Thánh Giuse – Vai phụ xuất sắc nhất
Nếu lịch sử cứu độ là một bộ phim; nếu bộ phim đó đoạt giải xuất sắc nhất, và trong cuốn phim đó nếu Chúa Giêsu đoạt giải nhân vật được khán giả yêu thích nhất, và nếu Đức Maria đoạt giải vai nữ chính xuất sắc nhất, thì chúng ta có thể đoán mà không sợ sai lầm rằng: người đoạt giải Oscar vai phụ xuất sắc nhất sẽ không ai khác hơn là Thánh Giuse…Nhưng căn cứ vào đâu chúng ta có thể nói: Thánh Giuse xứng đáng đoạt giải vai phụ xuất sắc nhất?
1. Vai phụ khi xét về phương diện thống kê
Với phương diện này ta dễ nhận ra, khi thuật lại biến cố truyền tin và thăm viếng xảy ra cho Đức Maria, thánh Luca không tiếc lời để mô tả một cách tỉ mỷ và chi tiết từng lời nói, từng hành động có liên quan đến Đức Maria trong suốt từ câu 26 đến 56 của chương một. Tức là chỉ để sắp xếp sự kiện truyền tin và thăm viếng Đức Maria, người ta đã phải dùng đến 30 câu Lời Chúa để kết cấu nó. Điều đó cho thấy một tầm vóc thật quan trọng của sự kiện này trong toàn bộ Tin Mừng của Luca.
Trái lại, để thuật lại tâm trạng đang rối bời, những suy tính đầy khó khăn, những đắn đo đầy phân vân, những giấc mơ mang tính thị kiến, và cả những quyết định thật dứt khoát… xảy ra nơi Thánh Giuse cũng trong bối cảnh liên quan tới truyền tin, thì dường như Thánh Matthêu lại có vẻ khá kiệm lời để mô tả; và người ta chỉ có thể kết cấu những lời kể đó vỏn vẹn trong 8 câu, từ câu 18-25 trong chương 1 của Tin Mừng Matthêu. Nhưng có lẽ phải là như thế thì Thánh Giuse mới xứng đáng nhận giải vai phụ xuất sắc nhất.
2. Vai phụ diễn xuất sắc để ‘tình yêu lên ngôi’
Nếu đọc lại những trang Tin Mừng, ta thấy dường như có một sự cố ý của các Thánh sử, Thánh Giuse chẳng mấy xuất đầu lộ diện, ngoài trình thuật sứ thần truyền tin. Có chăng, là sự xuất hiện với tư cách trợ tá cho Maria, không nằm trong ‘vùng phủ sóng’ trực tiếp của nhà đạo diễn. Trong vai phụ này, khi chỉ thoáng qua ta sẽ thấy Thánh Giuse diễn với người đàn ông lẽo đẽo, thụ động, nhút nhát và rất khiêm tốn. Nhưng tàng ẩn trong sự khiêm tốn, lại như gáo nước lạnh dội vào cái xã hội vốn quá bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ thời ấy và bây giờ. Khi mọi chức vụ, quyết định, đại diện, xuất hiện cứ phải là đàn ông, là gia trưởng, còn các bà các chị chẳng có tên tuổi số má…
Cái đảo lộn tư tưởng ở đây chính là, khi người Do Thái hết sức coi thường đàn bà và trẻ em, thì qua hình ảnh đầy ngụ ý này, Đức Maria và Chúa Giêsu lại được tôn vinh một cách đáng trân trọng, đang khi ấy thánh Giuse chỉ coi mình là vai phụ, là hậu phương vững chắc, là cái nền ẩn giấu cho ‘vợ con’ lên ngôi. Phải chăng, vai phụ xuất sắc đã là ý đồ nghệ thuật cực sâu của nhà đạo diễn làm, gióng lên hồi chuông cách mạng tư tưởng cho một xã hội Do Thái lúc bấy giờ, cũng là Tin Mừng sự sống và tôn trọng phẩm giá con người cho thời đại hôm nay.
3. Vai phụ còn được diễn xuất sắc qua biến cố chạy trốn sang Ai Cập
Sau cảnh các chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu, Thánh Matthêu cũng đã dành nhiều giấy bút để kể lại việc Con Trẻ phải trốn chạy sang Ai Cập, rồi ít lâu sau đó lại từ Ai Cập trở về Nadarét.
Chúng ta thử nghĩ xem: một thân gái dặm trường sắp mãn nguyệt khai hoa, Mẹ mới đẻ con mới sinh, nếu không có một nam nhi đại trượng phu đầy khôn ngoan và trung tín ‘xông pha ra biển lớn’, sao có thể kinh qua sự rượt đuổi, giết hại của bạo chúa Hêrôđê đang như con sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé với quá nhiều tình tiết đầy sóng gió và tất bật.
