Suy niệm

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VI – PS

Vinh quang và đau khổ cần thiết cho cuộc đời.

Lời Chúa:Cv 16:11-15; Ga 15:25-16:4.

Cuộc đời của con người có khi bình an có khi sóng gió; khi thành công khi thất bại; khi vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc đói nghèo… Hai thái cực này cần thiết để giữ thăng bằng cho cuộc sống: khi vui không vui quá, tới độ quên Thiên Chúa và bổn phận phải chu toàn; khi buồn không buồn quá, tới độ mất niềm tin vào Thiên Chúa và tiêu hủy cuộc đời.
Phaolô chinh phục một phụ nữ Âu-châu đầu tiên về cho Thiên Chúa.
Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Phaolô và các bạn đồng hành cũng gặp nhiều thành công và nhiều thất bại: khi thì người nghe nhận ra sự thật và chịu Phép Rửa như người phụ nữ và gia đình của Bà hôm nay; khi thì bị người ta đổ vạ cáo gian để đánh đòn, giam cầm, và trục xuất khỏi thành phố như trình thuật ngày mai. Trong mọi hoàn cảnh, Phaolô vẫn kiên trì rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, và vui lòng chịu đựng mọi gian khổ vì Danh Chúa.
Phaolô rao giảng Tin Mừng tại Philippi: Trong cuộc hành trình lần thứ hai, Phaolô được Thánh Thần hướng dẫn trong một thị kiến, để ra khỏi ranh giới của Asia Minor và tiến vào vùng đất của Âu-châu, bắt đầu với Macedonia, như ông tường thuật hôm nay: “Xuống tàu ở Troas, chúng tôi đi thẳng đến đảo Samothrace, rồi hôm sau đến Neapolis. Từ đó chúng tôi đi Philippi là thị trấn quan trọng nhất trong hạt ấy của tỉnh Macedonia, và là thuộc địa Rôma. Chúng tôi ở lại thành đó mấy ngày.”
Gia đình Bà Lydia chịu Phép Rửa: Theo truyền thống Do-thái, chỗ nào không có hội đường, họ thường tập họp ở bờ sông để cầu nguyện và đọc Sách Thánh. Có lẽ, vì không có hội đường ở Philippi, nên Phaolô kể: “Ngày Sabbath, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó.” Chúng ta có thể học kinh nghiệm của Phaolô. Giống như Chúa Giêsu, ông lợi dụng mọi cơ hội để rao giảng Tin Mừng: trong hội đường cũng như ở các nơi hội họp; cho đàn ông cũng như cho đàn bà; cho giới thượng lưu cũng như cho người nghèo khổ.
Trong giới phụ nữ có một bà tên là Lydia, quê ở Thyatira, là người chuyên buôn bán vải điều. Đây là một loại vải đắt tiền và kiếm được nhiều lợi nhuận. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói. Sau khi nghe Phaolô rao giảng Tin Mừng, bà và cả nhà đã xin chịu Phép Rửa. Có lẽ là người có nhà cửa rộng rãi, nên Bà ngỏ lời với các sứ giả: “Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi.” Và bà ép chúng tôi phải nhận lời.
Thiên Chúa luôn thúc đẩy và khuyến khích những tâm hồn thiện chí và có phương tiện, để họ mở rộng tâm hồn đón tiếp các sứ giả trong cuộc lữ hành loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải noi gương Bà Lydia để đón tiếp các nhà truyền giáo, nhất là ở những nơi xa xôi hẻo lánh, để giúp họ có sức khỏe và phương tiện mang Lời Chúa đến cho mọi người. Khi mở lòng đón tiếp họ, chúng ta đón tiếp chính Chúa; và chúng ta cũng sẽ được phần thưởng của các tiên tri như Chúa đã hứa.

Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường.

Những chứng nhân của Đức Kitô:

Thánh Thần: “Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.” Con người không thể hiểu mặc khải của Chúa Giêsu, nếu không có Thánh Thần tác động từ bên trong. Ngài soi lòng mở trí để các tín hữu nhận ra sự thật và tin vào Đức Kitô.

Các môn đệ: “Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” Để có thể làm chứng, các môn đệ cần có ba điều kiện: Thứ nhất, kinh nghiệm cá nhân sống với Chúa Giêsu; thứ hai, các ông cần xác tín Ngài là Đấng Thiên Sai, những gì Ngài đã nói và đã làm; sau cùng, các ông phải làm chứng cho Ngài khi cơ hội tới. Nếu thiếu một trong 3 điều kiện này, các ông không thể làm chứng cho Ngài.

Người rao giảng Tin Mừng sẽ bị truy tố.

Chúa Giêsu không dấu diếm điều gì với những người muốn theo Chúa, Ngài báo trước những gì các môn đệ sẽ phải chịu vì Danh Ngài và vì rao giảng Tin Mừng. Có hai lý do khiến Chúa chuẩn bị cho các ông: Thứ nhất, “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã.”

Nhiều người Công-giáo nghĩ rằng, một khi họ theo đạo là cuộc đời sẽ bình an vì được Chúa và Mẹ chúc lành và bảo vệ; nhưng họ có biết đâu rằng: bắt đầu cuộc sống môn đệ là bắt đầu cuộc sống từ bỏ ý riêng mình và vác thập giá với Chúa. Hơn nữa, đức tin cần được thử thách trong gian khổ như lửa thử vàng, thì mới biết đức tin nào thật và vững chắc. Thứ hai, để các ông nhớ lại những gì Ngài nói khi các ông bị truy tố và tìm được bình an: “Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.” Con người có thể ngạc nhiên khi không ai báo trước cho mình biết đau khổ sẽ xảy ra; nhưng nếu Chúa Giêsu đã báo trước, và Ngài cũng đã đi qua con đường này, người môn đệ sẽ chuẩn bị và biết bình tĩnh đối phó khi điều ấy xảy đến.

Lý do bị truy tố: Thứ nhất, những Thủ Lãnh Do-thái trong Thượng Hội Đồng kết án và đóng đinh Chúa Giêsu, vì họ tưởng rằng làm như thế là làm vinh quang Thiên Chúa. Một ví dụ khác là trường hợp của ông Saul bắt đạo trước khi trở lại. Ông là người nhiệt thành gìn giữ Lề Luật của tổ tiên, nên ông không muốn các Kitô hữu vi phạm truyền thống này. Thứ hai, “Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.” Điều này hiển nhiên, vì nếu các Thủ Lãnh biết chắc Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, họ đã không luận tội và kết án Ngài.

 Lạy Chúa! Đau khổ và vinh quang là hai khía cạnh của cuộc sống. Giống như Đức Kitô, chúng con cũng phải trải qua đau khổ trước khi đạt đến vinh quang. Xin cho chúng con biết giữ thái độ bình tĩnh và bình an khi đạt được thành công cũng như khi phải đương đầu với đau khổ; vì tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi chúng con rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng, chúng biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh thần mà đi từng bước trong hành trình đức tin có Chúa ở cùng.Amen

 

Nt. Maria

 

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button