GIEO GIÓ GẶT BÃO
10 Thánh 03.
Đêm 17/5 năm 1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hoả tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hoả tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trong vụ ấy!.
Người Á Rập thường nói: “Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi”. Có lẽ người Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía Iraq.
Liên Xô là nước cung cấp cho Iraq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến 1988, Iraq đã mua của thế giới một số khí giới trị giá khoảng 34 tỷ mỹ kim, cùng với chiến xa T-72 và hoả tiển Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí giới.
Để đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ đô la. Ngày nay, 133 chiến đấu cơ Mirage F1 và hoả tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào cuộc chiến vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.
Năm 1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi số những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho các nước Tây phương khác như Tây Đức cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các võ khí hoá học và nguyên tử.
Vô tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: “Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình một quái vật”. Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói: gieo gió thì gặt bão… các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp và để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.
Thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.
Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: nhưng hạt giống ấy chỉ nẩy nở bằng cây của tang thương, đau khổ và huỷ diệt cho chính mình cũng như cho người khác.
Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hoà nhã, yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ… Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái bình an cho tha nhân và cho chính bản thân.
Chiến tranh trên qui mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi qui mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.
Nơi nào có bất hoà, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.
Người môn đệ của Đức Kitô, nguyên uỷ của hoà bình, luôn được mời gọi để xây dựng hoà bình và hoà bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của yêu thương.
Người môn đệ Chúa: Đừng lấy ác báo ác, cũng đừng quyền rủa khi bị quyền rủa nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy lấy yêu thương mà giúp đỡ, dạy bảo, và tha thứ. Chúng ta là con cái Chúa hãy nên giống Chúa trong mọi sự. Hãy buông bỏ lòng tham, địa vị, lợi lộc tiền tài vì chính điều đó làm cho chúng ta không còn giống hình ảnh của Chúa, không còn xứng đáng làm con cái của Chúa nữa.
Xương Rồng