Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Xung đột ở Ukraine

Nguyên tắc “chiến tranh chính nghĩa” đụng với thực tế của địa bàn

by Phanxico

Đức Phanxicô đã nhiều lần lên án học thuyết “chiến tranh chính nghĩa” của Giáo hội công giáo, với lý do mọi chiến tranh đều phải tránh. Linh mục François Daguet dòng Đa Minh phân tích khái niệm này dưới góc độ của cuộc xung đột ở Ukraine.

lavie.fr, Alice d’Oléon, 2022-05-06

Ngày 6 tháng 4 – 2022, Đức Phanxicô tố cáo vụ thảm sát ở thành phố Bucha và ngài trưng lá cờ được gởi từ Bucha, thị trấn bị tàn sát gần thủ đô Kyiv của Ukraine. VATICAN MEDIA (EV) / ABACA

Tính hợp pháp của bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào đều có thể đặt vấn đề nếu chúng ta nhìn hậu quả tàn bạo của cuộc chiến gây ra. Từ lâu, Giáo hội công giáo đã đưa ra lý thuyết về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” để phân biệt các khía cạnh có thể chấp nhận được của việc can thiệp quân sự.

Tuy nhiên Đức Phanxicô tránh đề cập đến vấn đề này, ngài chủ trương bãi bỏ mọi hình thức xung đột vũ trang. Một hành động cân bằng được linh mục François Daguet, chuyên gia về thần học chính trị Dòng Đa Minh giải thích.

Xin cha cho biết học thuyết “chiến tranh chính nghĩa” có từ khi nào?

Linh mục François Daguet: Đây là học thuyết vô cùng xưa, không phải chỉ có trong môi trường kitô giáo. Học thuyết này, dần dần được phát triển trong thế giới la-mã, đặc biệt là với Thánh Augutinô, người đã là một trong những nghệ nhân vĩ đại đưa khái niệm này vào học thuyết.

Sau đó, vào thế kỷ 13, học thuyết được Thánh Tôma Aquinô tu chỉnh một cách xuất sắc. Về cơ bản, đây là hằng số được đưa ra trong Giáo hội, thêm nữa học thuyết còn được nói đến trong Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo trong ấn bản cuối cùng năm 1997 (§ 2309).

Điều gì làm cho một cuộc chiến tranh trở thành “chính nghĩa” dưới mắt Giáo hội?

Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo liệt kê nhiều tiêu chuẩn cần thiết để cho một cuộc xung đột vũ trang là “hợp pháp”. Trước hết, xung đột không được tạo thành chiến tranh chinh phục, điều này không cần nói cũng biết. Lý do viện dẫn, chiến tranh này là để bảo vệ lãnh thổ, công ích quốc gia, sự toàn vẹn của đất nước.

Chiến tranh chỉ có thể hình dung được nếu các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp đã cạn kiệt (điều này cũng được thấy trong Hiến chương Liên hợp quốc). Những tệ nạn gây ra không được lớn hơn những gì tốt đẹp mong chờ từ cuộc chiến này, vì vậy những gì dùng để chiếm ưu thế không được trả bằng một giá qua đắt.

Cuối cùng, chiến tranh chỉ nên tiến hành nếu thấy có một cơ hội thành công hợp lý. Vì vậy, đây là điểm trở thành phức tạp. Chúng ta biết, khi bắt đầu cuộc xung đột, chúng ta không thể biết trước nó sẽ diễn ra như thế nào.

Như thế những tiêu chuẩn này không được quá lý thuyết?

Về mặt khái niệm, các tiêu chuẩn này được điều chỉnh rất chặt chẽ, rõ ràng chúng là thành quả của quá trình suy ngẫm lâu dài về các cuộc chiến tranh, đồng thời việc áp dụng chúng cũng đặt ra những thách thức nặng nề. Ai thực sự có thể khẳng định cuộc chiến có cơ hội thành công? Những xung đột gần đây cho thấy rõ điều này.

Ví dụ, sự can thiệp của Pháp vào Libya năm 2011 là để giới hạn và tập trung vào các mục tiêu nhất định, nhưng cuộc xung đột đã diễn ra dẫn đến cái chết của Đại tá Kadhafi và chúng ta đã thấy tình trạng hiện nay của Libya như thế nào rồi. Do đó, việc sử dụng tiêu chuẩn “chiến tranh chính nghĩa” là rất rủi ro.

Tuy nhiên, năm 2003, Đức Gioan-Phaolô II đã lên án đúng đắn cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ. Đây không phải là cuộc chiến “chính nghĩa” vì đây là một cuộc chiến để phòng ngừa. Vào thời điểm đó, không phải ai cũng biết việc nước Mỹ biện minh cho xung đột là do Irak có vũ khí hủy diệt hàng loạt, chính phủ Mỹ đã lừa dối, vì vậy cuộc chiến này là “phi nghĩa”.

Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, Đức Phanxicô có  dứt khoát đoạn tuyệt với nguyên tắc “chiến tranh chính nghĩa” không? Đặc biệt ngài viết: “Do đó, chúng ta không còn có thể xem chiến tranh là một giải pháp nữa, vì rủi ro có thể sẽ luôn lớn hơn lợi ích giả định được quy cho nó. Đối diện với thực tế này, ngày nay rất khó bảo vệ các tiêu chuẩn, đã chín muồi vào các thời điểm khác, để nói về một ‘cuộc chiến tranh chính nghĩa’ có thể xảy ra. Không bao giờ chiến tranh nữa.”

Đặc biệt, trong thông điệp Fratelli tutti, Đức Phanxicô đã khởi xướng một bài diễn văn đặt vấn đề về học thuyết này với lý do  bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng là phi nghĩa. Trên thực tế, phản ánh này là tiếp nối hợp lý quan điểm của các giáo hoàng tiền nhiệm về ý nghĩa chiến tranh. Đức Bênêđíctô XVI đã  khẳng định rõ ràng, về cơ bản chỉ có hòa bình là có thật.

Điều nguy hiểm là xử lý các sự kiện một cách trừu tượng, và điều này có thể giải thích sự chậm chạp của Đức Phanxicô trong phản ứng của ngài với cuộc chiến ở Ukraine. Ba tuần trôi qua trước khi ngài đánh giá có kẻ xâm lược và kẻ bị tấn công, ngài nhắc lại mọi chiến tranh đều là đầu hàng. Đúng vậy, một cách trừu tượng, mọi chiến tranh đều đau buồn. Tuy nhiên trong bối cảnh cụ thể của cuộc chiến ở Ukraine, một thực tế rất đơn giản và hiển nhiên đối với chúng ta: có một kẻ xâm lược tìm cách chiếm lấy một lãnh thổ của người khác.

Trong trường hợp hiện nay, việc đánh giá công lý của cuộc chiến ít được đặt ra. Nói với người Ukraine rằng cuộc chiến của họ là không chính nghĩa… Rõ ràng đây là cuộc chiến để bảo vệ. Do đó, việc Đức Phanxicô đặt vấn đề về khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” đụng với thực tế của cuộc chiến này và không ai dám tranh cãi tính hợp pháp của người Ukraine khi họ bảo vệ lãnh thổ của họ.

Nếu đức tin Công giáo và Kinh thánh lên án mọi bạo lực, thì có đúng hay không để tự vệ khi bị tấn công?

Tôi đã bị đánh động bởi lời chứng của linh mục Dòng Trắng François de Gaulle, cháu của đại tướng De Gaulle, cha đã tham gia chiến dịch Ý năm 1943. Khi được hỏi về điều này, trong Hồi ký của cha, cha viết cha không bao giờ nghi ngờ về tính đúng đắn của chiến tranh tiến hành chống lại các thế lực của cái ác, dù trong mọi lúc cha đều thấy hậu quả kinh hoàng của cuộc đối đầu với cái ác này.

 Đối diện với cái ác, liệu một phản ứng tuyệt đối có phải là điều không thể?

Đức Phanxicô trong vai trò mục tử của Giáo hội hoàn vũ khi ngài nhắc, chiến tranh có liên hệ với tội ác và rằng, ngay cả khi động cơ chiến tranh là chính đáng, thì nó cũng sẽ sinh ra những hệ quả khủng khiếp. Đó là vai trò của ngài để nhắc những chuyện này. Ngài ở trong cương vị của ngài khi ngài nhắc, nhân danh đức ái, rằng chúng ta phải làm mọi thứ để tránh chiến tranh.

Tuy nhiên, bác ái không loại bỏ công lý, và công lý trong trường hợp này dành cho người Ukraine quyền tự vệ. Khi các xã hội phải đối diện với cái ác, xã hội luôn tìm cách chế ngự cái ác này, biết rằng nó tồn tại. Khoan dung cái ác ít hơn để tránh cái ác lớn hơn, học thuyết về cái ác ít hơn, là một triết lý rất lâu đời trong chính trị, và học thuyết chiến tranh chính nghĩa cũng phản ứng với cùng một lý luận.

Đức Bênêđíctô XVI thường nhắc lại, chúng ta chỉ có thể theo một thứ trật mà ngài gọi đó là thứ trật của đức ái. Ngài nói thêm, điều này cũng như đi ngược chiều: không có bác ái nếu công lý bị chà đạp.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button