Giáo hoàng, đứa trẻ, đám đông và hoàng đế
Tranh minh họa
Thời sự Vatican dưới con mắt của phóng viên báo La Vie tại Rôma. Nguy cơ bị cô lập và cô đơn khi thực thi quyền lực.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-11-10
Trong số rất nhiều chuyện khôi hài về Vatican, người ta kể có một người đàn ông đến xin rửa tội, ông xin được thăm Rôma, thành phố vĩnh cửu trước khi nhận bí tích. Linh mục chuẩn bị rửa tội cố thuyết phục ông, sợ khi ông đi Rôma, không những không được cảm hóa mà có thể làm cho ông sợ mà xa Giáo hội. Linh mục dùng mọi lý lẽ có thể tưởng tượng được để nói với ông. “Ông bạn ơi, ông còn rất nhiều thì giờ để đi sau này, bây giờ chưa cần thiết!” Nhưng ông này dứt khoát không nghe. Mệt vì phải thuyết phục, linh mục để ông đi, không hy vọng gì ông sẽ quay lại. Nhưng, người tân tòng quay lại.
Linh mục ngạc nhiên hỏi ông: “Vậy, ông thấy Rôma như thế nào?” Ông trả lời: “Miễn bàn.” Linh mục thở dài nói: “Tôi nghĩ ông sẽ nói với tôi là ông muốn xa nó.” Người đàn ông trả lời: “Không phải vậy. Nếu những gì tôi thấy mà Giáo hội đã cự lại được trong 2000 năm, thì nó cũng phải có một cái gì đó.”
Những hiện tượng ở triều Vatican
Khi bạn là nhà báo làm việc ở Vatican, người ta thường hay hỏi cảm tưởng của bạn, bạn thấy thế nào khi đối diện với thực tế ở đây, xa với những hoang tưởng và định kiến. Dĩ nhiên câu trả lời là tùy từng nhà báo, tùy từng ngày. Là nơi quyền lực, Vatican có thể khơi lên tất cả những gì là tiêu cực. Có thể tóm tắt: các hiện tượng của triều đình.
Dù Đức Phanxicô đã bỏ phong cách vua chúa hào nhoáng, bỏ đôi giày da mịn màu đỏ để mang đôi giày chỉnh hình, bỏ cung vàng tông tòa để ở căn hộ đơn sơ, bỏ xe sang trọng để đi chiếc Fiat 500 nhỏ bé, v.v. – hoặc bỏ các dấu hiệu tôn kính như xin khách đừng hôn nhẫn, hoặc nói đùa khi có người gọi ngài là “Đức Thánh Cha”… nhưng ngài không ngăn được những hiện tượng triều đình này.
“Xin vui lòng đừng hôn nhẫn Đức Thánh Cha”
Những lệch lạc của thói xu nịnh
Chắc chắn vì không thể chặn hết tất cả và cũng vì tính khí mạnh mẽ, sự nổi tiếng và ý thức sắc bén về uy quyền, tất cả đã làm trương phình hình ảnh giáo hoàng. Như thế, chế độ quân chủ giáo hoàng được hiện đại hóa, đơn giản hóa, nhưng nó vẫn tồn tại.
Và triều “giáo triều” từng nắm quyền dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, bị nhiễm độc vào cuối triều của ngài, đã được thay thế bằng một “triều” song song, chung quanh Nhà Thánh Marta, nơi ở của giáo hoàng gồm những người thân cận và những người được ngài tin tưởng chọn (nhà báo người Ý Massimo Franco đã phân tích trong quyển sách Tu viện, Il Monastero của ông).
Những tác động tiêu cực của các hiện tượng triều đình đã được biết đến trong lịch sử: nhà vua bị cô lập, ngày càng khó khăn khi nghe phê bình, khó khăn cho chính những người cộng tác để có thể đặt câu hỏi, bị nịnh thần (ai được ái sủng, ai thất sủng) nuôi dưỡng loại thì thầm (nói xấu, rất đặc biệt của Vatican), những khó khăn trong việc lưu hành thông tin và khuynh hướng chỉ tin “bạn bè” của mình.
