Câu chuyện: Kẻ Ăn Cắp Một ổ Bánh Mì
20 tháng 05.
Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ toạ các phiên toà. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi đang chết đói”.
Nghe xong lời cáo buộc của cử toạ cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không dung thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đôla”. Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đôla và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử toạ ông nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quí vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong ông ra lệnh cho viện biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho lão ông.
Khi chiếc mũ đã được chuyền một vòng toà án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đôla 50 xu.
Trong sứ điệp mùa Chay năm 1991, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy gẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.
Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.
Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có… Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không để lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.
Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.
Mỗi chúng ta hãy suy gẫm và xét mình, mỗi ngày sống chúng ta đối xử với nhau như thế nào?. Dưng dửng, mạnh ai nấy sống, hay nghi ngờ cách sống của người khác hoặc quan tâm, lo lắng, yêu thương nâng đỡ… Có suy xét ở giây phút hiện tại và bắt đầu thay đổi thái độ với mọi người chung quanh, vẫn có cơ hội để ta bắt tay làm lại cuộc sống của mình. Nếu không, chúng ta sẽ đau khổ như người nhà phú hộ trong nơi trầm luân.
Xương Rồng