Cái dũng của thánh nhân
Ngày 29 tháng 11.
Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính. Ngài được cử làm bề trên của một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kèm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập sự nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Đó là quà ông dành cho tôi, xin cám ơn ông. Thế còn quà của các trẻ mồ côi đâu?”. Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên và vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.
Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành”. Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe doạ đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.
Còn hận thù sẽ còn chiến tranh còn chết chóc và đói khổ. Trong xã hội ngày nay chúng ta liên tục nghe đến hận thù chém giết, sát hại lẫn nhau, ngay cả những người ruột thịt trong gia đình, xem ra ngày nay mạng người quá rẻ. Và con người ngày càng dễ manh động, khó kìm chế. Bởi vì, chúng ta không có thì giờ để lắng nghe nhau và lắng nghe chính tiếng nói lương tâm của mình. Bạn và tôi chúng ta cùng thinh lặng để tâm hồn mình lắng động. Từ đó chúng ta sẽ dễ kiểm soát được tư tưởng, hành động của mình. Có như thế những người sống chung quanh ta sẽ bớt nặng nề hơn, vui tươi hơn và hạnh phúc hơn.
Xương Rồng