Suy niệm

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần XVI Thường Niên- Năm Lẻ

Tin Mừng theo Thánh Matthêu 13,16-17
16 “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”.


Suy Niệm

Trong cuộc sống thường nhật, các bộ phận trên cơ thể của chúng ta giữ vai trò và chức năng riêng. Đặc biệt, đôi mắt và hai tai chiếm vị trí quan trọng không thể thiếu. Nếu giả sử chúng ta bị điếc thì chúng ta mới hiểu và thông cảm cho những người bị khiếm thị. Họ ao ước được nghe và được người khác lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với nỗi lòng của họ mà chẳng được. Cũng vậy, khi chúng ta bị đau mắt nặng hoặc bị mù, chúng ta mới hiểu được nỗi bất hạnh mà những người khiếm thị đang phải gánh chịu.

Qua kinh nghiệm cuộc sống, nhất là khi chúng ta có dịp đến thăm những người tàn tật, câm điếc. Chúng ta mới nhận ra cái phúc mà Thiên Chúa ban cho mình đó là đôi mắt của chúng ta lành lặn để nhìn, quan sát, ngắm cảnh, thích đi đâu tùy ý. Còn những người khiếm thị thì họ không được cái phúc đó, họ phải phụ thuộc vào người khác rất nhiều. Cuộc đời của họ chỉ toàn là màu đen, đêm cũng như ngày. Do vậy, khi chúng ta cảm nghiệm được cái phúc mà Thiên Chúa ban nhưng không, thì chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ ân huệ ấy cho người khác, qua cung cách sống và phục vụ của mình. Khi ta hỏi một người bị mù, nếu được ước thì họ sẽ ước gì. Chắc chắn là họ chỉ ước được sáng mắt mà thôi, còn những thứ khác họ không cần. Qua đó, cho ta thấy rõ tầm quan trọng của đôi mắt như thế nào. Đôi mắt giúp cho ta nhiều thứ trong cuộc sống. Nó không chỉ giúp ta nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng qua đó còn giúp ta nhận ra những thực tại vô hình. Khi ngắm một bông hoa dại đẹp, ta nhận ra quyền năng và tình yêu của Đấng Tạo Hóa. Khi nhìn một con người, chúng ta không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng còn nhận ra tha nhân là ân huệ Thiên Chúa ban cho ta, họ cũng là một ngôi vị cần được tôn trọng và yêu mến.

Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho đôi tai để nghe, đôi mắt để nhìn, trí khôn để hiểu và tấm lòng để cảm nhận. Mặt khác, Thiên Chúa cũng dùng nhiều phương thế khác nhau để nói về Tin Mừng yêu thương của Ngài. Nhưng liệu chúng ta có nhìn thấy, hiểu, lắng nghe và đón nhận bằng tấm lòng không. Vào thời ngôn sứ Isaia, Chúa dùng ông để rao giảng Tin Mừng cho dân Ítrael, nhưng họ đã chối từ và nhiều người đương thời Chúa Giêsu cũng vậy. Mặc dù Ngài dùng những dụ ngôn, câu chuyện dễ hiểu để qua đó chuyển tải những chân lý cao cả về mầu nhiệm nước trời. Thế nhưng, thay vì nhìn xem, lắng nghe để hiểu, họ lại tìm cách chối từ. Thái độ cứng lòng của họ được ví như người lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy vì lòng họ đã ra chai đá. Họ cố ý bịt tai, nhắm mắt kẻo tai họ nghe, lòng họ hiểu mà hoán cải mà Chúa chữa lành họ. Như vậy, chẳng phải lời giảng dạy của Chúa Giêsu là những chân lý khó hiểu, mà vì lòng người chai cứng, khép lại trước lời mời gọi của Tin Mừng. Cũng không do mặc khải của Chúa Giêsu vượt quá tầm hiểu của con người, nhưng do lòng người chối từ để khỏi đón nhận mà tin vào Tin Mừng. Mặc dầu những dụ ngôn của Chúa Giêsu lấy từ thực tế cuộc sống nhằm mặc khải chân lý thiêng liêng. Nhưng trước thái độ cứng lòng của họ thì làm sao hiểu được. Cách riêng đối với các môn đệ thì họ được hưởng cái phúc mà Chúa đề cập trong Tin Mừng hôm nay, họ được phúc thấy Con Thiên Chúa làm người giữa lòng nhân loại, nghe Tin Mừng yêu thương không chỉ qua lời nói mà bằng chính đời sống của Ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng là các môn đệ được ơn để nghe và hiểu các mầu nhiệm nước trời, các ông đã đáp lại bằng lòng tin. Như vậy, cái phúc của các môn đệ không chỉ được sống cùng thời với Chúa Giêsu, được nghe và chứng kiến những cách sống của Ngài, mà quan trọng là các ông biết mở to đôi mắt để nhìn thấy những hành động yêu thương, đong đầy hy vọng, mở tai nghe những lời hướng dẫn để khỏi đi sai đường lạc lối và mở lòng để hiểu Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người.

Còn chúng ta, tuy không được hạnh phúc sống cùng thời với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta được trao ban nhiều điều kiện thuận lợi để nhìn-nghe-hiểu những gì trong Tin Mừng, không chỉ hiểu mà còn hiểu ngày càng hiểu sâu sắc hơn. Đặc biệt, với phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể nghe Lời Chúa, học Kinh Thánh bất kỳ nơi đâu, dễ hiểu được những Lời Chúa dạy qua những lời giải thích và hướng dẫn của Giáo Hội. Dù có nhiều thuận lợi như vậy, nhưng liệu chúng ta đã biết tận dụng để nghe và hiểu Lời Chúa, thay vì dành thời gian vào những việc làm vô bổ, không mấy quan trọng

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có thái độ lắng nghe, hiểu Lời Chúa không chỉ bằng đôi tai mà còn bằng cả trái tim, để chúng con có thể cảm thông với nỗi đau của tha nhân, biết hoán cải và biến đổi chính mình, để không rơi vào thái độ kiêu căng, biết khiêm tốn và bao dung để biết tôn trọng mọi người. Hôm nay là ngày Giáo Hội mừng lễ thánh Giakim và Anna, song thân Đức Maria, các ngài đã nêu gương cho chúng ta trong việc nghe và thực hành Lời Chúa. Qua lời chuyển cầu của các ngài, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa, chuyên tâm lắng nghe và đem áp dụng vào cuộc sống, bằng những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày.

Nt. Anna Trần Thị Vịnh. SLE

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button