Vâng ý Cha Dưới Đất Cũng Như Trên Trời
21 Tháng Mười Một
William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha” như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Đề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ, đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
“Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Đức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Đức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” và trong suốt cuộc đời, Đức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.
Mừng Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: “Xin vâng!”.
Trong suốt cuộc sống đời người có lẽ tiếng “Xin vâng” dễ thưa và cũng khó thưa nhất. Bởi vì, khi thuận theo ý ta, có lợi cho ta, thỏa mãn mục đích của ta, hoặc muốn chứng tỏ bản thân ta… ta vâng lời dễ dàng, mau mắn. Còn nếu trái ý ta, không đem lại lợi lộc riêng tư, không đáp ứng mục đích, hoặc gặp những khó khăn… ta dễ dàng từ chối, mặt cau lại, hoặc không trả lời nhưng không vâng theo… Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã trải qua những điều trên, khó tránh khỏi. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết học nơi Mẹ đức vâng phục. Vì đó cũng là điều nói lên niềm tin tưởng, phó thác của ta đối với Thiên Chúa.
Xương Rồng