Trong cuộc trốn chạy này, ngoài sự linh hướng của sứ thần, thiết tưởng Giuse có một sự nhạy bén như ta vẫn sánh ví ai đó có giác quan thứ sáu, có gán ‘chíp tinh vi, mắt thần’ trước sau. Khi ấy, hai mẹ con dường như rất an tâm khi có sự yểm trợ tài ba, người đứng mũi chịu sào, lúc thì ở sau cầm ‘giây roi hàm thiếc vắt vắt ngựa lừa’, nhưng khi cảm giác có sự chẳng lành ập đến, Giuse tiến lên phía trước để quan chiêm tiên liệu tình huống bất chắc có thể xảy ra. Chúng ta có thể trực giác điều này, cho dù nhà đạo diễn không để Giuse ‘xuất đầu lộ diện’ trong ý đồ nghệ thuật cho một vai phụ hết sức quan trọng trong giai đoạn đầu bộ phim lịch sử cứu độ.
4. Vai phụ xuất sắc được tỏ hiện qua sự kiện các Nhà Chiêm Tinh đến bái lạy
Tưởng cũng nên nhắc lại, biến cố truyền tin cho Thánh Giuse được Thánh sử Matthêu đặt liền trước sự kiện các nhà chiêm tinh tới bái lạy Hài Nhi Giêsu. Trình thuật này cũng được kể thật dài (Mt 12,1-12). Nhiều chi tiết liên quan đến các nhà chiêm tinh đã được Thánh Matthêu mô tả rất tỉ mỉ: từ việc ngôi sao xuất hiện đến việc quyết định vào Giêrusalem để dò hỏi tông tích Con Trẻ, đến phản ứng đầy ngạc nhiên và có phần lo lắng của Hêrôđê cũng như của các cận thần… rồi việc ngôi sao tái xuất hiện dẫn họ đi tới nơi Con Trẻ cư ngụ, để họ kính dâng những phẩm vật quý giá: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Với sự kiện này, Thánh Matthêu lại chỉ dùng vỏn vẹn có một câu để nói về sự gặp gỡ của các nhà chiêm tinh với Con Trẻ Giêsu: ‘Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là Bà Maria…’ Khi nghe những lời mô tả này, chúng ta chợt tự hỏi: thế còn lúc ấy Giuse đang ở đâu? Lúc mà mọi vinh quang và danh dự đang được đưa cho Con Trẻ, lúc mà những quà biếu đắt giá được cống tiến, lúc mà những lời ‘có cánh’ của các nhà chiêm tinh không ngớt được ban tặng cho Hài Nhi Giêsu thì Giuse đang ở đâu? Chẳng lẽ Giuse không đáng được chung chia niềm vui mà Con Trẻ và Mẹ Ngài đang nhận được hay sao? Hay có lẽ phần số của người đóng vai phụ phải là như thế?
Qua những trình thuật đầy sóng gió và tất bật vừa nêu trên, chúng ta thấy khuôn mặt của Thánh Giuse chỉ thực sự tỏa sáng trong những cảnh diễn đầy vất vả cam go, đầy thử thách và hy sinh, chắc hẳn điều đó đòi thánh Giuse đã phải cố gắng, cố gắng thật nhiều, cố gắng tối đa mới có thể hoàn thành một cách xuất sắc vai diễn phụ của mình.
Thánh Giuse, người đóng vai phụ xuất sắc nhất thật sự đã trở nên hình ảnh rất gần gũi với mọi người: vai phụ của người vợ bên cạnh người chồng, vai phụ của người con bên cạnh mẹ cha, vai phụ của người tu sĩ bên cạnh bề trên, vai phụ của người chủng sinh bên cạnh cha giáo, vai phụ của cha phụ tá bên cạnh cha xứ, vai phụ của người linh mục bên cạnh giám mục, và cho dù có là chức vụ gì đi nữa thì cũng vẫn nhận ra cho mình, nơi thánh Giuse, một vai phụ thật khiêm tốn như cách nói của thánh Phaolô trong thư 1Cor 3,9: ‘Chúng ta là những người cộng sự của Thiên Chúa’.
Như vậy, mỗi chúng ta, dù có là thân phận gì, hay dù có ở chức bậc gì, thì chúng ta cũng luôn được mời gọi để đóng cho thật xuất sắc vai phụ của mình trong tư cách là cộng sự viên của chính Thiên Chúa. Và cứ như thế, chúng ta cũng là CON NGƯỜI CỦA TIN MỪNG, như chính thánh Giuse đã là con người của Tin Mừng cho con người và thế giới hôm nay.
Lm. Giuse Phạm Quang theo Tạp chí Ra Khơi số 25