Suy niệmSuy tư

“Có Phải Đời Tu Là Như Thế ?”

     Nhìn vào đời sống dâng hiến, ai cũng bảo đi tu là xướng, là không phải lo nghĩ, là không phải bận tâm đến chuyện gì, mỗi ngày thức dậy là chỉ cần phải đọc kinh, cầu nguyện, thánh lễ, làm việc bổn phận hằng ngày của mình là xong, ra đường thì được người ta kính cẩn chào hỏi, dạ, thưa lễ phép… Có phải đời tu là như thế ?

      Đúng là như thế, nhưng đó chỉ là phần nào của cuộc đời người tu sĩ. Người ta nói có trong chăn mới biết chăn có giận. Với phận người mỏng dòn yếu đuối, người tu sĩ phải băng qua những chặng đường không hề bằng phẳng hay trải đầy hoa hồng, mà là con đường chông gai, sỏi đá, gồ ghề, ngoằn ngoèo, trơn trượt…của những cám dỗ, mời mọc, thách đố đi ngược thói đời. Và để vượt qua được những thử thách đó người tu sĩ phải nỗ lực về nhiều phương diện khác nhau, phải chịu cắt tỉa mỗi ngày để trở nên người tu sĩ đích thực. Có những nỗi giằng co như muốn xét nát tâm hồn người tu sĩ. Họ có “yêu” ai không ? Không ai biết. Họ có ghét ai không ? Chẳng ai hay. Có những khoảnh khắc cô đơn, đau khổ, thất vọng, chán chường…họ cần một người sẻ chia, nâng đỡ nhưng dường như Chúa không biết, Chúa ở quá xa. Làm sao họ bước vào dòng đời nhưng họ không hòa tan vào đấy. Làm sao khi họ trải rộng tình yêu của mình nhưng không được yêu riêng một người nào đó. Nơi nào họ đến là quê hương của họ nhưng họ lại không được ở lại mãi… Tự sức mình họ chẳng thể làm gì được; họ như những bình sành dễ vỡ, họ cần sự bảo vệ của ơn thánh Chúa.

      Đời tu đẹp đấy nhưng có ai tự sức mình mà đứng vững trước muôn hình vạn trạng của ba thù. Điều quan trọng hơn cả là phải biết cậy dựa vào tình yêu của Thiên Chúa. Một ý chí kiên cường, không mộng mị, không nửa vời, biết sống dấn thân và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa sẽ giúp người tu sĩ vượt qua mọi chông gai của cuộc đời, và trở nên những máng thông truyền ơn Chúa xuống cho muôn người.

                                                                                                        Maria Thu Hà

Bài viết liên quan

Có thể bạn quan tâm
Close
Back to top button