Tin Mừng Matthêu 26,14-27, 56
“Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!”
Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng:
“Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!”
Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng:
“Eli, Eli, lema sabachtani!”
Nghĩa là:
“Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!”
Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng:
“Nó gọi tiên tri Elia”.
Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo:
“Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?”
Đoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.
Suy Niệm
Nhớ lại hồi còn bé, Con cứ thắc mắc trong lòng mỗi khi tham dự thánh lễ Lá, tại sao người ta vừa tung hô Chúa là con vua Đa-vít, rồi lại quay ra hô to đóng đinh nó vào Thập giá. Con còn thắc mắc mãi trong lòng tại sao Chúa lại dùng cái chết treo trên thập giá thê thảm quá, chẳng đẹp tí nào.???
Đến bây giờ con mới có thể hiểu mầu nhiệm Cứu thế của Chúa. Giả như, không có Chúa Giê-su thì làm sao chúng con có thể hiểu và nhận biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người chúng con. Chỉ có người con mới hiểu cha mẹ mình hơn cả. Người con hiểu nỗi đau của cha nỗi thao thức của mẹ. người con hiểu được đường lối và ý định của cha và cũng chỉ người con mới có thể thay cha nói cho mọi người hiểu về cha mình, cùng chính người con mới có thể làm cầu nối giữa Cha mình và mọi người
Người con hiểu được tâm tư của cha và ước mong thực hiện dù biết rằng sẽ gặp đau khổ, chống đối, loại trừ và bị giết chết.
Chính cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su kết thúc không thể bi thảm nào hơn. Người đã từng được hàng ngàn người đi theo để tôn làm vua, từng được tung hô sau những phép lạ “Chưa bao giờ người ta thấy như thế này ở Ít-ra-en.” (Mt 9,33), Khi Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, họ còn lấy áo trải lên đường cho Chúa đi qua, còn tung hô Chúa là con Vua Đa-vít. Thế mà nay, bị tra tấn, bị sỉ nhục, vác thập giá, chịu đóng đinh, và sau cùng chết thê thảm trên thập giá. Cái chết của Chúa Giê-su tưởng chừng như là một thất bại ê chề; thế nhưng chính trong giây phút đó, Người hoàn tất chương trình cứu độ mà Ngài lãnh nhận từ nơi Chúa Cha. Cũng chính lúc này, viên đội trưởng Rô-ma đứng dưới chân thập giá đã nhận ra: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mt 15,39).
Vì yêu mến và vâng phục Chúa Cha, Chúa Giê-su đã hiến thân chịu chết “như con chiên hiền lành bị giết đi không kêu một lời” để nên “giá cứu chuộc nhân loại” (x. Is 53,7). Đau khổ và cái chết của Đức Ki-tô có một ý nghĩa và đem lại hiệu quả là sự sống vĩnh cửu cho muôn người. chúng ta cùng với Đức Giê-su, can đảm bước vào cuộc khổ nạn của chính mình, vác thập giá của mình mỗi ngày là những vất vả lao nhọc của việc bổn phận hằng ngày, những hiểu lầm, oán ghét, hờn ghen, loại trừ, nghi ngờ của chị em, để kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su. Và con tự đặt câu hỏi cho mình?
Kết hiệp với Chúa Giê-su chịu đóng đinh, con phải làm gì để nên giống Chúa?
Kết hợp với Chúa Giê-su trên đường khổ giá con phải chọn lối sống nào, đi con đường nào?
Kết hợp với Chúa Giê-su trong mồ đá con phải chôn vùi tính xấu nào nơi con?
Lạy Chúa, Xin cho con biết chết đi với những tính hư nết xấu còn đeo bám con, xin cho con biết chọn con đường yêu thương để hy sinh phục vụ anh chị em con, và xin cho con đón nhận những đau khổ trong cuộc sống với lòng yêu mến để cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Ước gì mỗi ngày con đều khao khát nên giống Chúa hơn. Amen.
Xương Rồng