 giảm 38 vị so với 2018. Số Linh mục 414.336 giảm 271. Số nữ tu 630.099 giảm 11.562. Số chủng sinh 114.058 giảm 1.822.

Cũng theo tin từ đài chân lý Á châu, ngày 19.10.2020, trên thế giới, bình quân cứ 3.210 giáo dân Công giáo thì có một linh mục.

Nhìn vào con số thống kê ở trên, chúng ta có thể thấy thực trạng ơn gọi trong Giáo Hội đang ở mức báo động, và đáng quan ngại. Có lẽ vì lý do đó mà mỗi năm vào đúng Chúa nhật bốn phục sinh, Mẹ Giáo Hội cử hành lễ Chúa Chiên Lành. Ý nghĩa của thánh lễ này là để chiêm ngắm Chúa Giêsu – Người Mục Tử Nhân Lành. Đồng thời, để cầu nguyện cho các Mục tử, các Chủng sinh, Tu sĩ nam nữ, là những người sống ơn gọi thánh hiến. Và, đặc biệt hơn nữa là để cầu nguyện cho các bạn trẻ, những người đang có ước muốn sống đời thánh hiến.

Cảm nghĩ rằng, Chúa Giêsu chính là Mục Tử vĩ đại nhất và là hình mẫu cho chúng ta học đòi, bắt chước? Ngài chính là người Mục Tử:

1.Ở với chiên

“Ở với” nghĩa là có liên đới với người mà ta ở cùng. Chúa Giêsu nhập thể, nhập thế vì vâng lời Chúa Cha và vì ơn cứu độ loài người. Nhờ đó, Ngài đến, ở với con người chúng ta. Ngài vẫn còn ở với con người cho đến ngày tận thế, dưới hình Bánh, Rượu, trong các nhà tạm trên thế giới: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vậy, chủ chiên ở với đàn chiên tức là có liên đới với chúng. Nhưng, như Tin Mừng diễn tả thì có nhiều kiểu liên đới. “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10,1). Đây là kiểu liên đới bất chính, kiểu liên đới vì tư lợi và sẽ làm tổn hại đàn chiên. “Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh;…” (x. Ga 10,2-6). Đây là kiểu liên đới công chính, đúng với vai trò, trách nhiệm của một mục tử vì đàn chiên.

2.Biết chiên

Ở với ai tất nhiên chúng ta sẽ biết và hiểu rõ về người đó, trừ khi chúng ta cố tình để không biết mà thôi. Chúa Giêsu ở với nhân loại suốt ba mươi ba năm; Ngài biết, Ngài hiểu con người trong thân phận người. Từ đó, Ngài yêu, thương, chia sẻ, và cảm thông cho con người hơn. Để BIẾT như thế, Chúa Giêsu chấp nhận trả giá. Ngài làm nhiều việc tốt, nói những lời về Nước Trời… mà vẫn bị ghét bỏ, chê bai, nói xấu, sau cùng là hi sinh mạng sống. Mục tử đêm hay ngày cũng phải ở với chiên, để mắt tới chúng; chăm lo cho chúng từ thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ; con nào đau, yếu, phải tận tâm với chúng hơn. Chung quy lại, mục tử phải chịu thiệt thân vì đàn chiên. Đó chính là người mục tử BIẾT chiên đích thực. Mỗi người chúng ta, nếu không phải là Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, thì ít ra cũng là người cha, mẹ trong gia đình, hay trưởng của một hội đoàn nào đó… Chúng ta được mời gọi thể hiện tinh thần mục tử với người mình có trách nhiệm, với người sống bên cạnh mình. Chúng ta có thể trở thành mục tử cho nhau, của nhau, vì nhau. Để sống được tinh thần của người mục tử chân chính chúng ta cũng phải hi sinh bản thân mình bằng nhiều cách, để chu toàn trách nhiệm với nhau, với hi vọng một ngày nào đó, Giêsu Mục Tử Nhân lành sẽ đón tất cả chúng ta về và chăm sóc chúng ta. Tác giả sách Khải Huyền trong bài đọc hai, đã diễn tả khung cảnh ấy như thế này:“Người sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,15-17).

3.Bảo vệ chiên

Thông thường, đàn chiên sẽ được dẫn vào trong những cánh đồng hay trong những khu rừng để ăn cỏ, hoặc đến những con suối để uống nước và nghỉ mát. Những chốn ấy vẫn luôn có những thú dữ rình mò; chiên rất có nguy cơ bị tấn công. Nhiệm vụ của người chăn chiên là bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm đó. Và nếu không may con nào đi lạc thì đi tìm nó về. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu luôn thao thức cho sự hiệp nhất này: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Suốt thời gian qua, Giáo Hội của chúng ta vẫn luôn cố gắng để sống và thực thi ước nguyện ấy bằng nỗ lực đại kết giữa các tín hữu Kitô (Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô được chính thức thiết lập từ tháng Giêng năm 1939), và phong trào liên tôn (đối thoại với các tôn giáo ngoài Kitô giáo) để đi đến sự hiệp nhất thành một đàn chiên như Thiên Chúa mong muốn. Một công việc chủ chốt của Hội Thánh nữa là thực thi sứ vụ Rao Giảng Lời Chúa cho mọi người, mọi dân tộc và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tinh thần hăng hái rao giảng Lời Chúa ấy đã được các tông đồ thời đầu tiên đốt nóng (x.Cv 13,14.43-52). Và trở nên nguồn động lực cho đến hôm nay.

Lạy Chúa, với ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, xin cho mỗi người Kitô hữu chúng con luôn biết sống Hiệp Thông, Tham Gia vào các Sứ Vụ của Hội Thánh trong chính hoàn cảnh, môi trường, công việc, khả năng của mình. Lạy Chúa, thời đại nào Giáo Hội cũng gặp những phức tạp, khó khăn, trở ngại cho việc loan báo Tin Mừng. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ, để những ai đang dấn thân trong ơn gọi truyền giáo, trở thành mục tử hiện thân của Chúa cho mọi người. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Nguyện xin Chúa thương ban cho có nhiều bạn trẻ đủ can đảm để dấn thân đáp lại tiếng kêu mời của Chúa trong ơn gọi thánh hiến. Amen.

 

Nt. Cúc Trắng

 

 

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button