Những người phục vụ của Giáo hội
Chính giáo hoàng cũng đã nhiều lần nêu lên tất cả cám dỗ liên quan đến quyền lực, đặc biệt những lời lẽ rất mạnh trong quyển sách phỏng vấn Một thời để thay đổi (Un temps pour changer) với nhà báo Anh Austen Ivereigh, ngài cho biết ngài nhận thức rõ khi điều hành Giáo hội để không phạm lại lỗi lầm như ngài đã phạm khi làm giám tỉnh Dòng Tên ở Buenos Aires, đã làm cho ngài có một thời gian phải vào “sa mạc” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ở Cordoba, Argentina.
Dinh Vatican không phải là “triều đình” cũng không phải là “xu nịnh”, Vatican còn có những nhân viên và người phục vụ nghiêm túc tận tâm, những người không tính giờ đã phục vụ cho Giáo hội, những người hàng ngày tìm cách làm tốt nhất công việc của họ.
Khi viết những dòng này, tôi nghĩ đến một linh mục của Giáo triều đã dành thì giờ để đi phục vụ giáo xứ ở ngoại ô Rôma, cách Vatican một giờ xe, để luôn ở thục địa với giáo dân. Những người làm việc gấp ba gấp bốn để bù cho những người không làm việc. Những người trong đời sống hàng ngày lắng nghe, giúp đỡ đồng nghiệp của họ, trong bóng tối, không màng đến danh dự.
Phục vụ cho chương trình riêng
Thỉnh thoảng cũng có những chuyện xen lẫn, cận thần hôm nay xăn tay vén áo ngày mai để cố gắng làm cho công việc chung tiến tới. Không kể những cận thần không phải lúc nào cũng như chúng ta nghĩ: với một giáo hoàng không thích thói thời thượng, việc tự chứng tỏ mình chống thời thượng hay “siêu khiêm tốn” lại thành nổi bật ai cũng thấy. Và những lý do cho việc xu nịnh này cũng rất đa dạng, từ sợ mất lòng, đến muốn làm cho giáo hoàng thấy một thực tế khác để phục vụ cho mưu đồ riêng của mình.
Tất cả những chuyện này không riêng gì cho Vatican hay giáo hoàng, dù mọi sự cho thấy đúng là siêu trương phì. Tất cả hình thức cô lập quyền lực, như tin tức giáo hội trong thời gian gần đây có khuynh hướng cho thấy qua ánh sáng gay gắt chiếu vào những yếu kém mà nó gây ra. Rủi ro của một hoạt động như vậy đã được biết rõ.
Bộ trang phục mới của hoàng đế
Nhà kể chuyện cổ tích người Đan Mạch Hans Christian Andersen đã viết một câu chuyện cảm hóa: bộ quần áo mới của hoàng đế. Một ông vua là nạn nhân của hai kẻ lừa đảo, họ bán cho vua bộ áo rất đắt tiền có đặc tính… vô hình với người ngu, người bất tài, huy hoàng lộng lẫy dưới mắt người thông minh.
Rõ ràng, loại quần áo này không có trên đời, ông vua khỏa thân xuất hiện trước dân chúng, vì không có cố vấn nào, ngay cả trong số những người trung thực nhất cũng không muốn mình bị cho là người ngu, người bất tài. Chính dân chúng cũng không biết nói gì, phải nhờ một đứa bé “với giọng nói ngây thơ” hét trên đường phố để cái dằm trong mắt rớt xuống, kể cả nhà vua cho đến lúc đó cũng không dám nhìn thực tế.
Như thế, cuộc khủng hoảng Giáo hội Pháp đang trải qua hiện nay, cũng đặt câu hỏi cho những gì đang xảy ra ở những nơi khác, đặc biệt ở Rôma – và đó là điều quan trọng và cần thiết. Một sự hoán cải về cách nhìn phải có. Cùng lúc với những tiếng nói dấy lên trong đám đông, giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng như các giám mục Pháp gần đây ở Lộ Đức đã tỏ ra rất bất lực – cũng nhẹ nhõm vì một số người nhận thức được sự cô đơn trong vai trò của họ – đồng thời với việc, chưa bao giờ họ được kêu gọi để không từ bỏ trách nhiệm và thẩm quyền của mình.
Nhưng không phải một mình, chính xác. Bằng cách lắng nghe, bằng cách làm việc, nghĩa vụ cho cả hai bên: với những người có trách nhiệm, tạo điều kiện để những người xung quanh được tự do lên tiếng (câu “parrhesia” nổi tiếng); cho những người xung quanh có can đảm thực hiện quyền tự do lên tiếng này, để phục vụ sự thật.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch